Làm thế nào để hội là chỗ dựa của doanh nghiệp

DUY KHUÊ| 01/01/2015 08:06

Năm 2015, lãnh đạo TP.HCM sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động, xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ phát triển DN, xây dựng thương hiệu.

Làm thế nào để hội là chỗ dựa của doanh nghiệp

Doanh nghiệp (DN) ngày càng đặt kỳ vọng vào sự hỗ trợ của các tổ chức hội ngành nghề, mặc dù vẫn còn nhiều mục tiêu mà hội chưa đạt được trong năm 2014.

Đọc E-paper

"Năm 2015, lãnh đạo TP.HCM sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động, xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ phát triển DN, xây dựng thương hiệu. Cụ thể, đó là đề án Phát triển DN hỗ trợ. Đồng thời, Thành phố cũng đang tính toán một chương trình hỗ trợ DN song song cùng đề án này để tất cả DN đều được hưởng những chính sách hỗ trợ tương xứng", Phó chủ tịch UBND TP.HCM Tất Thành Cang đã nhấn mạnh trong Hội nghị Báo cáo hoạt động năm 2014 và Phương hướng hoạt động năm 2015 do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức giữa tháng 12/2014.

Những thông tin ấy đã mở ra nhiều kỳ vọng cho DN, vấn đề còn lại phụ thuộc rất lớn vào vai trò của các hội.

Trước hết, hội phải làm cầu nối chặt chẽ giữa DN và các quan quản lý, để mọi chính sách hỗ trợ đều đến được với DN. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Hà - Phó giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức chia sẻ, hầu hết DN gia nhập hội đều có nguyện vọng kết nối, tiêu thụ được hàng hóa, sản phẩm. Vì thế, hội phải đóng vai trò là đơn vị mở đường, tạo hướng đi mới cho DN.

Bên cạnh việc phổ biến những chủ trương về chính sách, thuế đến DN, hội cần tập hợp các khó khăn của DN đ6phản ánh đến các cơ quan ban ngành. Hội nên đồng hành cùng Nhà nước xây dựng thương hiệu sản phẩm.

"Ở các nước khác, DN sản xuất rau sạch, sản xuất thực phẩm sạch... rất mong các cơ quan về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đến kiểm tra để đánh giá chất lượng. Nhưng ở Việt Nam, hễ nghe các cơ quan đánh giá vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường tới kiểm tra thì hầu hết DN đều né tránh", bà Hà cho hay. Nếu tình trạng DN còn sợ cơ quan quản lý, thì không có sự hỗ trợ nào hiệu quả trong việc giúp DN phát triển.

Theo một số đại biểu dự hội nghị, tổ chức hội nói chung và HUBA nói riêng nên tập trung vào một số chủ đề cụ thể của năm. Ví dụ, năm 2015 tập trung cùng DN xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tính chất lượng trong cộng đồng các DN. Và sau đó có sự đánh giá hiệu quả của các hoạt động này trên nhiều mặt.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất, đánh giá cao những hoạt động của các hội trong việc tổ chức các chương trình thăm hỏi thực tế, nhằm ghi nhận khó khăn của DN.

Không chỉ có HUBA, Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM, Hội Doanh nghiệp quận Bình Thạnh... thời gian qua cũng tổ chức nhiều buổi đi thăm trực tiếp DN, vừa ghi nhận khó khăn, vừa chia sẻ kinh nghiệm thành công... Song, theo bà Cúc, cơ sở nào yếu thì các hội nên đến nhiều hơn nhằm lắng nghe khó khăn của DN. Có như vậy hội mới thực sự là chỗ dựa của DN.

Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM:

HUBA sẽ tập trung thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp

Năm 2015, tình hình kinh tế Việt Nam vẫn chưa thật sự ổn định, HUBA sẽ đẩy mạnh và phát huy hơn nữa vai trò cầu nối, cung cấp nhiều thông tin hỗ trợ tối đa cho DN. Tuy nhiên, các DN cũng cần xác định, tự điều chỉnh lại phương hướng hoạt động cho phù hợp, cũng như nên xây dựng tinh thần độc lập tự chủ.

HUBA mong muốn lãnh đạo Thành phố tiếp tục đồng hành cùng DN, đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chánh, cơ chế chính sách, giải pháp thực hiện cần kịp thời, mạnh mẽ và hiệu quả để đưa chính sách đi vào cuộc sống. Đồng thời, HUBA vẫn bám sát hoạt động thực tế của DN để nắm bắt khó khăn, vướng mắc và kịp thời kiến nghị lên các cấp nhằm nhanh chóng hỗ trợ DN.

Xây dựng các chương trình kết nối hoạt động các hội và hội viên, phát triển hội viên; phản biện và góp ý xây dựng chính sách phù hợp. Hiệp hội sẽ tập trung thực hiện chương trình hỗ trợ DN, chương trình hội nhập, chương trình xã hội cộng đồng với các giải pháp thực hiện cụ thể cho từng chương trình.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep):

Vasep luôn sẵn sàng hỗ trợ hội viên

Dù chưa có tổng kết cụ thể về hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành thủy sản năm 2014, nhưng năm nay, kết quả sơ bộ cho thấy, tăng trưởng 18%. Điều này được xem là khá ấn tượng. Năm 2015, Vasep sẵn sàng hỗ trợ DN hội viên. Hoạt động của Hiệp hội vẫn là nối tiếp các vấn đề của năm trước.

Về cơ bản, Hiệp hội cố gắng bắt kịp ý kiến, bức xúc của DN để phản hồi kịp thời, nhằm giúp Nhà nước xây dựng môi trường kinh doanh tốt hơn cho DN. Hội là một tổ chức tự nguyện, nhiệm vụ chính là chuyển tải được chính sách, thị trường đến với hội viên, thu thập những ý kiến, khó khăn của DN và gửi lên các sở ban ngành. Hội phải quan tâm, hỗ trợ cụ thể trong những vấn đề liên quan DN.

Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam:

Rất cần thông tin

Vai trò của hiệp hội ngành hàng trong liên kết DN còn rất hạn chế. Vì vậy, đứng với vai trò là DN, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, tôi cho rằng, đã đến lúc cần tăng cường vai trò của hiệp hội ngành hàng trong việc tạo điều kiện phối hợp, liên kết và hỗ trợ các DN về thông tin, chính sách.

Theo đó, năm 2015, Hiệp hội sẽ tăng cường hỗ trợ thông tin cho hội viên qua nhiều hình thức. Muốn vậy, Hiệp hội rất cần các nguồn thông tin từ cơ quan nhà nuớc, nhằm giúp DN nghiên cứu sản xuất những sản phẩm mang tính cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Hiện nay, DN ngành nhựa nói riêng rất thiếu thông tin, không biết ai đang cần gì, DN nào đang làm ra cái gì.

Bên cạnh đó, chất lượng một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong ngành nhựa còn thấp, chưa đồng đều và giá cao, nên chưa đáp ứng được yêu cầu của DN sản xuất lắp ráp, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài. Trong thời gian tới, Hiệp hội kỳ vọng sẽ kêu gọi được các DN trong ngành cùng hợp tác và chia sẻ thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm thế nào để hội là chỗ dựa của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO