Doanh nghiệp làm gì với rác sau Tết?

Đăng Vũ| 08/02/2020 02:49

Bao giờ cũng vậy, trước và sau Tết Nguyên đán, lượng rác thải chủ yếu là rác sinh hoạt phát sinh từ các gia đình đều tăng một cách đột biến.

Doanh nghiệp làm gì với rác sau Tết?

Tôi sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả. Ba tôi là một công nhân vệ sinh môi trường. Tôi chẳng bao giờ tự ti, mặc cảm về nghề của ông. Bởi chính cái nghề đó đã nuôi tôi lớn lên, ăn học, khôn lớn thành người. Công việc của ba chủ yếu làm buổi đêm, dù mưa hay không, ba vẫn âm thầm làm việc không cần ai biết đến. Thương ba dầm mưa dãi nắng kiếm từng đồng lo cho gia đình, mỗi lần nghĩ đến tôi lại thấy khóe mi cay cay. Để phần nào giúp ba nói lên tiếng lòng thay cho những công nhân vệ sinh môi trường, tôi xin gửi đến các doanh nhân, doanh nghiệp những tâm tư, thao thức của người công nhân vệ sinh như ba tôi.

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, nhà nhà ai cũng tranh thủ sắm sửa, bài trí bàn thờ gia tiên, mua quần áo mới, bánh mứt. Cho nên, trước và sau Tết Nguyên đán, lượng rác thải chủ yếu là rác sinh hoạt phát sinh từ các gia đình đều tăng một cách đột biến. Ngày thường công việc của các công nhân vệ sinh môi trường vốn đã vất vả, thì vào những ngày Tết Nguyên đán, nỗi nhọc nhằn ấy của họ dường như càng nhân lên gấp bội bởi số lượng rác thải trên các cung đường, tuyến phố, khu dân cư tăng gấp đôi, gấp ba so với những ngày khác. 

Dạo một vòng xung quanh một số tuyến phố, các điểm cẩu rác, trung chuyển rác thải trên địa bàn nơi tôi sống có thể thấy lượng rác thải ra một ngày là rất lớn. Thế nhưng, chỉ trong thời gian ngắn, các xe gom rác đầy ắp đã được công nhân vệ sinh môi trường đẩy về điểm tập kết. Nơi tôi ở là một thị trấn nhỏ, nhưng đã thấy một lượng rác thải khổng lồ, tôi chưa tưởng tượng được lượng rác nơi các thành phố lớn sẽ như thế nào? Các loại rác thải chủ yếu là thùng giấy, lon bia và nước ngọt, hộp giấy carton của đủ loại bánh mứt...

Tôi thiết nghĩ rằng tất cả đồ phế thải đó đều có thể tái chế và sử dụng lại. Tại sao người dân không phân loại và bán đồng nát. Nhưng khi hỏi một số người thân quen tôi mới vỡ lẽ rằng giá đồng nát hiện nay rẻ như cho không, vì thế họ chẳng cần mất công để phân loại rác làm gì, có bao nhiêu cứ đổ ra cho những người lao công thu gom và quét dọn. 

Đứng trước tình trạng trên, tôi không khỏi bức xúc và suy nghĩ liệu rằng 10-20 năm nữa môi trường sẽ như thế nào? Chính vì thế, thấy được thực trạng trên tôi xin các nhà làm doanh nghiệp lưu tâm đến điều này. Quý vị cho ra những sản phẩm mẫu mã đẹp mắt, xin quý vị cũng hãy tính đến biện pháp để xử lý sau khi sử dụng. Quý vị có thể trợ giá để thu mua lại tất cả phế thải có thể tái chế, tôi cho rằng đây là cách làm hữu hiệu nhất để giúp giảm bớt lượng rác thải đổ ra môi trường. Đó là việc làm tạo thêm uy tín cho các doanh nghiệp và với cách làm này người tiêu dùng chắc chắn sẽ tin dùng sản phẩm của quý vị hơn, bởi quý vị còn cả dịch vụ sau khi dùng sản phẩm. 

Tôi tin rằng, đây cũng là trăn trở của những người làm doanh nghiệp như quý vị. Tôi hy vọng rằng, trong năm Canh Tý này và trong những ngày tháng sắp tới, những phương án mà quý vị đưa ra không còn nằm trên mặt chữ của văn bản chỉ đạo từ cấp trên xuống cấp dưới, mà sẽ được triển khai một cách cụ thể, rõ ràng và rành mạch. Để phần nào giúp những người làm công nhân vệ sinh môi trường như ba tôi bớt đi được phần nào gánh nặng những ngày sau dịp Tết. Một lần nữa, tôi gửi lời tri ân sâu sắc của tôi đến quý vị, vì những gì quý vị đã, đang và sẽ làm cho dân tộc Việt Nam. Tôi luôn nghĩ đến một Việt Nam giàu mạnh, để tôi có thể tự hào với bạn bè quốc tế rằng: “Đất nước tôi là con rồng cháu tiên, hùng cường và giàu mạnh”. 

(Bài dự thi Chương trình Doanh Nhân với Người tiêu dùng)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp làm gì với rác sau Tết?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO