Café Doanh nhân - HUBA lần thứ 26: M&A, nên hay không?

DUY KHUÊ| 07/11/2017 03:48

Nếu muốn M&A, doanh nghiệp phải xác định ngay từ đầu. Trước tiên, cần tìm đối tác chiến lược giúp minh bạch hóa cơ cấu tài chính của doanh nghiệp...

Café Doanh nhân - HUBA lần thứ 26: M&A, nên hay không?

Café Doanh nhân - HUBA lần thứ 26 do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) thực hiện tuần qua với chuyên đề "M&A - Cơ hội phát triển doanh nghiệp (DN) Việt thời hội nhập" cùng sự phân tích đa chiều, DN hội viên của HUBA đã có cái nhìn khách quan hơn về chuyện mua bán, sáp nhập DN. 

Đọc E-paper

Chương trình Café Doanh nhân ra đời với mục tiêu kết nối DN với lãnh đạo Thành phố và các sở, ban, ngành để kịp thời tháo gỡ, giải quyết khó khăn cho DN. Qua đó cùng đồng hành xây dựng Thành phố phát triển, tăng cường sự hiểu biết, giao lưu giữa các DN nhằm tạo cơ hội liên kết giúp DN trao đổi các thông tin về công nghệ, thị trường, chính sách, pháp luật liên quan đến môi trường kinh doanh, hội nhập, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo đó, trong chương trình lần này với chuyên đề về M&A (mua bán và sáp nhập) cùng sự chia sẻ của 2 đại diện đến từ 2 thương vụ được đánh giá là 2 thương vụ M&A tiêu biểu của Việt Nam từ trước đến nay, đó là của Bệnh viện Hoàn Mỹ và của Diana Unicharm, chương trình đã đưa ra cái nhìn tổng thể về việc M&A đối với DN Việt trước câu hỏi nên hay không nên M&A.

Thông qua thương vụ M&A của Bệnh viện Hoàn Mỹ, BS. Nguyễn Hữu Tùng - nhà sáng lập Bệnh viện cho biết, để dẫn đến việc M&A Bệnh viện là thất bại của bản thân ông, bởi trong hoàn cảnh lúc đó, ông không còn cách nào khác.

Từ bài học kinh doanh của mình, BS. Tùng chia sẻ, do mong muốn phát triển Bệnh viện đạt tầm thương hiệu quốc gia với các trang thiết bị hiện đại nhất, ông đã nhanh chóng mở rộng đầu tư. Vay tiền ngân hàng với mức lãi suất 22%/năm nhưng ông chỉ chú tâm vào nhu cầu của người bệnh quá lớn, không quản lý được dòng tiền và số nợ, cuối cùng dẫn đến thất bại sau gần 12 năm ra riêng hoạt động và phát triển sự nghiệp kinh doanh.

>>10 vụ sáp nhập đình đám nhất làng công nghệ

Trong khi đó, ông Đỗ Hữu Trung - nguyên Phó tổng giám đốc Diana Unicharm tự hào cho rằng thương vụ M&A của họ với phía Nhật được Tạp chí The Asset (tạp chí tài chính hàng đầu châu Á) đánh giá là thương vụ thành công nhất châu Á năm 2011 với mức giá 158 triệu USD. Tuy nhiên, mức giá niêm yết của thương vụ tại thị trường chứng khoán Tokyo lại ghi nhận giá trị lên đến 184 triệu USD.

Chia sẻ về việc M&A của Diana Unicharm, ông Trung nói: "Diana đã có tư tưởng sẵn sàng M&A sau 12 năm xây dựng thương hiệu nên chuẩn bị rất kỹ từ trước đó khá lâu. Trên thực tế, chúng tôi không gặp khó khăn về tài chính, mà ngay từ đầu đã nhìn thấy trong bối cảnh cạnh tranh rồi cũng sẽ đến lúc cần "gả" đi đứa con của mình cho một đối tác khác có tiềm lực để đưa thương hiệu đi khắp thế giới.

Vì vậy, Diana đã chuẩn bị từng bước để có thể bán được với mức giá hợp lý nhất. Việc thị trường chứng khoán Tokyo niêm yết mức giá cao hơn mức giá chúng tôi bán là do họ đã cộng thêm những chi phí về nợ, bảo hiểm và chi phí dàn xếp tài chính của các ngân hàng".

Từ câu chuyện của Diana, ông Trung đưa ra lời khuyên cho các DN là nếu muốn M&A, DN phải xác định ngay từ đầu. Trước tiên, DN cần tìm đối tác chiến lược giúp minh bạch hóa cơ cấu tài chính của DN, tiếp đến là tái cấu trúc công ty, xây dựng hệ thống DN làm sao để tài chính được công khai rõ ràng. Đồng thời, toàn bộ ban lãnh đạo DN đều có thể nắm được các số liệu tài chính của công ty thông qua hệ thống số liệu trực tuyến khi cần đàm phán.

Bởi vì việc này rất tốt cho quá trình đàm phán, giúp nhanh chóng đạt được thỏa thuận cũng như được đối tác tin tưởng hơn. Hơn nữa, ban lãnh đạo cũng sẽ giảm lệ thuộc vào nhân viên. Có như vậy, khi có biến động về nhân sự thì DN vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, DN cũng cần tăng cường đầu tư cho marketing để tạo sức mạnh, hình ảnh đẹp và hấp lực đối với nhà đầu tư. Đó là những bước chuẩn bị của Diana khi bước vào M&A, ông Trung cho biết.

>>9 điều khoản quan trọng trong hợp đồng M&A

Theo đánh giá chung, tỷ lệ thành công của giao dịch M&A tại Việt Nam chỉ khoảng 50% và đa phần thương vụ M&A khá thầm lặng, không được công bố rộng rãi. Theo chia sẻ của các chuyên gia M&A tại chương trình Café Doanh nhân - HUBA lần thứ 26, để M&A, đầu tiên DN cần có hệ thống tài chính minh bạch.

Đây là vấn đề các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu vì sự minh bạch về tài chính sẽ giúp DN được định giá cao. Bởi trên thực tế, nhà đầu tư không nhìn vào những con số liên quan đến lợi nhuận, doanh số mà chú tâm nhiều hơn đến tính minh bạch, sự chuyên nghiệp, tính hiệu quả trong hoạt động tổ chức, quản lý.

Với góc nhìn riêng, TS. Trần Sĩ Chương cũng chia sẻ, M&A mang tính kế thừa để duy trì và phát triển tài sản của DN một cách ổn định. Do đó, DN nên xác định M&A là vấn đề tất yếu. Bởi lẽ, không có DN nào muốn phát triển tốt hơn mà không nghĩ đến M&A và nên nghĩ tới ngay từ những ngày đầu thành lập DN.

Tuy nhiên, chia sẻ thêm kinh nghiệm về M&A, các DN đã tham gia M&A chính DN mình cũng cho biết, phải chuẩn bị tâm thế ở năm thứ hai sau M&A, bởi đây là giai đoạn thường xuất hiện nhiều "đau đớn" nhất về mặt tài chính. Khi quyết định M&A, người chủ DN phải sẵn sàng đối mặt với những thay đổi trong bộ máy nhân sự, những người kề vai sát cánh cùng họ trong những ngày đầu thành lập DN và rất nhiều vấn đề khác nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Café Doanh nhân - HUBA lần thứ 26: M&A, nên hay không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO