Năm 2012, doanh nghiệp vẫn phải “vượt bão”

PHƯƠNG HÀ thực hiện| 14/12/2011 08:26

Nhân dịp Hội nghị Tổng kết công tác năm 2011, Báo DNSG đã phỏng vấn Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Minh. Ngoài những thông tin về Hiệp hội, ông Minh đã chia sẻ những vấn đề rất búc xúc của doanh nghiệp (DN) hiện nay và một số kiến nghị...

Năm 2012, doanh nghiệp vẫn phải “vượt bão”

Nhân dịp Hội nghị Tổng kết công tác năm 2011, Báo DNSG đã phỏng vấn Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Minh. Ngoài những thông tin về Hiệp hội, ông Minh đã chia sẻ những vấn đề rất búc xúc của doanh nghiệp (DN) hiện nay và một số kiến nghị...

* Nghị quyết 11 của Chính phủ đề ra 6 giải pháp chủ yếu để giải quyết những khó khăn trước mắt của nền kinh tế. Vậy theo ông, giải pháp nào liên quan đến DN nhiều nhất?

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Minh.

- Không có giải pháp nào là không liên quan đến DN, doanh nhân. Bởi muốn thực hiện các giải pháp đó, lực lượng nòng cốt vẫn là DN.

Bốn năm liên tiếp, nhất là năm 2011, nền kinh tế nước ta gặp vô vàn khó khăn. Không thể để tình trạng này kéo dài, nên Nghị quyết 11 đề ra nhiệm vụ tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Nhưng việc giảm lạm phát cho đến cuối năm chỉ mới dừng lại ở việc co kéo lên xuống của chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Các giải pháp chống lạm phát đã có một số “tác dụng phụ”, như việc thắt chặt tiền tệ, lãi suất cho vay vượt quá ngưỡng chịu đựng, làm cho gần 50.000 DN dừng hoạt động, riêng TP.HCM đã có gần 1.700 DN tự giải thể (theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Với tâm lý bảo toàn giá trị tài sản khi tiền đồng ngày càng mất giá, người dân được chứng kiến sự hỗn loạn trên thị trường vàng, bất chấp những lời trấn an và các giải pháp can thiệp từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Các bất ổn của kinh tế vĩ mô tác động nặng nề đến thị trường chứng khoán và bất động sản.

Tình trạng nhập siêu đã được cải thiện nhưng chưa tạo được nền tảng vững chắc, vì không dễ giải quyết trong ngắn hạn khi cơ cấu kinh tế kém hiệu quả, công nghiệp phụ trợ yếu kém và nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị, phụ tùng còn phụ thuộc khá nặng nề vào thị trường nước ngoài.

Rồi những “nút thắt” làm cho việc tăng trưởng kinh tế chậm lại là cơ sở hạ tầng, trình độ nguồn nhân lực và cải cách hành chính vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt.

Điểm qua mấy nét như thế để thấy sức chịu đựng của DN trong những năm vừa qua là rất đáng biểu dương, và vì thế mà vẫn có khoảng 30% DN tiếp tục tăng trưởng trong tình hình chung tưởng như không thể.

Chính những DN này và khoảng 30% DN đang hoạt động cầm chừng sẽ chung sức cùng đồng bào cả nước thực hiện cho được ba nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết 11 đã nêu.

* Để góp phần giúp DN sản xuất, kinh doanh trong tình hình khó khăn, nhất là trên 6.000 DN hội viên, năm qua Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Hiệp hội) đã làm gì, thưa ông?

- Tôi chỉ nêu ba công việc chính. Một là Hiệp hội luôn thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa DN và chính quyền, như đã tập hợp những khó khăn, vướng mắc của DN, nhất là về vốn và lãi suất, thuế VAT, thuế thu nhập, thuế một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu để kiến nghị với các cấp chính quyền giải quyết, cả bằng văn bản gửi lên Trung ương, cả trong những cuộc họp giữa Thành ủy, UBND thành phố với Hiệp hội, hay trong những lần được mời làm việc với Chính phủ.

Hiện nay lãi suất huy động của ngân hàng còn 14%, lãi suất cho vay còn 17-19%, dù vẫn rất cao, nhưng cũng đã giảm bớt một phần gánh nặng cho DN.

Sau ngày 31/7/2009, ngày mà Bộ Chính trị ra văn bản chỉ đạo tổ chức Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Hiệp hội đã triển khai cho các hội, câu lạc bộ thành viên và những đơn vị trực thuộc thực hiện một cách thiết thực.

Hiệp hội còn tổ chức hội thảo để các doanh nhân bàn cách sản xuất hàng hóa có chất lượng cao, mẫu mã phù hợp với thị trường trong nước. Đến nay, hàng hóa của nhiều DN hội viên đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng Việt Nam.

Với vai trò là một ủy viên của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, Hiệp hội đã góp phần đáng kể vào việc giải quyết vốn cho một số công ty để họ có thể trụ vững trong tình hình rất khó khăn.

Thứ hai là góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, như tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về quản trị rủi ro, kỹ năng đàm phán, ký kết hợp đồng, lập kế hoạch thuế, chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ; các giải pháp tài chính hỗ trợ DN nhỏ và vừa...

Thứ ba là góp phần xúc tiến thương mại cho DN, như hằng năm tổ chức thành công Hội chợ Tôn vinh hàng Việt Nam; tổ chức các cuộc bàn thảo hợp tác kinh doanh giữa DN thành phố với một số tổ chức hoặc DN nước ngoài, tổ chức giao lưu xúc tiến thương mại giữa Hiệp hội với hiệp hội DN các nước tại TP.HCM; tổ chức đoàn DN tham dự triển lãm thương mại thế giới lần thứ 18 tại Mỹ...

* Với tư cách là người đứng đầu một tổ chức quan trọng nhất của doanh nhân TP.HCM, ông trăn trở nhất điều gì?

- Trong 6 chương trình đột phá phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 của TP.HCM do Thành ủy TP.HCM đề ra, gồm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách hành chính gắn với mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền đô thị, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, giảm ùn tắc giao thông, thì tôi trăn trở nhất là chương trình thứ nhất, bởi nó quyết định tất cả.

Chất lượng nguồn nhân lực, trước hết là ở bộ máy các cấp chính quyền, họ phải được đào tạo và trả lương để làm tròn trách nhiệm của một công chức mẫn cán, với cái tâm không bị lòng tham tiền thao túng, trước hết vì cộng đồng, chứ không phải như hiện nay, rất nhiều “công bộc” hành dân là chính, trong đó có DN, và không thể không nói đến DN “bị hành” nhiều nhất trong rất nhiều thủ tục liên quan đến bộ máy công quyền.

Xương sống của cải cách hành chính là thủ tục hành chính, mà xương sống của thủ tục hành chính là bộ máy công quyền, là vì vậy.

* Vâng, những người làm báo chúng tôi hiểu những yêu cầu có tính cấp bách của doanh nhân như ông vừa nói. Vậy để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2012, Hiệp hội có kiến nghị gì, thưa ông?

- Năm 2012, Hiệp hội vẫn bám sát phương châm hoạt động Vì quyền lợi của doanh nghiệp - Vì lợi ích quốc gia - Vì uy tín quốc tế - Vì xã hội và cộng đồng với rất nhiều công việc cụ thể, thiết thực đối với DN, doanh nhân, như tổ chức thực hiện 6 chương trình hành động của Thành ủy, thực thi Nghị quyết 11 của Chính phủ; thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam...; tổ chức chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam...

Năm 2012, nền kinh tế nước ta sẽ chưa ra khỏi khó khăn, thậm chí lạm phát có thể còn rất cao, vì thế, một mặt để giúp DN “vượt bão”, mặt khác hỗ trợ cho nhiệm vụ của Hiệp hội, chúng tôi kiến nghị Chính phủ:

Thứ nhất, giải quyết vốn ưu đãi cho DN, nhất là DN sản xuất hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng thiết yếu, sản xuất, chế biến nông lâm thổ sản; đặc biệt chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục cho DN bất động sản vay tiền để hoàn thành các dự án dang dở trong mấy năm qua, chứ không nên “cấm cửa” theo kiểu cào bằng với mọi DN bất động sản như trong năm 2011.

Thứ hai, giảm chi đầu tư công, giảm chi ngân sách đi đôi với giảm thu, giãn thu thuế VAT, thuế thu nhập DN để bồi dưỡng sức dân.

Thứ ba, tổ chức lại hệ thống ngân hàng thương mại theo hướng tập trung quy mô lớn, chuyên môn hóa, như ngân hàng thuộc ngành nào thì cho ngành đó vay tiền.

Thứ tư, trước khi chính quyền ban hành một chủ trương hay một chính sách thuộc lĩnh vực kinh tế, nên tham khảo ý kiến các hội ngành nghề, tham khảo ý kiến những trí thức doanh nhân.

Thứ năm, để thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ vốn và lãi suất cho DN đầu tư công nghệ, trang thiết bị để làm ra hàng hóa chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại.

* Rất cám ơn ông về những thông tin đã dành cho Báo Doanh Nhân Sài Gòn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năm 2012, doanh nghiệp vẫn phải “vượt bão”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO