Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì song song với đó đời sống của người dân cũng phần nào được cải thiện. Khi đời sống kinh tế đi lên người dân bắt đầu quan tâm đến bản thân nhiều hơn: ăn mặc, mua sắm, giải trí,... Đứng trước thị hiếu của người tiêu dùng ngày nay, tôi xin gợi lên cho các doanh nghiệp vài điểm mà bản thân tôi cảm nhận được trong việc mua sắm của người tiêu dùng.
Thứ nhất, về chất lượng; chắc hẳn, khi mua sắm, điều người tiêu dùng quan tâm hàng đầu chính là chất lượng của sản phẩm, về độ bền và tuổi thọ. Đối với những người có kinh tế khá giả, tôi nghĩ họ sẽ chuộng hàng ngoại nhập hơn hàng Việt. Vậy làm sao để hàng Việt cạnh tranh lại với hàng ngoại nhập về mặt chất lượng? Doanh nghiệp tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý, có hệ thống phân phối phù hợp với nền kinh tế, thuận lợi cho người tiêu dùng; người tiêu dùng tham gia sản xuất và tiêu dùng chính những sản phẩm trong nước sản xuất.
Thứ đến, về thương hiệu; chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng những sản phẩm có thương hiệu đã nổi tiếng và được công chúng biết đến, thì chắc chắn những sản phẩm của thương hiệu đó luôn bán chạy. Trên thực tế, những thương hiệu này còn rất ít. Hơn nữa, những thương hiệu này còn bị nhái từ các hãng khác. Ví dụ: bánh Custas vừa ra thì liền có bánh nhái Custard, Cho-co Pie thì xuất hiện bánh nhái là Choco Pai,...và hàng loạt những sản phẩm khác. Vậy doanh nghiệp phải làm gì trước những điều này? Chắc hẳn phải quí vị phải tiếp tục khẳng định vị thế của mình để không bị “lu mờ” trước hàng nhái, và như thế quí vị mới thuyết phục được người tiêu dùng.
Tiếp nữa, về mẫu mã; chắc hẳn rằng về mẫu mã, các doanh nghiệp luôn sáng tạo để ra những kiểu mẫu thật bắt mắt. Tôi nhận thấy rằng, điều các doanh nghiệp đã làm được là bắt kịp xu hướng của người tiêu dùng. Đặc biệt là vào các dịp lễ lớn như tết Trung thu, tết Nguyên Đán,... trên thị trường vào thời điểm đó hàng hóa đa dạng mẫu mã, tạo sức hút cho người tiêu dùng.
Kế tiếp, về giá cả; cùng với chất lượng và mẫu mã, thì giá cả của hàng hóa cũng phải phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Người tiêu dùng ở đây không nhắm đến một tầng lớp nào, nhưng phải phù với nhiều người, giàu cũng như nghèo. Bởi nơi tôi sinh sống, đa phần là bà con đồng bào Răklay, tôi mong muốn những hàng Việt cũng được đến tay những người nghèo như họ.
Cuối cùng, về dịch vụ chăm sóc khách hàng; đây cũng là điều mà người tiêu dùng quan tâm, việc bảo hành sản phẩm là một trong những dịch vụ được đa số người dùng chú ý khi chọn mua sản phẩm. Việc đổi trả hàng hóa khi hàng hóa bị lỗi, hay hư hỏng là một cách để thu hút khách hàng. Đối với Co.opmart, dịch vụ giao hàng tận nhà sẽ lôi kéo nhiều người đến với siêu thị hơn.
Những điều tôi nói trên đây, chắc hẳn cũng là điều mà quí vị - những nhà làm doanh nghiệp đã nghĩ đến. Tôi muốn nói lại ra đây, vì tính cấp thiết của nó. Bởi vì với thời buổi này, nếu quí vị chậm một giây trong việc khẳng định vị thế của mình, quí vị sẽ không còn dẫn đầu nữa nhưng chỉ đứng ở hàng thứ yếu.
Việc kinh doanh chưa bao giờ là dễ dàng cả. Thế nên khi viết những dòng này tôi chỉ mong muốn chia sẻ những tâm tư của bản thân – là một người tiêu dùng về những điều vẫn đang còn là rào cản cho các doanh nghiệp trong việc khuyến khích người Việt dùng hàng Việt. Cuối cùng, tôi hi vọng với những chia sẻ chân tình trên, các doanh nghiệp sẽ có những chiến lược mới trên thương trường ngày một cạnh tranh không ngừng như hiện nay.
(Bài dự thi Chương trình Doanh Nhân với Người tiêu dùng)