Những ngày nơi đất khách, thèm hát lắm nhưng phải nén nỗi buồn vào lòng. Lâu dần, nỗi buồn ấy thấm vào ca từ, khiến những tác phẩm mà ca sĩ Họa Mi thể hiện lúc nào cũng nhiều trăn trở. Từng dang dở việc trở về quê hương làm nghề, lần tái ngộ khán giả trong nước này, với Họa Mi, đó có thể là cánh cửa để chị đến được với ước mơ.
Đọc E-paper
Gặp Họa Mi tại TP.HCM ngay sau chuyến bay trở về từ Pháp, ấn tượng về ca sĩ đã bước vào lứa tuổi U70 là gần như chưa hề có sự gián đoạn nào trong con đường làm nghề, dẫu rằng từ cuối những năm 1990, Họa Mi đã định cư ở nước ngoài và giã từ nghiệp hát. Với những đồng nghiệp cùng trang lứa, Họa Mi là một cái tên nhiều bất ngờ, bởi chị không bước ra từ những "lò” đào tạo ca sĩ như lứa ca sĩ trước năm 1975, mà học hành bài bản ở Trường Quốc gia Âm nhạc.
"Đó là năm đầu tiên Trường mở rộng đào tạo, không chỉ thuần đào tạo nhạc công mà còn có thanh nhạc", Họa Mi kể. Lúc ấy, nhạc sĩ Đoàn Chính, con của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, là người khuyến khích Họa Mi đăng ký học. Và được học hành bài bản là sự tình cờ đầu tiên âm nhạc dành cho chị.
Cơ duyên thứ hai là khi Họa Mi được gặp nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, ông cũng khuyến khích, tạo điều kiện để cô trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Chỉ với ca khúc đầu tiên trình diễn ở phòng trà Maxims là Đưa em xuống thuyền của tác giả Hoàng Thi Thơ, Họa Mi lập tức nổi tiếng và chính thức bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp trong khi vẫn là nữ sinh Trường Trung học Gia Long.
Chị chia sẻ: "Chính vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã sắm cho tôi bộ áo dài đầu tiên để mặc đi hát". Ngày đó, nhà nghèo, ba má lại qua đời sớm, Họa Mi bước vào nghiệp cầm ca với tất cả đam mê lẫn cố gắng, bởi đó còn là nghề để cô tự nuôi sống bản thân.
Họa Mi tiết lộ: "Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ còn đưa tôi đến một cơ duyên khác là điện ảnh". Tiếc là bộ phim ấy không có dịp ra mắt khán giả. Họa Mi bảo, chị coi đó là một kỷ niệm đẹp và là yếu tố để xác quyết rằng, chỉ âm nhạc mới thực sự là duyên nghiệp của mình.
Âm nhạc giúp Họa Mi đứng vững, trong những ngày rong ruổi cùng Đoàn Kịch nói Kim Cương lưu diễn ở miền Trung, miền Nam. Chị nhớ lại: "Những ngày đó, hát tối, lãnh cát-sê vừa đủ tiền chợ cho ngày hôm sau. Những ngày không hát xem như ngày hôm sau sẽ đói".
Lay lắt với nghề, thời điểm đó không chỉ mình Họa Mi mà còn nhiều người khác. Nhưng đam mê đã nuôi họ sống, giữ họ gắn bó với nghề. Chẳng may chồng là nghệ sĩ saxophone Lê Tấn Quốc mắc bệnh mắt bẩm sinh, thị lực ngày càng kém nên đến năm 1988, Họa Mi quyết định ở lại Pháp, tìm cách chữa bệnh cho chồng. Nhưng sự đời trớ trêu, buồn vì không chữa được bệnh, nghệ sĩ Lê Tấn Quốc trở về Việt Nam, Họa Mi ở lại Pháp nuôi con nhỏ. Vất vả với cuộc sống nơi xứ người, cơ hội được đứng hát trên sân khấu ngày càng mờ mịt nhưng thương con, người mẹ ấy đành gắng gượng. "Buồn, nhớ quê hương, nhớ sân khấu, tất cả nén vào lòng...", Họa Mi thổn thức.
Nhưng dường như thương cảm cho một "tiếng hót lạc loài", cuộc đời đã mang đến cho Họa Mi một kết thúc đẹp. Nơi xứ người chị tìm thấy một bờ vai vững chãi để nương tựa, một công việc thú vị là kinh doanh kem và bánh mì. Chị cho biết: "Giờ các con đã trưởng thành, tiếc là chẳng ai theo nghệ thuật, cũng chẳng ai thích kinh doanh".
Có lẽ cũng nhờ vậy mà cuộc trở về lần này của Họa Mi nhẹ nhàng hơn so với cách đây 5 năm, khi chị định quay về định cư tại quê hương. Điểm mốc đầu tiên sẽ là live show Sol vàng diễn ra vào tối ngày 13/6 tới. Họa Mi chọn chủ đề cho live show là Trở về mái nhà xưa cũng vì lẽ đó.
Những ngày này, Họa Mi đang rạng ngời hạnh phúc, thứ hạnh phúc đến từ hào quang sân khấu chị đã đánh mất nhiều năm...
>Hồ Việt Hải: “Trở về là tự tìm cơ hội”
>Người hùng của Lenovo & thách thức ngày trở về
>Linh Nga - Ngày trở về