Quản trị

Doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển mình nhờ AI

Ka Mi 27/11/2024 06:00

Ngày nay, trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là “cuộc chơi” dành cho công ty, tập đoàn lớn. Việc ứng dụng AI giúp doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ tối ưu hóa quy trình vận hành, mang đến cơ hội bứt phá, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức.

Trong chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu gia nhập vào nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.

Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp

Báo cáo ứng dụng công nghệ trong kinh doanh 2024 khu vực châu Á - Thái Bình Dương của CPA Australia cho thấy, có tới 74% DN được khảo sát tại Việt Nam đã và đang áp dụng chiến lược số vào kinh doanh, cao hơn nhiều so với mức trung bình 63% của khu vực này.

Nhiều DN Việt, trong đó DN vừa và nhỏ (SME) đã bắt đầu đưa AI vào quản trị và điều hành, tập trung ở các lĩnh vực sản xuất, ngân hàng, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử.

Bà Nguyễn Hoài Nam - đồng sáng lập Công ty KAIpany cho biết, AI là một công cụ mạnh mẽ giúp DN SME vượt qua những thách thức về nguồn lực và năng suất. Công ty của bà Nam chủ động nghiên cứu và ứng dụng vào nhiều lĩnh vực then chốt, trong đó có quy trình tuyển dụng, cá nhân hóa đào tạo và tối ưu hóa quy trình làm việc.

“AI giúp chúng tôi sàng lọc hồ sơ ứng viên nhanh chóng, đánh giá kỹ năng và kinh nghiệm dựa trên phân tích dữ liệu, từ đó lựa chọn được những ứng viên phù hợp nhất. Công ty đã giảm 20% thời gian tuyển dụng và tăng 15% tỷ lệ tìm kiếm được ứng viên phù hợp, giảm 30% thời gian soạn thảo tài liệu nội bộ” - bà Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

Bà Hoài Nam cũng cho rằng, AI giúp cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, nâng cao chất lượng đào tạo và tư vấn, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

chi-hoai-nam.jpg
Bà Nguyễn Hoài Nam - đồng sáng lập Công ty KAIpany

“AI giúp chúng tôi phân tích dữ liệu khách hàng một cách chi tiết và toàn diện, từ đó hiểu rõ nhu cầu và hành vi của họ. Dựa trên những thông tin này, chúng tôi có thể cá nhân hóa dịch vụ, đưa ra giải pháp tư vấn phù hợp và hiệu quả nhất” - đại diện KAIpany cho biết.

Tương tự như bà Hoài Nam, ông Đỗ Đức Nam - đồng sáng lập thương hiệu Gióng AI - một công ty phần mềm về game hóa, cho rằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo đã giúp công ty ông có nhiều cơ hội mới để tiếp cận khách hàng, chi phí vận hành đã giảm khoảng 40% nhờ tối ưu hóa nguồn lực, sử dụng AI để nghiên cứu, sản xuất nội dung, từ hướng dẫn, bài giảng, ấn phẩm truyền thông đến sách điện tử, minigames…

“Sử dụng phần mềm tích hợp AI giúp đạt kết quả tốt khi tối ưu ít nhất 20% hiệu suất của nhân sự khi áp dụng game hóa và AI. Từ đó gia tăng hiệu suất và ra quyết định” - ông Đỗ Đức Nam chia sẻ.

“AI giúp chúng tôi phân tích dữ liệu khách hàng một cách chi tiết và toàn diện. Từ đó, chúng tôi có thể cá nhân hóa dịch vụ, đưa ra giải pháp tư vấn phù hợp và hiệu quả nhất”

Nguyễn Hoài Nam - đồng sáng lập Công ty KAIpany

Nhiều thách thức khi sử dụng AI

Dù mang lại nhiều cơ hội, SME cũng phải đối mặt với không ít thách thức khi ứng dụng AI như chi phí đầu tư cao, bảo mật thông tin, thiếu nhân sự có kỹ năng phù hợp hay hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ.

Khảo sát về mức độ sẵn sàng về AI được công bố vào tháng 11/2023, cho thấy, chỉ có khoảng 27% tổ chức tại Việt Nam triển khai AI một cách nghiêm túc và toàn diện. Sự chênh lệch đó cho thấy những thách thức khi triển khai công nghệ này.

Theo ông Đỗ Đức Nam, ứng dụng AI một cách hiệu quả là một bài toán khó đến từ việc nhận diện rõ hiệu suất trả về (ROI) với phù hợp bối cảnh DN, tiếp đến là sự cam kết đồng hành và đào tạo nhân sự chuyên môn. Bên cạnh đó, xác định rõ AI thực chất là công nghệ mang đến những phương pháp và công cụ giúp DN đạt được mục tiêu đã đề ra, chứ không phải là mục tiêu để hướng đến.

“Để áp dụng AI, DN cần công sức “đóng gói tri thức”, từ tổ chức, thương hiệu, sản phẩm, quy trình và hướng dẫn nội bộ. Cần huấn luyện thích ứng với đội ngũ khi được trang bị AI. Mỗi nhân sự cần có tâm thế và tư duy của một ông chủ để hướng dẫn và giao việc cho AI” - ông Nam đưa ra quan điểm.

Với bà Nguyễn Hoài Nam, thách thức lớn khi ứng dụng AI là việc lựa chọn công cụ phù hợp với nhu cầu và ngân sách của DN cùng việc đào tạo nhân sự sử dụng trí tuệ nhân tạo. Chính vì vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, so sánh các công cụ, thử nghiệm và đánh giá hiệu quả trước khi triển khai. Tuy vậy, thách thức lớn nhất là vấn đề bảo mật thông tin, dữ liệu khách hàng, quyền riêng tư và trách nhiệm pháp lý.

“Việc ứng dụng AI đòi hỏi phải xử lý một lượng lớn dữ liệu, do đó vấn đề bảo mật thông tin rất quan trọng. Chúng tôi đã áp dụng các biện pháp bảo mật nghiêm ngặt, tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu để đảm bảo an toàn thông tin cho khách hàng và DN” - bà Hoài Nam cho biết.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2020 (VVS), 33 quỹ đầu tư đã cam kết rót 815 triệu USD vào các dự án khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025 nhằm phát triển năng lực cạnh tranh AI của quốc gia. Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 cho phép Việt Nam thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong các lĩnh vực then chốt như an ninh, quốc phòng, dịch vụ công, quản lý tài nguyên và môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển mình nhờ AI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO