Nỗi niềm hoa Tết

Chung Thanh Huy| 19/01/2020 03:17

Những ngày cuối năm, từ nông thôn cho đến thành thị, các chợ hoa Tết đều rực rỡ những sắc màu của đủ loại hoa, kiểng. Nhưng có mấy ai thấu hiểu đằng sau những giỏ hoa tươi xinh ấy là nhiều nỗi niềm của người trồng hoa Tết.

Nỗi niềm hoa Tết

Từ xa xưa, những người nông dân ở Sa Đéc quê tôi thường tận dụng đồng ruộng hoặc những vùng đất trũng để trồng hoa cung ứng vào mỗi mùa Tết. Thế nhưng, mùa trồng hoa tết cũng là mùa con nước lũ tràn đồng ở miền Tây. Mà địa thế Sa Đéc lại nằm cạnh sông Tiền nên vào mùa lũ, nước thường đe dọa làng hoa. Bởi vậy, việc đưa hoa lên giàn là vô cùng cần thiết, không chỉ giúp hoa chống hư hỏng, mà còn giữ cho hoa sạch, không lấm lem bùn đất. Người trồng hoa đưa hoa lên giàn cũng là giữ cho hoa được tinh khôi, thuần khiết. Vì vậy, làng hoa Sa Đéc trở thành nét nổi bật độc đáo và có sức hút khó cưỡng so với các làng hoa còn lại ở miền Tây

Nghề "đem hoa làm đẹp cho đời" tưởng đâu tươi đẹp, nhưng hóa ra lại có không ít cay đắng, tủi hờn. Ít ai biết rằng nghề trồng hoa Tết cực hơn chăm con mọn. Để có được những chậu cúc mâm xôi nở đúng dịp Tết, người nông dân phải miệt mài ngoài vườn cả 6 tháng trời. Từ ngắt chồi, bón phân, tưới nước... canh chỉnh thời gian chính xác đến từng ngày. Rồi chuyện mưa bão, sương muối cũng khiến nông dân phập phồng, lên ruột. Chỉ cần hoa nở trễ hoặc sớm là xem như những ước mơ về mâm cỗ ngày Tết hay chiếc áo mới cho con cái cũng tiêu tan theo.

Trồng hoa truyền thống rất bấp bênh, lái không mua thì phải đem ra chợ bán lẻ. Khách hàng mua lẻ chê nữa thì nông dân chỉ có nước đổ bỏ, khóc ròng. Người trồng hoa lận đận với chính cái nghề mình đã gắn bó trên mảnh đất của cha ông. Tuy nhiên, sau tất cả vui buồn, người ta vẫn thấy nông dân Sa Đéc gắn bó với hoa cùng với những thăng trầm.

Mấy năm gần đây, hễ gần đến Tết là người ta cứ lại tranh luận về chuyện có nên đợi đến ngày 30 mới mua hoa Tết hay không. Nhiều người cảm thông với những vất vả, khó nhọc của người nông dân quanh năm phải dãi nắng dầm mưa. 

Ngược lại, cũng có không ít người lập luận rằng là do người bán đã nâng giá lên gấp 3-4 lần, vài ngày sau đó lại giảm xuống, nên người mua đành đợi 30 Tết mới đi chọn hoa. Hoặc họ cho rằng đó là chuyện “thuận mua vừa bán” chứ không thể lúc bán ế thì kêu gọi “giải cứu” còn khi đắt hàng thì hưởng hết một mình…

Link bài viết

Công bằng mà nói, ai cũng có cái lý khi đưa ra ý kiến của mình. Nhất là khi chuyện bán mua ngày nay luôn tuân theo lý thuyết “bàn tay vô hình” của nền kinh tế thị trường. Ngay bản thân tôi cũng không ủng hộ thực trạng “thấy người ăn khoai lại vác mai đi đào”, nông sản làm ra cứ lâm cảnh “được mùa mất giá” để rồi cứ phải “giải cứu mút mùa”.

Vẫn biết làng hoa truyền thống ở Sa Đéc thăng trầm hàng trăm năm qua và người trồng hoa cũng lắm phen điêu đứng cho thời cuộc dù lúc này lúc khác. Tuy nhiên, những người dân quê tôi vẫn luôn còn đó bản tính khẳng khái, phóng khoáng, trọng nhân nghĩa của những lưu dân ngày đầu mở cõi năm xưa. Chỉ mong muốn người khác nhìn nhận đúng giá trị của sản phẩm được làm ra chứ không phải là sự thương hại, mủi lòng. Còn chuyện bấy lâu nay hoa đến tay người tiêu dùng với giá cao ngất ngưỡng là do thương lái mua đi bán lại qua nhiều trung gian. Đó cũng là tình trạng nan giải của hàng trăm mặt hàng nông sản khác đang gặp phải, chứ không riêng gì hoa Sa Đéc.

Khổ nỗi, chẳng ai có thể “vừa xay lúa vừa ẵm em” với nền kinh tế thị trường cùng một xã hội đề cao chuyên môn hóa và phân công lao động hợp lý. Người nông dân khó có thể làm tốt cả hai việc cùng một lúc là trồng hoa thật đẹp rồi đem bán được giá. Do đó, rất cần việc xây dựng thương hiệu hoa Sa Đéc có chỉ dẫn địa lý, để tiến tới được bảo hộ độc quyền cũng như việc sản phẩm được bảo tiêu, thống nhất về giá. Mà điển hình như Dalat Hasfarm - một doanh nghiệp nước ngoài rất thành công trong việc xây dựng, nâng cao giá trị và đưa hoa Đà Lạt vươn ra thế giới. Để rồi giờ đây, khi nói đến mặt hàng hoa của Dalat Hasfarm thì chẳng ai thắc mắc đến chuyện mắc hay rẻ, bởi ai cũng hiểu câu “tiền nào của nấy”. 

Bản thân tôi cùng bao người nông dân quê mình vẫn đang ước mong các doanh nghiệp Việt Nam cùng chung tay góp sức để hoa Sa Đéc không những khẳng định được vị thế của mình, mà còn giúp người nông dân có thể sống được với nghề truyền thống quê mình.   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nỗi niềm hoa Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO