![]() |
Nếu doanh nghiệp (DN) không trực tiếp đưa hàng hóa vào mạng lưới phân phối nước ngoài sẽ gặp bất lợi vì không nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng, không có đơn hàng bền vững, khó quản lý chất lượng hàng hóa.
Phát biểu tại hội thảo triển khai đề án "Thúc đẩy DN Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng lưới phân phối nước ngoài" do Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM, ông Đặng Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến nay, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài rất nhiều nhưng phần lớn bán qua đại lý.
Để có mặt tại các hệ thống phân phối trên toàn thế giới, các sản phẩm Việt Nam đã phải trải qua rất nhiều khâu trung gian, với nhiều hình thức xuất khẩu khác nhau, từ đó đẩy giá sản phẩm tăng cao khi đến tay người tiêu dùng. Ngoài ra, hầu như các sản phẩm Việt đều phải mang thương hiệu ngoại.
Theo chia sẻ của các DN Việt tham gia xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, việc đưa hàng trực tiếp vào mạng lưới phân phối nước ngoài không hề đơn giản vì DN phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu liên quan đến số lượng hàng hóa, chất lượng sản phẩm, tài chính của DN... Do đó, DN nhỏ rất khó để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu. Và liên kết với trung gian, đại lý để bán hàng là giải pháp được DN Việt Nam áp dụng lâu nay.
Về vấn đề này, ông Albin Bertrand - Giám đốc Thu mua thực phẩm của hệ thống Auchan Retail Việt Nam cho biết, thời làm ăn giá rẻ đã qua. Hiện tại, các nhà phân phối đang tìm hàng hóa chất lượng, cụ thể là sản phẩm hữu cơ. Cạnh tranh bằng chất lượng sẽ có tương lai tốt hơn, vì vậy, DN cần nắm bắt xu hướng này để dễ tiếp cận các nhà nhập khẩu.
Trong vai trò đơn vị điều hành, thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận mạng lưới phân phối nước ngoài không chỉ ở châu Âu, châu Á. Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2020, hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào toàn bộ hệ thống phân phối lớn tại khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á, Đông Bắc Á và các quốc gia ký Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam.
Hướng tới tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp của các ngành hàng chủ lực như dệt may, da giày, nông sản, cà phê, chè, thủy sản sẽ tăng thêm từ 10 - 15%.
Ngoài các hệ thống đã tiếp cận, trong những năm tới, mục tiêu Chính phủ đề ra là mở rộng khả năng tiếp cận thêm từ 2 - 3 hệ thống phân phối lớn trên thế giới và tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài của các DN tham gia chương trình này tăng thêm từ 10 - 15%.
Để đạt mục tiêu, phía Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng cường kết nối giữa DN Việt Nam với các hệ thống phân phối ở châu Âu và châu Á như tại các nước như Ý (Coop Italia, Conad), Pháp (Auchan, Casino), Cộng hòa Séc (Makro), Thái Lan (Central Group), Nhật Bản (AEON)... để thiết lập mối quan hệ trực tiếp giữa các DN xuất khẩu trong nước với các hệ thống phân phối, bán lẻ nước ngoài. Thông qua các thương hiệu bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam, DN Việt xem đây là cánh cửa để tiếp cận hệ thống phân phối ở nước ngoài.
Theo chia sẻ của đại diện AEON, hàng Việt Nam chất lượng cao được khách hàng Nhật ưa chuộng. Năm 2016, hệ thống đã nhập hơn 200 triệu USD hàng Việt Nam. Còn đại diện hệ thống Auchan cho biết, sản phẩm của Việt Nam đã có mặt tại các siêu thị của Auchan ở 14 quốc gia và vùng lãnh thổ. Central Group dù mới vào thị trường Việt Nam chưa lâu nhưng cũng đã thành lập công ty thu mua hàng Việt Nam.
Trong chiến lược xuất khẩu hàng Việt, Central Group áp dụng nhiều hình thức như ký hợp đồng dài hạn với DN nhỏ và vừa Việt Nam, từ đó có thể hỗ trợ tài chính ổn định cho các DN này sản xuất, thậm chí còn đứng ra bảo lãnh cho các DN này vay vốn ngân hàng.
Theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, DN cần hiểu rõ các quy định của thị trường nhập khẩu. Việc kiểm soát chất lượng hàng hóa theo Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (Food Safety Modernization Act - FSMA) của Mỹ là ngay từ khâu nguyên liệu, chế biến, đóng gói, vận chuyển...
Theo đó, trong mỗi khâu phải có thanh tra, kiểm định chất lượng với hồ sơ rõ ràng. Khi hàng hóa đến cảng, cơ quan quản lý của Mỹ sẽ kiểm tra hồ sơ. Thế nhưng, hầu như các DN Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ luật mới này.
Trên thực tế, rất nhiều DN Việt Nam đang vướng luật này và được phía Mỹ cảnh báo. Bộ Công Thương cho biết, quy định mới này đã được báo cáo cho các bộ, ngành liên quan. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đánh giá lại tác động của luật trên, tăng cường phổ biến thông tin mới, hỗ trợ xây dựng đơn vị giám sát kiểm định thứ 3.
Bởi, những quốc gia xuất khẩu nhiều vào Mỹ thường chọn tổ chức uy tín giám sát là hội, hiệp hội để Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) huấn luyện và thay FDA giám sát chất lượng sản phẩm của DN hội viên của mình khi xuất vào Mỹ.
Để có thể tiếp cận thị trường thành công, theo chia sẻ của đại diện Auchan, DN Việt Nam cần khảo sát và tìm hiểu xu hướng thị trường trước để tập trung đáp ứng các điều kiện cho phép thâm nhập thị trường như xây dựng thương hiệu, đề ra chiến lược cụ thể và tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm. Bởi lẽ, ngày nay người tiêu dùng quan tâm không chỉ giá cả mà còn chất lượng, thế nên nếu chỉ nhắm vào giá rẻ thì không thể xuất khẩu được.
>>“Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”: Không thể chỉ kêu gọi suông!