Liên minh Hawa và Bifa: Bắt tay tìm đường vào thị trường nội địa

NAM KHUÊ| 24/01/2013 00:10

Từ con số khiêm tốn 294 triệu USD năm 2000, đến cuối 2012, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đã đạt 4,5 tỷ USD. Trong khi đó, thị trường đồ gỗ trong nước lại tăng trưởng không đáng kể.

Liên minh Hawa và Bifa: Bắt tay tìm đường vào thị trường nội địa

Từ con số khiêm tốn 294 triệu USD năm 2000, đến cuối 2012, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đã đạt 4,5 tỷ USD. Trong khi đó, thị trường đồ gỗ trong nước lại tăng trưởng không đáng kể.

Đọc E-paper

Hội chợ VIFA do HAWA tổ chức

Nghẽn ở khâu phân phối

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của các doanh nghiệp (DN) thành viên Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), trong đó, kỹ năng thâm nhập thị trường nội địa gần như không có nên gặp khó khăn khi sản xuất hàng với số lượng hạn chế để phục vụ người tiêu dùng trong nước, mà chỉ quen sản xuất với số lượng lớn để xuất khẩu.

Mở Hội chợ Vifa home, tìm cơ hội giao tiếp với các đại lý phân phối trong nước cũng chưa thành công do sự chênh nhau giữa nhu cầu của hai bên; bắt tay với nhà thiết kế thì mới chỉ ở bước đầu...

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Thanh, cho biết, do không tiếp cận được với các đơn vị phân phối nên để thâm nhập thị trường nội địa, Công ty phải đầu tư các showroom để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.

Tuy nhiên, dù cung cấp khá nhiều chủng loại sản phẩm nhưng chỉ là sản phẩm của Nguyễn Thanh chứ không phong phú nhãn hiệu nên chỉ mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng mua lẻ. Tuy vậy, theo ông Bình, tín hiệu đón nhận từ thị trường trong nước khá tốt.

Cũng chọn giải pháp này còn có Công ty TNHH Sản xuất đồ gỗ Bảo Hưng. bà Đỗ Thị Bích Sâm, Giám đốc Công ty, cho biết, việc mở showroom để tiếp cận người dùng trong nước chỉ là bước tìm hiểu thị trường. "Hơn ba năm qua, các DN thành viên Hawa đã rất cố gắng thâm nhập thị trường nhưng cái khó nhất chúng tôi vấp phải vẫn là vấn đề phân phối", ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hawa, cho biết.

Theo ông Thắng, để giải quyết khó khăn này cần thiết phải có một trung tâm cung ứng giúp tập hợp và giới thiệu các sản phẩm, phụ kiện cho ngành, đồng thời giúp các nhà sản xuất tương tác với thị trường xuất khẩu và nội địa một cách hiệu quả hơn.

"Có nhà sản xuất, nhà bán lẻ nhưng thị trường lại thiếu hẳn một địa chỉ bán sỉ để kết nối hai đối tượng này", ông Thắng khẳng định.

Mãi đến ngày 9/1 vừa qua, sau một thời gian dài bàn thảo, liên minh cung ứng đầu tiên tại Việt Nam với tên gọi SAFURNI (South East Asia Furniture), nơi tập hợp các nhà sản xuất đồ nội, ngoại thất xuất khẩu là các DN thuộc Hiệp hội Chế biến gỗ tại Bình Dương (Bifa) và các DN thành viên Hawa, mới chính thức ra đời, bao gồm các tên tuổi khá uy tín trong lĩnh vực sản xuất - xuất khẩu đồ gỗ như: Scansia Pacific, Hiệp Long, Hố Nai, Bảo Hưng, Minh Phát 2 (MIFACO), Nguyễn Thanh, Sao Nam, Lavanto..., hoặc các tên tuổi đã tạo được ấn tượng tốt với thị trường trong nước như: kệ bếp Danh Mộc, ván sàn Trường Lâm Thịnh, Chăn, drap Edena...

Với lợi thế tập hợp đầy đủ những gì một căn nhà cần có như: đồ gỗ, kệ bếp, ván sàn, đồ trang trí, chăn, drap, gối, nệm, cửa gỗ, bình hoa..., SAFURNI hứa hẹn sẽ là nơi đưa DN trong ngành tiến ra thị trường thuận lợi.

Bài toán hùn hạp làm ăn

Ông Trần Việt Tiến, Giám đốc Công ty Gia Long, thành viên Liên minh SAFURNI, cho biết, thị trường tiêu thụ nội thất trong nước đang có nhiều biến chuyển tích cực. Tổng nhu cầu đồ nội, ngoại thất của cả nước ước đạt khoảng 3 tỷ USD, do vậy, tiến đến thành lập liên minh để tạo sức mạnh cung ứng là bàn đạp giúp DN tiến vào thị trường dễ dàng hơn.

Khách hàng mục tiêu của SAFURNI là các cửa hàng nội, ngoại thất; các chủ đầu tư công trình khách sạn, resort, building, cụm dân cư; các đơn vị tư vấn, thiết kế, xây dựng; nhà thầu...

"Sự ra đời của SAFURNI sẽ giúp giải tỏa khó khăn của các cửa hàng nội thất không thể đặt hàng các nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu vì số lượng quá ít", ông Tiến khẳng định.

Ngày ra mắt, SAFURNI đã đưa vào hoạt động trung tâm phân phối đầu tiên ADS - Safurni tại 143 Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM. Trung tâm ADS là mô hình đầu tiên để DN phối hợp trưng bày theo những chủ đề, chức năng của từng không gian trong một ngôi nhà. Điều này tạo cơ hội cho người dùng có thể tham khảo kỹ hơn trước khi lựa chọn sản phẩm.

"Mô hình này thuận lợi cho những đơn vị quen xuất khẩu như Bảo Hưng, giúp chúng tôi từng bước tiếp cận người dùng", bà Sâm nhận xét. Ở phía người dùng, theo ông Nguyễn Hữu Duy, Giám đốc Công ty Edena, khách hàng sẽ có được một địa chỉ tin cậy, không lo bị "làm giá” vì đã tiếp cận được với nhà sản xuất.

Ấp ủ việc liên kết các DN chế biến gỗ để tạo thành một liên minh phân phối từ lâu, ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, cho biết, đây sẽ là giải pháp tốt để các DN cùng nhau tìm khách hàng ở thị trường nội địa. Ông tin, việc liên kết giữa các nhà sản xuất sẽ còn mở rộng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, điều cần quan tâm nhất chính là tính minh bạch và nguyên tắc hùn hạp làm ăn. "Văn hóa hùn hạp ở Việt Nam kém nhất thế giới. Doanh nhân Việt Nam vẫn chưa đề cao việc liên kết nên hình thành được một liên minh như SAFURNI là việc không đơn giản", ông Minh nhận định.

Theo ông Minh, liên minh này cần tiến đến mô hình một công ty cổ phần, tìm người điều hành tốt và nhất là phải dung hòa được nghĩa vụ lẫn quyền lợi của các thành viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Liên minh Hawa và Bifa: Bắt tay tìm đường vào thị trường nội địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO