Đắk Nông: Nhiều tiềm năng đang bỏ ngỏ!

BÍCH LOAN| 16/02/2012 06:28

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cùng hơn 10 đại diện doanh nghiệp trong và ngoài Hiệp hội, hoạt động ở các lĩnh vực điện tử, may mặc, bán lẻ, thực phẩm chế biến, bất động sản... đã có chuyến khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh Đắk Nông từ ngày 11 - 12/2/2012.

Đắk Nông: Nhiều tiềm năng đang bỏ ngỏ!

Theo lời mời của lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Hiệp hội) cùng hơn 10 đại diện doanh nghiệp (DN) trong và ngoài Hiệp hội, hoạt động ở các lĩnh vực điện tử, may mặc, bán lẻ, thực phẩm chế biến, bất động sản... đã có chuyến khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh Đắk Nông từ ngày 11 - 12/2.

Trong chuyến khảo sát này, các DN đã nhìn thấy tiềm năng của Đắk Nông nhưng hệ thống giao thông kết nối tỉnh này với các địa phương khác, quỹ đất sạch... đang là trở lực đối với dự định đầu tư của họ.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tặng quà lưu niệm cho ông Nguyễn Đức Luyện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng và cơ hội

Phát biểu tại buổi tiếp xúc giữa đoàn đại diện DN TP.HCM và lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, ông Trần Mạnh Đương, Phó giám đốc Thường trực Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện tỉnh đang tiến hành kêu gọi đầu tư cho 66 dự án, bao gồm: nông nghiệp (19 dự án), nuôi trồng thủy sản (9 dự án), công nghiệp (18 dự án), cơ sở hạ tầng (4 dự án), thương mại (3 dự án), du lịch (5 dự án), xã hội hóa (8 dự án).

Riêng đối với lĩnh vực đầu tư nâng cấp cây giống, con giống có hiệu quả kinh tế cao, phát triển cơ sở chăn nuôi gia súc, cây trông, cây công nghiệp, dược liệu, mô hình trang trại... là một trong những dự án nằm trong danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư.

Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, tỉnh đang có nhiều chính sách ưu đãi như: giao “đất sạch”, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, được vay Quỹ Hỗ trợ đầu tư phát triển...

Trong trường hợp nhà đầu tư không tiếp cận được các khoản vay của quỹ này, tỉnh sẽ hỗ trợ mức lãi suất chênh lệch giữa lãi suất ngân hàng so với mức lãi suất của quỹ.

Bên cạnh đó, tỉnh còn có sự hỗ trợ trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như hỗ trợ 50% chi phí đăng ký chất lượng, quảng bá hàng hóa thị trường, hội chợ...

Mô hình nuôi bò lai tại trang trại Thu Thủy, huyện Đắk Sông

Theo ông Đương, hiện Đắk Nông đang tập trung thu hút đầu tư chủ yếu ở thị xã Gia Nghĩa và một số huyện lân cận có thế mạnh về phát triển cây công nghiệp và mô hình nông nghiệp như: huyện Đắk Mil, Đắk R’Lấp, Đắk Song.

Song, sau gần 3 năm triển khai thu hút đầu tư, cho đến thời điểm này, tỉnh mới thu hút được hai nhà đầu tư trong lĩnh vực nước ép chanh dây và sản xuất dược phẩm.

Nói về sự chậm trễ trên, ông Đương cho biết, thời gian đầu tỉnh cũng thu hút được khá nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, sự khởi xướng này đã gặp phải những cuộc khủng hoảng chung của nên kinh tế thế giới.

Ngoài yếu tố trên, về mặt khách quan mà nói, hệ thống giao thông hiện nay cũng đang là một trở lực đối với tỉnh Đắk Nông. Đó là chưa kể đến vấn đề “đất sạch”.

Tỉnh đang rất cố gắng đổi mới và tạo nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Thế nhưng, hiện diện tích đất thâm canh quá nhiều, nên việc tiếp cận “đất sạch” cũng là một vấn đề.

Đồng tình với ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã TP.HCM, cho biết, vì lý do vị trí, mà đến nay Co.opmart vẫn chưa có mặt tại Đắk Nông, trong khi ở Đắk Lắk và Gia Lai, Co.opmart đã có mặt.

Dự kiến đến năm 2013, Co.opmart sẽ đặt siêu thị tại thị xã Gia Nghĩa, kế đó là huyện Đắk Mil. Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Hạnh cho biết, thực tế, Coopmart đã lên tìm hiểu thị trường Đắk Nông từ mấy năm trước, tuy nhiên, cho đến nay, mới tìm được vị trí gần 6.000m2 để xây dựng siêu thị.

Hơn nữa, đến nay, tỉnh vẫn chưa có một nhà máy sơ chế, nhà máy chế biến thực phẩm tươi sống, nguồn rau sạch tại chỗ... tất cả những yếu tố này sẽ tác động đến việc cung ứng nguồn nguyên liệu của những doanh nghiệp bán lẻ như Co.opmart.

Những bước chân đầu tiên

Mô hình trồng tiêu thu hoạch cho giá trị cao

Mặc dù còn khá nhiều trở lực trong quá trình thu hút đầu tư nhưng với nhiều tiềm năng về địa lý và thổ nhưỡng, Đắk Nông hứa hẹn sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong tương lai về phát triển nông nghiệp và du lịch sinh thái.

Đại diện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết, nếu Đắk Nông phát triển được vùng nguyên liệu bò thịt cho năng suất cao, thì đây sẽ là tin đáng mừng.

Bởi, hiện nay, trung bình tại TP.HCM tiêu thụ khoảng 600 con bò/ngày, nhưng đa phần đều được nhập khẩu. Hiện tại, Vissan cũng đã có mặt tại Đắk Nông, tuy nhiên chỉ mới ở dạng đại lý cấp một. Dự kiến, năm tới, Vissan sẽ đặt cửa hàng tại đây.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Thống, Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện tử Tiến Đạt cho biết, trong tương lai ông dự kiến đầu tư nhà máy sơ chế hạt tiêu tại đây. Bởi vì, hiện tại Đắk Nông chưa hề có nhà máy sơ chế công nghiệp.

Theo đó, phần lớn nguồn nguyên liệu như tiêu, cà phê đều được bán dạng thô cho thương lái từ Trung Quốc hay TP.HCM lên mua bình quân từ 120.000 - 125.000kg/hạt tiêu đen.

Trong khi đó, nếu có nhà máy sơ chế, đảm bảo bao thu nguồn nguyên liệu, sản phẩm đóng gói, hoạt hút chân không sẽ được bán với giá cao hơn rất nhiều.

Nói thêm về ý nghĩa của buổi gặp gỡ này, ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội chia sẻ: “Chúng tôi đến Đắk Nông lần này mang thêm sứ mệnh đại diện cho các DN TP.HCM đến tìm hiểu thêm về tiềm năng của tỉnh, nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, tạo thêm sự gắn kết, hợp tác giữa DN hai địa phương. Chúng tôi hy vọng, với tiềm năng to lớn còn chưa khai thác, trong tương lai, các DN TP.HCM sẽ có nhiều dự án đầu tư hơn nữa vào Đắk Nông”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đắk Nông: Nhiều tiềm năng đang bỏ ngỏ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO