Cần giải pháp phi truyền thống
Về mặt lý thuyết, "Nhiệm vụ kép của Chính phủ đặt ra là vừa tập trung chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội. Nhiều giải pháp ứng phó với tác động của Covid-19 đã được triển khai: tổ chức lại sản xuất; cơ cấu lại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường; tăng cường xuất khẩu, đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa; nâng cao tiêu dùng trong nước; giải pháp khắc phục khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kiểm soát tốt thị trường, giá cả... Trên thực tế, khó khăn đã khiến nhiều DN phải ngưng hoạt động, cho nên chính sách để tạo dòng tiền vào cho DN là cực kỳ quan trọng. Phải bơm tiền thực cho DN mới tạo ra nhiên liệu kích hoạt cỗ máy kinh doanh tái khởi động.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, chính sách tiền tệ phải phụ thuộc vào chính sách tài khóa từ đó mới có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP hợp lý, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Để chính sách tiền tệ đi vào cuộc sống hữu ích, phát huy được tối đa tác dụng giúp phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển thì chính sách tài khóa phải đi trước một bước. Đây cũng là đại đa số ý kiến được ghi nhận tại hội thảo "Lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn Covid-19của các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý và DN.
Chỉ ra những điểm bất hợp lý và giải pháp cần hỗ trợ giúp DN phục hồi sản xuất, phát triển kinh doanh; TS. Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật cho rằng: Các chính sách nhằm phục hồi kinh tế của Chính phủ nhìn chung đi đúng hướng, nhận được sự đồng thuận cao tuy nhiên phần lớn mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ khẩn cấp mang tính tức thời, ngắn hạn trong khi mức độ tổn thương của nền kinh tế rất nặng nề và còn kéo dài. Do đó, chính sách không chỉ hỗ trợ ngắn hạn mà phải hướng tới trung hạn, dài hạn.
Các gói kích thích đang áp dụng mới chỉ tác động giới hạn đối với DN đang lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính. Bản chất là chính sách mới chỉ có tác động làm giảm hoặc ngăn dòng tiền ra chứ chưa hỗ trợ làm tăng dòng tiền vào cho DN. Trong khi, khủng hoảng của Covid-19 đã tạo ra cú sốc ở cả hai phía cung và cầu. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải áp dụng những giải pháp mang tính sáng tạo cao, những phản ứng phi truyền thống, thậm chí là khác biệt so với các chính sách từng áp dụng trong quá khứ. Tốc độ và mô hình phục hồi kinh tế không chỉ phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch bệnh, mà còn phụ thuộc vào việc triển khai kịp thời, phù hợp chính sách tiền tệ và các biện pháp ổn định hệ thống tài chính, an sinh xã hội. Do đó, chính sách tài khóa phải giữ vai trò chủ đạo, định hướng cho việc triển khai chính sách tiền tệ.
DN chỉ cần cơ chế
Vẫn là ý kiến nhận được sự đồng thuận cao của DN như Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc từng kiến nghị với Chính phủ "DN không xin tiền, chỉ xin cơ chế. Cơ chế đó là sự phù hợp với tình hình thực tế và quy luật cung cầu của thị trường. Phần lớn DN tham dự hội thảo đều thống nhất quan điểm: Thay vì đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng dàn trải, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải xây dựng chính sách hỗ trợ các ngành cần ưu tiên trong giai đoạn hiện tại là công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại, xuất khẩu, thủy sản, nông nghiệp... để DN nhanh chóng phục hồi và trở lại nâng đỡ nền kinh tế, tạo động lực, sức lan tỏa đến cộng đồng DN trong nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh.
Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty Đồng Tâm Long An nêu vấn đề: DN không ỷ lại, dựa dẫm vào ngân sách nhà nước mà cần một cơ chế điều hành chính sách tiền tệ phù hợp với quy luật cung cầu để tồn tại, không phá sản. Trong tình thế hiện nay, kể cả cho vay lãi suất rất thấp mà DN không có nhu cầu đầu tư phát triển thì cũng vô dụng; trong khi họ cần nhất là giảm lãi suất đối với những gói vay đã và đang thực hiện bởi vì khi đã khó khăn thì một đồng cũng quan trọng.
Như vậy, bế tắc lớn nhất của DN không phải là việc tiếp cận nguồn vốn mà là gánh nặng lãi vay ở mức khá cao. Lý giải nguyên nhân này, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN chỉ rõ: Quá trình giảm phí, giảm, giãn lãi vay cho DN của các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai còn chậm, có nhiều vướng mắc. Thậm chí bản thân các NHTM cũng là những DN đang gặp khó khăn, thời điểm trước dịch bệnh, ngân hàng huy động vốn với lãi suất cao, giờ điều chỉnh cho vay lãi suất thấp, giảm nợ, giãn nợ... cộng với biến động của dòng tiền ở thời điểm hiện tại do tác động của dịch bệnh (hầu hết khách hàng chọn phương án gửi ngắn hạn).
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú thừa nhận thực trạng bất hợp lý trong việc triển khai các gói hỗ trợ tài chính: DN lỗ thì lấy đâu có lãi để nộp thuế, như vậy chính sách giảm, giãn thuế không có tác dụng trực tiếp tới DN khó khăn. Do vậy, NHNN sẽ có định hướng điều chỉnh chính sách áp dụng tạo dòng tiền vào cho DN để kích thích cung cầu trong đầu tư và tiêu dùng. Đồng thời chỉ đạo điều hành theo hướng giảm lãi suất một cách hợp lý, giữ ổn định tỷ giá bằng các công cụ dự trữ bắt buộc. Không để xảy ra tình trạng găm giữ ngoại tệ và cũng không bảo lãnh ngoại tệ cho các dự án đầu tư như trước đã làm để tạo sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo ngân hàng nhà nước (HNNN), dư nợ do ảnh hưởng của Covid-19 trong tất cả các ngành lên tới 2 triệu tỷ đồng (chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống). Trong đó, nhóm ngành khoáng sản, nhiên liệu, vật liệu xây dựng, kinh doanh ô tô và phụ tùng đứng đầu bảng, chiếm tới 548 ngàn tỷ (6,6%); nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo khoảng 520 ngàn tỷ (6,3%); nhóm dịch vụ, lưu trú, ăn uống chiếm 169 ngàn tỷ (2%%); nhóm nông lâm nghiệp, thủy sản 157 ngàn tỷ (1,9%); bất động sản 145 ngàn tỷ (1,75%); vận tải 139 ngàn tỷ (1,68%); nhóm còn lại thuộc các dự án BOT, BT khoảng 110 ngàn ty (1,35%)
Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM cũng cho biết thực trạng bế tắc DN ngành nhựa: Cung cầu đều bị chặn đứng do dịch bệnh. DN đã phải trả hết tiền cho nhà cung ứng và phải chịu lãi suất từ tháng 1 cho đến hết tháng 4/2020 mà hàng không về được, đầu ra cũng không xuất đi được kéo theo hàng loạt chi phí khác. Tuy nhiên, trong khó khăn chung, ngành nhựa xuất hiện điểm sáng đó là giá nguyên liệu ở thời điểm hiện tại đang ở mức xuống đáy (trước Covid-19 giá hạt nhựa nhập khẩu tới 1.300 USD/tấn, hiện tại chỉ còn 700 USD/tấn). Đây là cơ hội để dự trữ nguyên liệu cho nên DN rất cần ngân hàng cho vay tiền để tích trữ cho cả năm 2021; bởi vì qua dịch bệnh, nguyên liệu sẽ tăng nhanh trở lại. Đối chiếu giá bán khẩu trang y tế cho các nhà thuốc trong nước theo quy định chỉ 1 triệu/thùng nhưng giá xuất khẩu hiện tại tới 17 triệu/thùng (giá thành chỉ có 700.000 đồng/thùng). Nếu DN không vay được vốn thì sẽ mất cơ hội nghìn vàng này.
Ông Việt Anh cũng kiến nghị NHNN nên áp dụng chính sách tăng hạn mức cho vay đối với DN có năng lực sản xuất, không nợ xấu trong quá khứ đồng thời cho vay bằng đồng ngoại tệ (usd) để giải quyết nhanh việc mua nguyên liệu, thiết bị đầu tư sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cần có sự điều tiết kịp thời trong chính sách tài khóa và sự hỗ trợ linh hoạt của chính sách tiền tệ, nhất là các cơ chế ưu đãi về tín dụng, lãi suất trong tình huống đặc biệt đối với từng đối tượng cụ thể sẽ là liều thuốc quý cho DN tồn tại trong giai đoạn hiện tại cho dù đó là DN lớn, DN vừa, nhỏ hay siêu nhỏ.