Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp Việt "chơi vơi"

MAI PHƯƠNG| 01/11/2017 06:18

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ  (SHTT) đối với sản phẩm Việt tại thị trường trong nước lẫn nước ngoài đang là vấn đề nóng khiến các doanh nghiệp Việt hội nhập trong thế bị động. Nguyên nhân do đâu?

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp Việt

Vấn đề đã được phân tích khá kỹ tại các hội thảo về quyền SHTT được thực hiện tuần qua. Đơn cử tại Hội thảo Bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài cho DN Việt Nam do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (NOIP), Hiệp hội Quốc tế về bảo hộ quyền SHTT (AIPPI) thực hiện, con số thống kê trong vòng 4 năm (giai đoạn 2013 - 2017) cho thấy, NOIP đã tiếp nhận và xử lý 506 đơn đăng ký SHTT về thương hiệu và 37 đơn đăng ký sáng chế.

Với kết quả đó, TS. Đinh Hữu Phí - Cục trưởng NOIP đánh giá, DN Việt bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến vấn đề SHTT. Tuy nhiên, với kinh nghiệm tiếp xúc thực tiễn, đại diện NOIP nhìn nhận, cơ chế, chính sách cho vấn đề này đang có nhiều bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tế của DN.

"Thời gian qua đã có rất nhiều bài học khi DN Việt không chú trọng vấn đề SHTT, dẫn đến phải tốn kém tiền bạc khi muốn lấy lại thương hiệu sản phẩm. Cũng có trường hợp DN vừa mất tiền, mất công đi kiện cáo nhưng vẫn không lấy lại được thương hiệu sản phẩm", đại diện NOIP cho biết.

Nói về nhận thức của DN đối với vấn đề SHTT, PGS-TS. Mai Hà - Chủ tịch VIPA cho rằng, DN Việt Nam, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, chưa nhận thức đầy đủ về đăng ký quyền SHTT, thiếu chiến lược bài bản, chỉ khi nào thương hiệu bị xâm phạm mới bắt đầu lo. Điều này đã dẫn đến thực trạng phần đông DN nhỏ và vừa của Việt Nam hội nhập ở thế bị động. Theo PGS-TS. Mai Hà, khi bước vào con đường hội nhập quốc tế, DN phải chấp nhận cuộc chơi với sự cạnh tranh bình đẳng với các DN nước ngoài.

>>Vi phạm sở hữu trí tuệ: Thiệt đơn, thiệt kép

Do đó, DN phải chủ động tìm hướng đi phù hợp, biết cách nâng cao kiến thức về SHTT, chẳng hạn như tự tìm hiểu kiến thức pháp luật hoặc thuê luật sư tư vấn. Bởi lẽ, tài sản trí tuệ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của DN nhưng nhiều khi chưa được DN đánh giá đúng và đủ. Thế nên, ở góc độ hội DN, ông Hà chia sẻ, hiện nay, VIPA đang sát cánh cùng các cơ quan chức năng hoàn thiện cơ chế pháp lý để hỗ trợ DN về SHTT ở nước ngoài.

Tại Hội thảo về Hoàn thiện chính sách, pháp luật và quản lý nhà nước về SHTT trong khuôn khổ đề án "Xây dựng chiến lược SHTT Việt Nam 2018 - 2030" do NOIP, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại TP.HCM ngày 25/10, ông Nguyễn Văn Bảy - Trưởng Phòng Pháp chế và Chính sách NOIP cho biết, đến nay, hệ thống SHTT Việt Nam đã tiệm cận hệ thống SHTT của nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Thông qua việc ngày càng có nhiều hoạt động góp vốn, liên doanh, liên kết, chuyển nhượng tài sản trí tuệ có thể thấy, hệ thống SHTT đã phát huy tác dụng tích cực trong hỗ trợ các hoạt động sáng tạo, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh.

Hội thảo cũng cho thấy hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến SHTT Việt Nam hiện nay khá phong phú với 9 nghị định, 20 thông tư hướng dẫn thi hành và 34 văn bản pháp luật khác có liên quan. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 Điều ước quốc tế về tiêu chuẩn bảo hộ, 3 Điều ước quốc tế về đăng ký toàn cầu, 4 Điều ước quốc tế về phân loại. Do vậy, đã có cơ sở pháp lý cho việc đăng ký xác lập quyền SHTT và từng bước bảo vệ có hiệu quả quyền SHTT cũng như mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực SHTT.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hội nhập hiện nay, nhìn chung, các chuyên gia cho rằng, hệ thống pháp lý SHTT cần được hoàn thiện về mặt cơ chế bảo hộ để đáp ứng xu thế mới. Tiếp đó, nghiên cứu, tận dụng linh hoạt các cam kết quốc tế cho phép, đồng thời vận dụng kinh nghiệm thực tiễn và pháp luật về SHTT của các nước phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Bảy, dù hệ thống pháp lý tương đối đầy đủ nhưng vẫn còn thiếu những văn bản hướng dẫn liên quan đến các đối tượng quyền SHTT mới phát sinh qua tình hình thực tế sự phát triển của khoa học công nghệ và toàn cầu hóa thương mại quốc tế như: nguồn gene, tri thức truyền thống, văn hóa dân gian, nhãn hiệu âm thanh, mùi vị... Việc thực thi các chính sách hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo chưa được chú trọng và chưa đem lại hiệu quả.

Bên cạnh đó, sự phối hợp trong việc xây dựng, soạn thảo các văn bản chưa chặt chẽ, dẫn đến còn có mâu thuẫn trong các quy định. Hệ quả là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ hiện tại nội dung chưa rõ ràng, gây khó khăn cho việc tiếp cận và thực thi. Hệ thống cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính còn quá nhiều đầu mối nhưng năng lực hạn chế, làm cho hoạt động thực thi kém hiệu quả.

Theo đánh giá chung, vấn đề hoàn thiện pháp lý SHTT ngày càng trở nên quan trọng, thế nhưng nhận thức về pháp luật ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức. Theo ông Nguyễn Thanh Minh - Chánh Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng, Phòng Bảo hộ giống cây trồng chính thức nhận đơn đăng ký bảo hộ giống từ năm 2004, nhưng trong 3 năm đầu tiên, số lượng đơn đăng ký gửi về rất khiêm tốn, mỗi năm chưa tới 10 đơn.

Chỉ từ năm 2007, sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp hội Bảo hộ giống cây trồng quốc tế (UPOV) thì số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống mới tăng lên (28 đơn), đến năm 2016 là 185 đơn, và 8 tháng đầu năm 2017 đã có 199 đơn. Thế nhưng, khi lượng đơn đăng ký tăng lên thì lại vướng ở khâu xử lý, thời gian xử lý kéo dài, chưa đảm bảo đúng thời hạn theo luật định, chất lượng xử lý cũng chưa cao. Năng lực xử lý trung bình mới đạt khoảng 82% lượng đơn nhận được. Trước vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, để DN nhận thức rõ hơn về SHTT, trước hết cần có sự điều chỉnh về hạ tầng, nhân sự để xử lý nhanh chóng lượng đơn đăng ký DN gửi đến.

>>Mỹ - Trung Quốc căng thẳng về sở hữu trí tuệ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp Việt "chơi vơi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO