Doanh nghiệp đối phó với tin giả trong thời đại số như thế nào?

06/11/2018 01:24

Thông tin giả cũng giống như lửa cháy, sự chuẩn bị, ứng phó của doanh nghiệp càng nhanh, càng tốt thì thiệt hại càng giảm.

Doanh nghiệp đối phó với tin giả trong thời đại số như thế nào?

Đó là thông điệp được đưa ra trong Chương trình Cafe doanh nhân HUBA lần thứ 39 với chuyên đề “Đọc thông tin trong thời đại số” vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức ngày 3/11 vừa qua.

Một nửa ổ bánh mì và một nửa sự thật

Lý giải về sự phổ biến của cụm từ “tin giả” (“fake news”), tại chương trình Cafe doanh nhân HUBA lần thứ 39, diễn giả Dư Nhật Đăng cho biết, cụm từ này được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội từ thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo đó, ông Trump dùng “tin giả” để chỉ truyền thông Mỹ, vì ông là vị tổng thống không có mối quan hệ tốt với báo chí Mỹ. Sự việc gần như dần biến thành một “cuộc đối đầu” giữa tổng thống và báo chí. Do đó, người Mỹ rất quan tâm đến vấn đề tin giả. Tận dụng thời đại số, hiện tại các cá nhân, tổ chức tại Mỹ đã cho ra đời nhiều website giúp mọi người kiểm tra lại thông tin giả mạo (như fakecheck.co, snopes.com, politifact.com…).

Trước thực trạng đó, giới truyền thông, báo chí thế giới thường sử dụng câu nói “Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật là dối trá” như một phương châm đầu tiên để đưa tin một cách chuẩn xác. “Vì một sự thật không trọn vẹn thì cũng không thể là sự thật”, diễn giả Nhật Đăng nhận định.

Link bài viết

Chính tốc độ lan truyền thông tin nhanh chóng mặt trong thời đại số đã biến khả năng xác định một thông tin có đáng tin hay không trở thành một kỹ năng cơ bản đối với tất cả mọi người, nhất là khi những thông tin đó có thể gây tác hại lớn đối với doanh nghiệp nói riêng và các chủ thể khác nói chung.

“Đôi khi chúng ta chỉ dành chút thời gian để lướt smartphone và đọc một thông tin nào đó nhưng không có đủ thời gian để kiểm tra nó. Hoặc việc chỉ nghe thoáng qua một tin đồn thất thiệt rồi lan truyền nó cũng tạo cơ hội cho tin giả phát tán ngày càng nhanh. Vấn đề tin đồn đặc biệt nguy hiểm trong thời đại mạng xã hội chi phối cuộc sống như hiện nay”, diễn giả Nhật Đăng chia sẻ.

Trên thực tế, các dạng tin giả thường gặp nhất là tin đồn thất thiệt (những câu chuyện rùng rợn, phi lý); thông tin sai sự thật trên báo chí (chẳng hạn như những doanh nghiệp nước mắm truyền thống Việt Nam từng bị ảnh hưởng bởi loại thông tin sai sự thật này); tin giả qua mạng xã hội – nơi kênh giả được phát tán cực kỳ nhanh; tin giả qua quảng cáo (phổ biến ở xã hội phương Tây)…

Diễn giả Dư Nhật Đăng

Diễn giả Dư Nhật Đăng

Theo diễn giả Nhật Đăng, xã hội Mỹ đang tiến tới giai đoạn phân biệt tin giả theo 2 loại, là “misinformation” và “disinformation”. Tuy đều có thể dịch là “tin tức giả mạo” nhưng “misinformation” mang ý nghĩa là thông tin giả khách quan, được tung ra từ việc thiếu hiểu biết hoặc hiểu sai vấn đề. Còn “disinformation” là tin giả được tung ra để cố tình trục lợi.

Việc phân chia theo cách này mang ý nghĩa quan trọng khi một quốc gia có quy định phạt những người đưa thông tin giả mạo. Theo đó, nếu hành vi vi phạm được xếp vào dạng “misinformation” thì có thể không bị phạt hoặc bị phạt nhẹ, ngược lại sẽ bị phạt nặng nếu vi phạm được xếp vào dạng “disinformation”.

Tác hại và cách doanh nghiệp xử lý tin giả

Khiến cho đối tượng bị hiểu sai, bị tổn hại uy tín chính là tác hại chung của tin giả. Chẳng hạn, hồi năm 2016, ở Mỹ từng xảy ra vụ việc được gọi là “Pizzagate”. Theo đó, một người đàn ông sau khi đọc một tin giả cho rằng bà Hillary Clinton (ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ lúc đó) điều hành một đường dây bán dâm trẻ em ở một cửa hàng pizza, liền mang một khẩu súng trường đến bắn vào tiệm pizza để làm “anh hùng cứu trẻ em”. Sau vụ việc này, vấn nạn tin giả bắt đầu khiến người Mỹ bất an và đã phải suy nghĩ đến tác động nghiêm trọng của nó đối với xã hội. Hiện tại, vấn nạn tin giả đã trở nên ngày càng đáng lưu tâm ở nhiều nước nói chung và Việt Nam nói riêng.

Vấn đề cần đặt ra là, tại sao mọi người lại tin vào tin giả và nó được lan truyền như thế nào? “Đầu tiên, đơn giản là vì người đọc không có kiến thức về một lĩnh vực nào đó nên dễ dàng tin vào tin giả, thậm chí còn vô tình lan truyền nó trên mạng xã hội. Ví dụ một người kém hiểu biết về y học, tin vào thông tin cho rằng ăn một loại thực phẩm nào đó có thể trị được ung thư, rồi “chia sẻ” lên mạng xã hội. Kênh truyền thông mạng xã hội vốn tạo cơ hội cho nhiều người kết nối với nhau nhưng đôi khi họ không hiểu rõ về nhau, về mức độ hiểu biết của nhau nên thông tin càng dễ được tin tưởng và phát tán. Thêm nữa, có khi người đưa tin giả mạo đã cố tình lên kế hoạch để người khác tin những điều họ nói, khiến người khác dễ bị thuyết phục”, diễn giả Nhật Đăng lý giải.

Diễn giả, doanh nhân tham gia Cafe doanh nhân HUBA chụp ảnh lưu niệm

Diễn giả, doanh nhân tham gia Cafe doanh nhân HUBA chụp ảnh lưu niệm

Trước thực trạng đáng lo ngại này, các giải pháp giúp chống lại tin giả được đề xuất tại chương trình Cafe doanh nhân HUBA lần thứ 39 là: sử dụng công cụ (các trang web, các chuyên mục của các tờ báo uy tín giúp người đọc kiểm tra tin giả), trang bị kiến thức (nâng cao ý thức về tin giả, kiểm tra một thông tin nhiều lần)…

Để xử lý khủng hoảng gây ra bởi tin giả, nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt có thể tham khảo một số giải pháp đã được các viện nghiên cứu ở Mỹ đúc kết lại: thứ nhất là đào tạo nhân viên có ý thức về tác hại của tin giả, để họ không vô tình tiếp tay cho thông tin giả mạo, gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp mình; thứ hai là thường xuyên kiểm tra tên thương hiệu mình trên internet, nhất là trên các trang mạng xã hội, xem nó có gắn với những thông tin tiêu cực hay không; và thứ ba là luôn duy trì thái độ tốt với khách hàng.

“Quy tắc quan trọng trong xử lý tin giả là phải phản ứng nhanh, có kế hoạch rõ ràng để nội bộ doanh nghiệp không bị “giẫm chân lên nhau”, tránh mâu thuẫn thông tin giữa nhân viên và các cấp quản lý, không đẩy câu chuyện khủng hoảng đi xa hơn. Phải tuyệt đối trung thực, không để xảy ra bất kỳ một sự mâu thuẫn nhỏ nào”, diễn giả Nhật Đăng đề xuất và ví von “thông tin giả cũng giống như lửa cháy, sự chuẩn bị, ứng phó càng tốt thì thiệt hại càng giảm”.

Cho biết từng gặp sự cố xuất hiện tin giả tiêu cực về doanh nghiệp mình trên báo chí, bà Lê Thị Giàu (Công ty CP Thực phẩm Bình Tây) kể, bà không giải quyết bằng cách “dập tắt” thông tin, không yêu cầu tờ báo đó ngừng đưa tin, mà ngược lại, bà yêu cầu họ phải tiếp tục đưa tin, nhưng phải đưa đúng sự thật, để độc giả không hiểu sai về công ty mình.

Cũng nói về vấn đề xử lý tin giả nhắm vào doanh nghiệp mình, bà Lâm Thúy Ái – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH SX – TM Mebipha chia sẻ kinh nghiệm thiết thực: “Khi gặp khủng hoảng vì tin giả, doanh nghiệp phải xử lý ngay lập tức, nhanh chóng, và chỉ nên có một người đưa ra thông điệp. Dù quy mô công ty như thế nào, tất cả nhân viên đều phải thông suốt một thông điệp truyền thông nhất quán với nhau. Ngoài thông tin nhất quán đó ra, không nên chia sẻ thêm bất kỳ thông tin gì khác. Đồng thời, doanh nghiệp nên có những người hiểu biết về báo chí để tư vấn kịp thời cách xử lý vấn đề tin giả, khi nào nên im lặng, khi nào nên đưa ra thông điệp phản hồi, nên đưa ra thông điệp gì, trên kênh truyền thông nào…”.

Đồng thời, theo bà Thúy Ái, khi doanh nghiệp gặp sự cố vì thông tin giả mạo, vai trò của các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp cũng cần phải được kích hoạt, vì phần lớn độc giả vẫn tin vào tiếng nói của các tổ chức, các kênh truyền thông chính thống. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp đối phó với tin giả trong thời đại số như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO