Chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc

Gia Thắng| 23/08/2019 08:00

Tại chương trình Café Doanh nhân HUBA diễn ra ngày 17/8/2019 với chủ đề “Kinh tế số và xu hướng chuyển đổi của doanh nghiệp, cơ hội và thách thức”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) nhấn mạnh chuyển đổi số là cơ hội để doanh nghiệp cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh với hiệu quả, tốc độ nhanh nhất.

Chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc

Chủ tịch HUBA Chu Tiến Dũng cho biết chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc, từ đây đến năm 2025, doanh nghiệp (DN) nào không cập nhật, thực hiện tốt thì đồng nghĩa với việc tự loại mình ra khỏi quỹ đạo chung. “Điều quan trọng là các doanh nhân và DN cần có chiến lược, có tầm nhìn. Cần xác định rõ DN phải làm gì, thống nhất lộ trình để triển khai, trong đó, từ khóa “số” là yêu cầu bắt buộc”, ông Dũng gợi ý.

Đồng quan điểm, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá chuyển đổi số được hiểu là số hóa các hoạt động của DN, giúp sản xuất sản phẩm chất lượng tốt, giá thành thấp. Theo ông Lộc, DN TP.HCM sẽ đóng vai trò tiên phong trong kỷ nguyên tới nếu tích cực chuyển đổi số, áp dụng kinh tế số... Chuyển đổi số không chỉ là chuyện của các DN lớn, mà DN nhỏ, siêu nhỏ cũng đang nhập cuộc với sự thay đổi của công nghệ, sức ép cạnh tranh trên thị trường.

Link bài viết

Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân TP.HCM, cho biết cách đây nhiều năm, DN bà đã mời đơn vị tư vấn tìm giải pháp thay đổi, triển khai chuyển đổi số. Nhưng thực tế, nhiều DN Việt Nam ngại chuyển đổi, vì nhiều lý do. Bà Dung đặt vấn đề, DN nên thay đổi cấu trúc quản trị trước hay thực hiện chuyển đổi số trước?

Ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc công nghệ FPT IS (Tập đoàn FPT) - cho biết, cả thế giới đang chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực. Ví dụ, một đôi giày Nike có thông qua các cảm biến bên trong, truyền thông tin bước chạy đến đồng hồ thông minh, qua cloud/big data/analytics đến ứng dụng chăm sóc sức khỏe cá nhân hóa cho mỗi cá thể... tạo ra cơ hội giao thoa giữa hai ngành thể thao và y tế. Các công ty công nghệ sẽ tham gia nhiều hơn trong ngành tài chính (fintech), vận chuyển/vận tải (uber, grab), y tế (medtech), nông nghiệp (agritech),...

Sẽ không còn là thế mạnh cho các quốc gia có lao động phổ thông giá rẻ nữa, sẽ không còn cơ hội cho “xây dựng công xưởng của thế giới nữa” mà thay vào đó là thế mạnh của lực lượng lao động mới, bao gồm các nhân công “new collar” (so với “blue collar” trong cách mạng công nghiệp 2.0 và “white collar” trong cách mạng công nghiệp 3.0) cùng làm việc (có thể là từ xa) hay dạy cho các robot (hữu hình hoặc vô hình) trong những “công xưởng số” (có thể không ánh đèn, hoạt động 24/24)...

“Hiện có 5 cấp độ chuyển đổi số trên thế giới gồm: đăng ký, thăm dò, trang bị đầy đủ “đồ chơi” để tham gia, thật sự chuyển đổi và cuối cùng là phá vỡ mô hình cũ. Hiện thế giới tập trung ở mức thấp thăm dò và chỉ 4% ở mức cuối cùng. Vì vậy, tham gia bây giờ không phải quá muộn và DN Việt Nam cần xác định chiến lược sớm để chuyển đổi thành công. Do đó, nếu DN không kịp thay đổi thì có thể mất vị trí của mình trong tương lai, nên cần hành động thay vì ngồi nghiên cứu”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Phan Thanh Sơn, để chuyển đổi số, một DN phải có tầm nhìn về kinh doanh số, chiến lược kinh doanh số, sản phẩm số, dịch vụ số, nền tảng số, cơ sở hạ tầng số, văn hóa số... thậm chí có Giám đốc chuyển đổi số (Chief Digital Officer/ CDO) để lãnh đạo quá trình này. Theo IDC khảo sát đến năm 2020, 40% doanh thu của DN là từ sản phẩm số. Do đó, chọn cách đi nhanh hay chậm, toàn diện hay từng phần, tồn tại hay đi đầu là do lãnh đạo từng DN.

Tại sự kiện, Chủ tịch HUBA Chu Tiến Dũng và ông Tô Đình Tuân - Tổng biên tập Báo Người Lao Động, đã ký kết văn bản hợp tác đối tác truyền thông toàn diện. Ngoài việc hợp tác truyền thông để đưa thông tin các hoạt động của HUBA đến cộng đồng, HUBA cũng cam kết vận động các thành viên và đối tác tham dự chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" do Báo Người Lao Động phát động, để hỗ trợ tinh thần giúp ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ngay sau khi lãnh đạo HUBA phát động chương trình, nhiều DN, doanh nhân đã ủng hộ trực tiếp cho ban tổ chức chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển". Ghi nhận ban đầu tại buổi phát động, số tiền các nhà tài trợ, đồng hành với chương trình đã đóng góp là gần nửa tỷ đồng và kinh phí để may 10.000 lá cờ Tổ quốc; các DN, doanh nhân sẽ tiếp tục đóng góp cho chương trình.

Bên cạnh đó, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cùng Chủ tịch HUBA đã tặng logo biểu trưng chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" và 5.000 lá cờ Tổ quốc cho đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO