Đã đến lúc "xốc" lại website hội

LÊ LOAN| 07/09/2016 09:34

Doanh nghiệp hội viên rất cần các thông tin chuẩn xác, kịp thời nhưng thực tế, website của các hội đa phần đều "nghèo nàn" thông tin.

Đã đến lúc

Doanh nghiệp (DN) hội viên rất cần các thông tin chuẩn xác, kịp thời để tiếp cận được nhiều khách hàng, tìm kiếm được nhiều nhà cung ứng, đa dạng hóa thị trường nhưng thực tế, website của các hội đa phần đều "nghèo nàn" thông tin. 

Đọc E-paper

Đây được xem là "điểm trừ" trong hoạt động hội của các hội tại Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến tháng 9/2016, Việt Nam đã hình thành 907 hội liên quan đến DN, ngành nghề và các tổ chức hoạt động xã hội, trong đó, hội DN và ngành nghề chiếm hơn một nửa.

Điểm qua website của những hội DN, ngành nghề tầm quốc gia có thể thấy, chuyên mục hoạt động hội và thông tin thị trường về ngành nghề gần như trống không hoặc quá cũ (mới nhất cũng chỉ đến năm 2015).

Đơn cử như website Hiệp hội chè Việt Nam (VITAS). Dù được giới thiệu là cơ quan đại diện cho quyền lợi những người làm chè, đóng vai trò như một "nhạc trưởng" hướng dẫn hội viên thực hiện cam kết về sản xuất chè, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh công nghiệp với bảy trung tâm nghiên cứu và phát triển thị trường chè, thế nhưng hầu hết thông tin được cập nhật trên web VITAS khá "nhỏ giọt", chỉ từ 1 - 3 tin/tháng.

Tại website của Hiệp hội Bao bì Việt Nam (VINPAS) đến thời điểm hiện tại, các tin tức chỉ được cập nhật đến tháng 9/2015, các văn bản pháp luật cũng chỉ được cập nhật đến năm 2009. Trang web của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM), Hiệp hội Gas Việt Nam cũng cùng tình trạng trên.

Các mục "tin nóng", "dạo quanh thị trường" trên website của Hiệp hội Gas Việt Nam luôn trong tình trạng "đang cập nhật", còn thông tin tại website của AVIM chỉ mới cập nhật đến năm 2013. Điều đáng buồn hơn nữa là nhiều hội thậm chí còn không có website, hoặc website chỉ hiện hữu cho có.

Ghi nhận từ Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội (NCEIF), năm 2003, khi Hiệp hội các nhà nuôi cá nheo Mỹ (CFA) kiện các DN Việt Nam bán phá giá cá ba sa thì Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đã đứng ra làm đại diện cho các DN bị đơn.

Từ sự việc này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế thì các hội cũng phải hội nhập. Nhưng với cách thức truyền tải thông tin như hiện nay, cụ thể là qua bưu điện, email, điện thoại, fax, liệu rằng có kịp thời, nhanh chóng và đầy đủ?

Có thể thấy sự tăng nhanh về số lượng của các hội xuất phát từ nhiều lý do, nhưng cơ bản vẫn không nằm ngoài nhu cầu "buôn có bạn, bán có phường", đặc biệt là trong giai đoạn thị trường cạnh tranh như hiện nay. Theo đó, vai trò của các hội ngày càng trở nên quan trọng.

Ghi nhận của phóng viên báo Doanh Nhân Sài Gòn từ các DN hoạt động trong lĩnh vực da giày, dệt may, gỗ, bao bì... về việc cung cấp thông tin từ các hội, đa phần đều cho rằng website hội là nơi thể hiện tin tức một cách nhanh chóng, kịp thời và đỡ tốn kém so với việc gửi email, thư qua đường bưu điện.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, website còn được xem như là kênh giúp các DN tiếp cận được nhiều khách hàng, tìm kiếm được nhiều nhà cung ứng, đa dạng hóa thị trường.

Và trên thực tế, cũng có một số website như: Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), Vasep, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội dệt may Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Cần Thơ... được ghi nhận cập nhật thông tin khá đầy đủ. Tuy nhiên, nếu so với số lượng hàng trăm hội DN đang hoạt động hiện nay thì những cái tên vừa nêu vẫn là con số khiêm tốn.

Theo nhận xét của một đại diện DN, các hội ngành nghề hiện chưa thể hiện hết vai trò của mình, hoặc chỉ mới thể hiện một phần. Hiện nay, một số hội chỉ mới dừng ở mức "hội hè”, tụ họp giao lưu, tiệc tùng là chính chứ chưa thể hiện chức năng là cầu nối giữa DN với chính quyền các cấp.

Đa phần thành viên ban chấp hành của hội đều do lãnh đạo DN lớn của ngành hoặc lãnh đạo DN lớn tại địa phương đảm đương, nên khi Nhà nước cần ghi nhận khó khăn của DN thì không phản ánh được các vấn đề của DN nhỏ và vừa. Đó là lý do khiến hội ít thu hút DN tham gia.

"Vì vậy, trong thời gian tới, nếu các thông tin về hoạt động hội, chính sách, thị trường được các hội thống kê, cập nhật thì đây sẽ là "điểm nhấn" thu hút các DN quan tâm đến hội nhiều hơn", một lãnh đạo DN cho hay.

>Xúc tiến thương mại: Các hội ngành nghề chung tay

>Vai trò của hội ngành nghề đối với DN: Mờ nhạt so với kỳ vọng?

> Nhiều hội ngành nghề kiến nghị sửa đổi Luật Thương mại 2005

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đã đến lúc "xốc" lại website hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO