DN giúp nhau vượt khó: Các mô hình cần nhân rộng

ĐĂNG KHOA| 31/07/2013 04:50

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), tính từ đầu năm đến nay, HUBA đã tổ chức đoàn đến thăm và làm việc với trên 30 doanh nghiệp (DN) thành viên. Tại các buổi gặp gỡ, nhiều ý kiến phản ánh tình hình khó khăn của DN được lãnh đạo HUBA ghi nhận và kiến nghị lãnh đạo thành phố và các cơ quan liên quan có biện pháp tháo gỡ.

DN giúp nhau vượt khó: Các mô hình cần nhân rộng

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), tính từ đầu năm đến nay, HUBA đã tổ chức đoàn đến thăm và làm việc với trên 30 doanh nghiệp (DN) thành viên. Tại các buổi gặp gỡ, nhiều ý kiến phản ánh tình hình khó khăn của DN được lãnh đạo HUBA ghi nhận và kiến nghị lãnh đạo thành phố và các cơ quan liên quan có biện pháp tháo gỡ.

Đọc E-paper

Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch HUBA thăm Công ty nhựa Duy Tân

Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ

Chia sẻ kinh nghiệm về giữ vững và phát triển thương hiệu, ông Trần Duy Hy - Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất nhựa Duy Tân cho biết, Duy Tân là một trong số rất ít công ty nhựa có khả năng cung cấp cho khách hàng một giải pháp toàn diện thông qua quy trình khép kín từ khâu thiết kế sản xuất khuôn, thử mẫu, sản xuất sản phẩm nhựa với công nghệ ép hoặc thổi, in hoặc dán nhãn, giao hàng...

Với quy trình trên, công ty luôn đảm bảo chất lượng hoàn hảo nhất và chủ động thời gian giao hàng, được sự tín nhiệm của khách hàng. Ngoài ra, công ty có bộ phận nghiên cứu, phát triển đổi mới sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hiện DN này cũng gặp khó khăn và đề nghị HUBA có kiến nghị đến các cơ quan, ban ngành nhằm giải quyết một số bất cập, vướng mắc trong ngành nhựa.

Cụ thể, đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại việc tăng thuế nhập nguyên liệu nhựa (VCM) từ 0% lên 3%, điều này gây khó khăn cho các DN nhỏ; đề nghị xem xét miễn, giảm thuế trên để tránh việc tăng giá thành sản phẩm trong thời điểm khó khăn.

Nhiều DN phản ánh với HUBA: Thông tư số 12 về việc kiểm soát tải trọng xe, quy định xe container 40feet không vượt quá 25 tấn (cả xe và hàng).

Trong khi bản thân xe đã chiếm khoản 4-5 tấn, khối lượng hàng hóa đóng cho container 40feet thường khoảng 25 tấn nên khi cân sẽ vượt quá tải trọng quy định, công an yêu cầu xe phải quay lại cảng giở bỏ bớt hàng hóa, thực hiện việc này các DN có hàng hóa xuất nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn bởi hàng không đầy container dễ bị xộc xệch, nghiêng đổ. Chi phí vận chuyển tăng dẫn đến giá thành tăng, cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu.

Một số DN khác phản ánh việc đăng ký lượng chất thải thải ra môi trường và thải đúng nơi quy định. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất có lúc thải nhiều hơn và có lúc ít hơn tùy thuộc vào lượng hàng hóa sản xuất, việc thay đổi này nhiều DN không kịp báo. Các cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện DN thải quá lượng đăng ký là lập biên bản xử phạt rất nặng.

Bà Nguyễn Thanh Thảo - Phó chủ tịch Hội Hóa Mỹ phẩm TP.HCM phàn nàn các DN ngành hóa mỹ phẩm hằng năm phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra về môi trường, kiểm tra đâu cũng thấy vi phạm, nhưng cơ quan chức năng không hề hướng dẫn cách khắc phục.

Do vậy, Hội kiến nghị các cơ quan chức năng khi kiểm tra DN có vi phạm về môi trường đề nghị lập biên bản, hướng dẫn và cho thời hạn khắc phục, nếu DN không thực hiện không đúng như thời hạn cam kết thì mới áp dụng hình thức phạt.

Về vấn đề hoàn thuế thu nhập cá nhân, nếu DN chậm nộp thuế thì cơ quan thuế tính lãi suất trên số ngày chậm nộp, trong khi thủ tục hoàn thuế cho người lao động rất chậm, thuế thu nhập cá nhân năm 2012 đã đóng nhưng đến tháng 6/2013 mới làm xong thủ tục hoàn. Các DN kiến nghị nên đưa ra yêu cầu và hướng dẫn rõ ràng thủ tục hoàn thuế ngay từ đầu cho người lao động.

Khi Hội là nơi giúp nhau vượt khó

Từ nhiều năm qua, Hội Cao su - Nhựa TP.HCM đã thuê đất tại khu công nghiệp Xuyên Á, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An để làm cụm công nghiệp ngành cao su - nhựa cho các DN thành viên thuê sản xuất. Đến nay, hầu hết các DN này đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có thể dùng giấy này để thế chấp vay tiền ngân hàng, mở rộng quy mô sản xuất.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, Giám đốc Công ty Đức Minh cho biết, năm 2013 các DN lớn như Casumina, Naco xuất khẩu tốt, tình hình sản xuất tại các DN nhỏ và vừa có phần thuận lợi do giá nguyên vật liệu (cao su, nhựa) ổn định, tuy nhiên do sức mua kém nên doanh thu chỉ đạt hơn 80% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường trầm lắng nên các DN dừng các dự án đầu tư mở rộng, co cụm sản xuất, không dám để hàng tồn kho. Ngoài ra, còn một số khó khăn khác như: chi phí lao động tăng (do tăng lương tối thiểu vùng), một số chi phí khác tăng và vướng hàng rào kỹ thuật theo quy chuẩn quốc tế.

Sau thành công trong việc thuê đất tại khu công nghiệp và chia lại cho các DN thành viên, Hội Cao su - Nhựa TP.HCM sẽ tiếp tục mở rộng việc thuê đất, giúp các DN thành viên khác trong Hội.

Một điển hình giúp nhau vượt khó khác là Hội Dây và Cáp điện TP.HCM. Khi biết thành phố có chủ trương tháo gỡ khó khăn về vốn cho các DN, Hội đã chủ động tổ chức hội thảo giúp các DN gõ cửa các cơ quan chức năng như Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM vay vốn nhà nước với lãi suất ưu đãi.

Kết quả là một loạt DN thành viên Hội được vay vốn từ vài chục tỷ tới cả trăm tỷ đồng, như Công ty Cadivi, Công ty Ngọc Lan, Công ty Đại Long, Công ty Tài Trường Thành...

Mới đây, khi biết việc thành phố cho DN tiếp tục vay vốn đề phát triển sản xuất, lãnh đạo Công ty sản xuất Dây và Cáp điện Đa Phát đã ngỏ ý nhờ Hội và HUBA làm cầu nối giúp Đa Phát vay vốn mở rộng sản xuất tại nhà máy mới nằm trong khu công nghiệp Xuyên Á, tỉnh Long An.

Ông Nguyễn Trung Tuyến - Giám đốc sản xuất Công ty Đa Phát cho hay: Hiện nay toàn bộ máy móc thiết bị của Đa Phát để sản xuất các loại đây và cáp điện đều được nhập từ Đức, Ý và Pháp, do vậy các sản phẩm của Đa Phát đạt chất lượng tốt và được thi trường trong nước và một số quốc gia lân cận như Lào, Campuchia ưu chuộng. Hiện nay, doanh số và sản lượng dây cáp điện của Đa Phát tăng đều 10%/năm.

Năm 2012, doanh số xấp xỉ 600 tỷ đồng, lương người lao động bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Kế hoạch của Đa Phát trong năm 2013, ngoài các khách hàng quen thuộc, công ty sẽ tiếp tục mở rộng thị trường sang Myanmar.

Ông Lương Công Huỳnh - Tổng thư ký Hội Dây và Cáp điện TP.HCM cho biết thêm: Trong tình hình sản xuất đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, Hội cố gắng giúp các DN thành viên tiêu thụ sản phẩm của nhau - điều mà trước đây các DN rất ngại.

Không riêng Công ty Đa Phát mà hiện nay có nhiều DN trong Hội đang đầu tư mua sắm máy móc mới, xây dựng thêm nhà xưởng, tăng lượng hàng xuất khẩu sang các quốc gia lân cận, trong đó đáng kể là Công ty Cadivi, Công ty Thịnh Phát...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
DN giúp nhau vượt khó: Các mô hình cần nhân rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO