Giảm dư lượng Metalaxyl: Áp lực cho hạt tiêu Việt

LÊ LOAN| 15/02/2017 05:09

Theo VPA, nếu việc giảm mức dư lượng tối đa cho phép của hoạt chất Metalaxyl từ 0,1ppm xuống còn 0,05ppm được thực hiện thì hạt tiêu Việt Nam sẽ rất khó xuất khẩu sang châu Âu trong thời gian tới.

Giảm dư lượng Metalaxyl: Áp lực cho hạt tiêu Việt

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), nếu việc giảm mức dư lượng tối đa cho phép của hoạt chất Metalaxyl từ 0,1ppm xuống còn 0,05ppm được thực hiện thì hạt tiêu Việt Nam sẽ rất khó xuất khẩu sang châu Âu trong thời gian tới.

Đọc E-paper

Kể từ khi Ủy ban Châu Âu (EC) chính thức phát hành thư thông báo vào ngày 12/12/2016 về việc tiếp tục kiến nghị Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xem xét áp dụng mức dư lượng tối đa cho phép (MRLs) của hoạt chất Metalaxyl (chất diệt nấm bệnh gây hại trên nhiều loại cây trồng, trong đó có cây tiêu) trong hạt tiêu nhập khẩu vào châu Âu xuống còn 0,05ppm và cho phép các nước thành viên của WTO có quyền kiến nghị trong vòng 60 ngày thì VPA đã gấp rút trao đổi với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) nhằm tìm giải pháp, phương thức kiến nghị lên EC và WTO.

Theo đó, tuần qua, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động vật Việt Nam (SPS Việt Nam) - đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT, đã chính thức gửi thư kiến nghị lần 2 lên EC, đưa ra lý do đề nghị không áp dụng mức MRLs quy định này.

Cụ thể, từ nhiều năm nay, mức MRLs đối với Metalaxyl vẫn là 0,1ppm. Hơn nữa, mức MRLs này được căn cứ trên các kết quả nghiên cứu của Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) vào năm 2015, theo đó, tỷ lệ 0,1ppm của Metalaxyl không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng.

Thứ hai, đề xuất mới lại giảm mức MRLs của Metalaxyl từ 0,1ppm xuống 0,05ppm đối với hạt tiêu (peppercorn - code 0820060) là mặt hàng gia vị, với lượng dùng rất ít trong các bữa ăn, trong khi mức MRLs của Metalaxyl áp dụng trên các loại nông sản khác như táo (code 0130010) hay lê (code 0130020) lại vẫn giữ là 1ppm, nho (Code 0151010) có mức 2ppm.

>>Tìm "vị ngọt" trong... hạt tiêu

Đồng thời, phía SPS Việt Nam cho rằng việc đề xuất áp dụng quy định mới với mức MRLs là 0,05ppm của Metalaxyl trên hạt tiêu, trong đó có hạt tiêu Việt Nam, không phải là để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nên việc đề xuất hạn mức dư lượng là không có cơ sở.

Được biết, SPS là kênh thông tin chính thức giữa Việt Nam và các thành viên của WTO, đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hóa theo yêu cầu của Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật của WTO.

Tính đến thời điểm hiện tại, việc EC kiến nghị giảm mức MRLs của Metalaxyl đối với hạt tiêu không phải mới. Trước đó, vấn đề này đã được EC lần đầu tiên nhắc đến trong phần đệ trình lên WTO, yêu cầu chỉnh sửa lại Quyết định 396/2005 của Liên minh châu Âu (EU) đối với thuốc bảo vệ thực vật được phép tồn dư trên một số nông sản ở châu Âu. Trong đó, EC đã đề nghị WTO thay đổi mức MRLs đối với Metalaxyl trên hạt tiêu nhập khẩu vào châu Âu là 0,01ppm.

Trước sự việc trên, SPS Việt Nam, các cơ quan chức năng thuộc Bộ NN-PTNT, VPA, Hiệp hội Gia vị Châu Âu (ESA)... đã thống nhất trình thư kiến nghị gửi EC đề nghị giữ nguyên mức MRLs đối với Metalaxyl là 0,1ppm. Ngay sau đó, EC đã có thư phản hồi dừng xem xét việc này và giữ nguyên mức MRLs của Metalaxyl là 0,1ppm.

Theo đánh giá của VPA và các doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam, Quyết định 396/2005 trên thực tế đã giúp hạt tiêu Việt Nam có nhiều cơ hội vào thị trường châu Âu.

Thế nhưng, chỉ sau chưa gần 3 tháng đồng thuận, ngày 12/12/2016 EC lại tiếp tục đưa vấn đề này ra, thông qua việc kiến nghị WTO cho áp dụng mức quy định MRLs mới với Metalaxyl là 0,05ppm.

Theo thống kê năm 2016, Việt Nam xuất khẩu được 177.000 tấn hạt tiêu, đạt giá trị 1,42 tỷ USD, tăng trưởng 34,3% về khối lượng và 12,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên, kết quả sơ bộ của tháng đầu tiên của năm 2017 cùng sản lượng xuất khẩu 8.000 tấn hạt tiêu, đạt 56 triệu USD cho thấy ngành hồ tiêu đang giảm 18% về khối lượng và 37% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Song, theo các doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu cũng như phía VPA, điều này không quá đáng ngại. Bởi trước Tết Nguyên đán, các nhà nhập khẩu thường đẩy mạnh mua vào, do đó dẫn đến giảm các hoạt động mua bán trong tháng 1/2017.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, phía VPA cho hay, do giá tiêu tăng cao trong năm 2016 nên năm nay diện tích trồng hồ tiêu của Việt Nam dự kiến sẽ được nông dân mở rộng thêm khoảng 15 - 20%. Bên cạnh đó, vườn tiêu ngày càng được chăm chút hơn nên dự báo sản lượng hạt tiêu của Việt Nam năm 2017 sẽ tăng ít nhất 15% so với cùng kỳ năm 2016, dự kiến đạt khoảng 180.000 tấn.

Theo Bộ Công Thương, hạt tiêu sẽ tiếp tục là ngành đem lại nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho Việt Nam trong năm 2017, kỳ vọng sẽ trở thành một trong 13 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1,5 tỷ USD trong năm nay.

Liệu ngành hồ tiêu Việt Nam có đạt được kỳ vọng trên khi vấn đề áp dụng mức quy định MRLs mới với Metalaxyl là 0,05ppm chưa được quyết định?  

>>Việt Nam vẫn dẫn đầu về xuất khẩu hạt tiêu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giảm dư lượng Metalaxyl: Áp lực cho hạt tiêu Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO