Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tránh rủi ro tài chính

Nguyễn Đình Tuệ (*)| 11/04/2022 07:15

Bài viết này hy vọng đóng góp thêm một số phương pháp tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), góp phần thúc đẩy kinh tế TP.HCM phát triển.

78347834-5146-1649582822.jpg

Đến cuối năm 2021, TP.HCM có khoảng 500.000 doanh nghiệp (DN) nhưng số DN không hoạt động được chiếm gần một nửa. Số DN hoạt động được thì khoảng 1/3 kinh doanh có lãi, còn lại là hòa vốn hoặc thua lỗ. Chưa nhiều DNNVV có kiến thức về quản trị tài chính để lựa chọn lĩnh vực đầu tư, ngành nghề kinh doanh, quyết định quy mô, tuyển dụng lao động, đánh giá thị trường, phân tích chỉ số Z-Score (chỉ số kết quả kiểm tra tín dụng đo lường khả năng phá sản). Đó chính  là những nhân tố tác động đến tình hình tài chính của DN. Tức là DNNVV hiện nay còn nhiều hạn chế về quản trị tài chính nên dễ dẫn đến rủi ro và rất ít doanh nghiệp tiếp cận được sự hỗ trợ từ Nhà nước. Nguồn lực hỗ trợ đến được DN thì hiệu quả chưa cao do thiếu tính thực tế. 

Để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của DNNVV, có một số vấn đề cần quan tâm:

- Đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hiện tượng rủi ro tài chính đang phổ biến trong cộng đồng DN hiện nay, giúp DN nhận biết được những dấu hiệu cơ bản dẫn đến mất cân đối tài chính, nguyên nhân và cách ngăn ngừa, khắc phục.  

- Xã hội hóa cho nhiều tổ chức, đơn vị có chức năng, kể cả DN có đủ điều kiện được tham gia cung ứng dịch vụ hỗ trợ DNNVV với mục tiêu hướng tới có nhiều tổ chức hỗ trợ DNNVV nhưng sử dụng ngân sách nhà nước không nhiều. 

- Nghiên cứu hoàn thiện chính sách cho các chương trình kinh tế, xã hội đang thực hiện và tiếp tục bổ sung thêm một số chương trình mới như cung cấp thông tin, xây dựng bộ dữ liệu lớn (Big Data), lập sàn giao dịch thương mại điện tử...

Về công tác tuyên truyền và cung cấp thông tin cho DN, hiện nay các sở, ngành đều có chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách nhưng DN vẫn rất khó có được thông tin mà họ cần tìm. Thành phố cần có một đầu mối cung cấp thông tin chính thức phục vụ cho mọi đối tượng xã hội. DN rất cần những thông tin tin cậy, rất cần những cơ quan cung cấp thông tin về quy hoạch ngành nghề, công nghệ, thị trường và tài liệu về kiến thức kinh doanh...

DNVVN-2671-1649582822.jpg

Hiện tượng kinh doanh thua lỗ, giải thể nhiều có nguyên nhân từ rủi ro tài chính nhưng DN chưa quen với những kiến thức phân tích chỉ số Z-Score, đánh giá tình hình kinh doanh, mục đích vay và sử dụng vốn vay, tính toán quy mô đầu tư phù hợp... Thành phố cần có thêm chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế số, trong đó bao gồm việc cung cấp thông tin kinh tế, thị trường  kết nối với sự phát triển đồng bộ chính quyền số - kinh tế số - xã hội số. 

Về hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hiện nay tuy đã được xã hội hóa nhưng có rất ít tổ chức, đơn vị tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV. Thông thường, các đơn vị chiêu sinh các lớp đào tạo ngắn hạn 5-10 ngày về khởi sự DN, kỹ năng kinh doanh, bổ túc nghiệp vụ kế toán, bán hàng, hội nhập quốc tế, được Nhà nước tài trợ một phần kinh phí tổ chức. Nguyên nhân chưa phát triển được chương trình này có lẽ do thủ tục giải ngân khó khăn, người được cử đi đào tạo phải khai báo những thông tin mà chủ DN không muốn tiết lộ. Do đó, thủ tục này cần sửa. 

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) có khả năng tập hợp doanh nghiệp chuyên doanh cung ứng dịch vụ chuyển đổi số để giới thiệu và kết nối với doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu. Nếu được lãnh đạo thành phố giao cho HUBA trách nhiệm này cùng với một số kinh phí thì việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp càng thuận lợi.

Để phát triển kinh tế, TP.HCM cần hỗ trợ đào tạo cho cả những người đang làm việc trong DN và những người chưa có việc làm vì họ là nguồn nhân lực tiềm năng. Chi phí đào tạo cho người lao động không thể bị xem là lãng phí ngân sách vì lợi ích sẽ mang lại cho kinh tế thành phố về sau là rất lớn. 

Về hỗ trợ DN chuyển đổi số, hiện nay TP.HCM chưa có chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho mục tiêu phát triển kinh tế số. Để có sự đồng bộ, kết nối và tương tác giữa chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, thành phố cần hỗ trợ DN và người dân thực hiện chuyển đổi số theo định hướng, sử dụng giải pháp kỹ thuật tương thích để thống nhất quản lý. 

Một số nội dung cần triển khai gồm:

- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức để các đối tượng hiểu được sự cần thiết và lợi ích việc chuyển đổi số; phát triển thêm các tổ chức tư vấn, kết nối đơn vị cung ứng dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số cho DN.

- Không hạn chế các tổ chức có đủ điều kiện được chiêu sinh đào tạo, tập huấn, hướng dẫn ứng dụng chuyển đổi số.

- Thành phố cần có một đầu mối triển khai và tích hợp hệ thống, kết nối mạng, tư vấn, bảo trì, theo dõi, đôn đốc thực hiện chuyển đổi số.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) có khả năng tập hợp DN chuyên doanh cung ứng dịch vụ chuyển đổi số để giới thiệu và kết nối với DN, tổ chức có nhu cầu. Hằng năm, HUBA xây dựng kế hoạch chuyển đổi số để báo cáo với Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM, sau đó Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM sẽ tổng hợp trình UBND TP.HCM xem xét, nếu được phê duyệt sẽ triển khai ngay. Nếu được lãnh đạo thành phố giao cho HUBA trách nhiệm này cùng với một số kinh phí thì việc chuyển đổi số trong DN càng thuận lợi.

Tóm lại, việc hỗ trợ DN tại TP.HCM đã có những thành quả nhất định ở một số lĩnh vực, song vẫn còn có khả năng làm tốt hơn nữa. Điểm nhấn là cần xem xét DNNVV đang yếu kém mặt nào, nhất là về quản trị tài chính, khả năng đánh giá thị trường và giải pháp phòng ngừa rủi ro tài chính để hỗ trợ giảm thiểu tỷ lệ thua lỗ, phá sản. Mặt khác, tăng cường thêm các nội dung hỗ trợ để DNNVV dễ tiếp cận vốn, thị trường, hội nhập quốc tế, chuyển đổi số và thương mại điện tử... 

Về tổ chức thực hiện, tiếp tục hoàn thiện chính sách, cải cách thủ tục hành chính và bổ sung thêm một số chương trình hỗ trợ mới. Thành phố cần có nhiều đơn vị thực hiện hỗ trợ DN để huy động được nhiều nguồn lực xã hội thay vì chỉ một nguồn lực nhà nước và chỉ cơ quan nhà nước mới được thực hiện. Như thế mới có thể giảm tải cho sở, ngành góp phần tinh giản biên chế, đồng thời tạo điều kiện nâng cao chất lượng hỗ trợ DN, nhất là DNNVV.

(*) (Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tránh rủi ro tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO