Đam mê và hiểu rõ sản phẩm - chìa khóa thành công

PHÚC AN| 05/09/2012 06:22

Sáng 5/9, 6 thí sinh tiếp theo đã bước vào ngày thi thứ 11 – Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can lần 2 năm 2012 với ban giám khảo bao gồm: Ông Lại Minh Duy (Chánh CK)- Chủ tịch HĐQT Cty CP DV Du lịch & TM TST

Đam mê và hiểu rõ sản phẩm - chìa khóa thành công

Sáng 5/9, 6 thí sinh tiếp theo đã bước vào ngày thi thứ 11 - Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can lần 2 năm 2012 với ban giám khảo gồm: Ông Lại Minh Duy (Chánh CK) - Chủ tịch HĐQT Công ty CP DV Du lịch & TM TST, bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Tài Nguyên, ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Lộc.

Thí sinh dự thi đầu tiên, Nguyễn Mạnh Trường - sinh viên ĐH Ngoại thương giới thiệu ý tưởng “Mua theo nhóm phi điện tử tại TP.HCM”. Thay vì phải đầu tư đội ngũ giao nhận, Trường có sáng kiến xây dựng các điểm bán phiếu cố định.

Giám khảo Phú Trường hỏi: ”Em nghĩ vì sao khách hàng chọn em mà không chọn các tên tuổi lớn trong lĩnh vực này?”. Mạnh Trường tự tin là tỷ lệ chiết khấu của công ty mình sẽ thu hút được đông đảo đối tác ký hợp đồng.

Tuy nhiên, theo giám khảo Phú Trường, điều này sẽ khiến Mạnh Trường mất lợi thế về giá khi thuyết phục khách hàng sinh viên, vốn rất nhạy cảm về giá. Mô hình groupon hiện nay là một mô hình không bền vững vì chiếm dụng vốn của doanh nghiệp.

Trường có nhiều ý tưởng thông minh nhưng về mặt chiến lược phát triển vẫn còn lỗ hổng, chưa có phương pháp tận dụng hiệu quả dòng tiền mặt mà doanh nghiệp mình nắm giữ. Dự án của Mạnh Trường cũng nhận được không ít lời khen ngợi từ giám khảo Lại Minh Duy và Phan Thị Tuyết Mai vì sự chuẩn bị chu đáo, trình bày mạch lạc.

Lần thứ 3 thử sức với Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can, thí sinh Đào Lê Như – sinh viên ĐH Hùng Vương mang đến dự án ”Công ty TNHH Sức Sống Mới với sản phẩm đồng phục do người khuyết tật sản xuất”. Chi phí thấp, sáng tạo, giá thành hợp lý là những lợi thế mà Lê Như tin tưởng ở doanh nghiệp của mình.

Sự kiên trì của Lê Như nhận được lời khen của giám khảo Phan Thị Tuyết Mai. Tuy nhiên giám khảo này nhận định, Lê Như chưa trình bày rõ cách thức và lý do sử dụng lao động khuyết tật trong dự án - một ý tưởng rất nhân văn. Mặt khác, cách thức quản lý chất lượng sản phẩm cũng là một vấn đề khó mà Như chưa giải quyết được. Giám khảo này khuyên Lê Như phải tìm hiểu kỹ quy trình sản xuất, cách thức quản lý chất lượng sản phẩm.

Lập trường cũng không dứt khoát, tự tin, chưa thuyết phục được ban giám khảo và khách hàng là góp ý của giám khảo Lại Minh Duy: ”Bản thân mình phải rèn luyện, có kiến thức mới mạnh dạn và tự tin”. Giám khảo này cũng khuyên Như không đánh vào lòng thương cảm của khách hàng nếu bản thân mình không thực hiện được nó từ cái tâm. Xác định lại định hướng kinh doanh rõ ràng hơn là yếu tố cốt lõi mà Nhân cần để thực hiện đề án hoàn chỉnh hơn.


Trần Trọng Nhân - sinh viên ĐH Mở TP.HCM mang đến cuộc thi dự án “Khẩu trang Nano oxit titan - thương hiệu"Vietnam Care".

Sản phẩm khẩu trang Nano oxit titan xuất phát từ nghiên cứu của Phó giáo sư Phạm Văn Nho. Đây là sản phẩm hoàn toàn được sản xuất bằng công nghệ trong nước.

Khẩu trang bao gồm một lớp bảo vệ phía ngoài ngăn bụi nước có thể chứa virus. Tiếp theo là lớp bông phủ vật liệu nano oxit titan có tác dụng tiêu diệt virus, và trong cùng là lớp vải bảo vệ. Tác dụng của khẩu trang này nằm ở chất liệu nano oxyt titan nằm trong ruột khẩu trang. Lớp chứa nano oxit titan diệt khuẩn có thể hoạt động trong một thời gian dài, khoảng một đến ba tháng tùy thuộc vào mức độ ô nhiễm.

Giám khảo Tuyết Mai cho rằng Nhân cần thận trọng hơn trong việc chọn lựa sản phẩm vì ứng dụng nano diệt khuẩn vẫn còn gặp nhiều tranh cãi trong giới khoa học.

Giám khảo Lại Minh Duy cho rằng số vốn dự kiến của Nhân chưa đủ cho dự án và thử thách lớn nhất phải làm sao thuyết phục được khách hàng tin tưởng sử dụng một sản phẩm hóa sinh còn khá mới để bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, phần trình bày tự tin và thực hiện dự án chỉn chu của Nhân đã thuyết phục được Ban giám khảo.

"Công ty TNHH du lịch - Lữ hành Student tourist" là đề án dự thi của thí sinh Phan Minh Hải, sinh viên Đại học Tây Đô. Là lãnh đạo một công ty du lịch, giám khảo Lại Minh Duy đã có nhiều đóng góp để Minh Hải hoàn thiện dự án của mình.

Giám khảo này chia sẻ câu chuyện về “quý công ty”, tức những công ty du lịch chỉ tồn tại và hoạt động được một mùa, sau đó thì đóng cửa vì thiếu tư duy chiến lược lâu dài, và khuyên Hải nên làm hướng dẫn viên trước, sau đó trải nghiệm thực tế và tích lũy thêm kinh nghiệm.

Giám khảo Tuyết Mai khen nét chân chất, thật thà của Hải nhưng lưu ý trong kinh doanh không có chỗ cho tình cảm, mọi thứ đều phải được cam kết rõ ràng bằng hợp đồng.

Giám khảo Phú Trường chia sẻ với các thí sinh: “Thất bại trong việc lập kế hoạch chính là lập kế hoạch cho thất bại”. Việc xây dựng kế hoạch kinh doanh đóng vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định thành bại cho việc kinh doanh.

Nguyễn Hữu Hoàng Thi - sinh viên trường ĐH Huflit gây ấn tượng với BGK khi giới thiệu đề án hoàn toàn bằng tiếng Anh với phong thái tự tin. Giám khảo Tuyết Mai khen đề án “Dịch vụ xe ôm chất lượng cao” của Thi có ý tưởng rất tốt, nghiên cứu thị trường cẩn thận.

Một số vấn đề như vệ sinh nón bảo hiểm và đối tượng khách hàng, vấn đề quản trị nhân sự và tài chính còn nhiều điểm yếu cần xây dựng thêm là ý kiến đóng góp của giám khảo Lại Minh Duy cho dự án. Giám khảo này cũng khuyên Hoàng Thi nên đầu tư xây dựng quy chế làm việc, có công cụ theo dõi, tính toán lại giá thành cho sát với thực tế hơn.

Huỳnh Khánh Nguyên Vũ - sinh viên khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Đà Lạt giới thiệu dự án “Website "số hóa" ngôn ngữ tay”. Các giám khảo đều đồng tình: Đề án có tính nhân văn rất cao.

Bằng tâm huyết, tình cảm với ngôn ngữ tay, Vũ đã dành nhiều công sức để học sử dụng loại ngôn ngữ đặc biệt này và tìm cách phổ biến, chuẩn hóa và chia sẻ với cộng đồng thông qua website với các bài học trực tuyến.

Giám khảo Phú Trường đánh giá cáo những người nói nhiều về sản phẩm vì họ đam mê và hiểu rõ sản phẩm mình muốn kinh doanh, và đó chính là cốt lõi của thành công trong kinh doanh. Tuy nhiên, giám khảo này lo ngại, giới hạn lớn nhất của giáo dục online là sự tương tác.

Vũ chia sẻ, trong dự án này mục tiêu lớn nhất của Vũ của là lợi ích cộng đồng, sau đó là mới là lợi nhuận kinh doanh.

Kết thúc buổi thi, chủ khảo Lại Minh Duy nhắn nhủ, ông mong các bạn bước chân vào đời bằng những ý tưởng, ước mơ với chính năng lực và dựa vào kiến thức vững vàng cũng như kinh nghiệm thực tế. Hầu hết các thí sinh trong ngày thi hôm nay cũng khiến BGK hài vòng với nhận thức rõ ràng, sâu sắc về đạo làm giàu của danh nhân Lương Văn Can.

Kết quả: 4 thí sinh đã xuất sắc nhận giải thưởng Tài năng Lương Văn Can lần 2/2012:

1/ Nguyễn Hữu Hoàng Thi - sinh viên trường ĐH Huflit - Dự án “Dịch vụ xe ôm chất lượng cao”.
2/ Huỳnh Khánh Nguyên Vũ - sinh viên khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Đà Lạt - Dự án “ Website "số hóa" ngôn ngữ tay”.
3/ Nguyễn Mạnh Trường - sinh viên ĐH Ngoại thương - Dự án “Mua theo nhóm phi điện tử tại TP.HCM”.
4/ Trần Trọng Nhân - sinh viên ĐH Mở TP.HCM - Dự án “Khẩu trang Nano oxit titan thương hiệu"Vietnam Care".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đam mê và hiểu rõ sản phẩm - chìa khóa thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO