Vì sao hơi thở lại quan trọng?
Đối với hệ hô hấp. Hít thở sâu đưa nhiều dưỡng khí vào tận đáy phối, đẩy CO2 ra ngoài. Bên cạnh đó kích hoạt cơ hô hấp như cơ liên sườn, cơ hoành, chống lại hiện tượng xơ cứng các khớp ở lồng ngực, do đó sẽ duy trì khả năng thở không bị giảm đi nhanh chóng theo tuổi tác.
Đối với hệ tuần hoàn. Khi thở sâu tạo áp suất trong lồng ngực đưa máu về tim, phổi dễ dàng hơn. Đồng thời, khi hít sâu cơ hoành hạ thấp xuống làm áp suất trong ổ bụng tăng lên, thúc đẩy máu đi tới tĩnh mạch, tạo tác dụng xoa bóp nội tạng, thúc đẩy khí huyết lưu thông tốt hơn, làm quá trình trao đổi khí được nhiều hơn.
Đối với hệ thần kinh. Khi khí huyết lưu thông thì tế bào thần kinh được nuôi dưỡng tốt hơn. Khi hưng phấn tập trung vào việc luyện thở thì các vùng khác của vỏ não được nghỉ ngơi giúp cho hệ thần kinh tỉnh táo và sáng suốt hơn, điều phối lại các hệ cơ quan khác trong cơ thể một cách hiệu quả.
Khi bạn lo lắng, sợ hãi, nhịp thở rối loạn, tim đập hồi hộp, mặt tái xanh, đổ mồ hôi... hãy tập trung vào hơi thở, thở đều, thở sâu, cung cấp đủ oxy lên não, hệ thần kinh nhận được tín hiệu ổn định và bình an, điều phối các hệ cơ quan làm việc ổn định bạn sẽ sớm trở lại trạng thái bình ổn.
Thói quen hít thở sâu là cách rất tốt để duy trì sức khỏe của phổi, giúp giải tỏa áp lực cho phổi và phổi sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Từ đó, giúp phòng, chống những bệnh về hô hấp như tắc nghẽn phổi, tăng cường hệ miễn dịch, giúp ngủ ngon, làm đẹp da, giảm đau, tinh thần tích cực...
Để tận hưởng được những tác dụng của hơi thở hãy lưu ý tới 4 kỹ thuật dưới đây
Hít thở bụng thay vì hít thở ngực
- Áp lực cuộc sống làm cho bạn hít thở vội vàng, chỉ dùng ngực và cơ liên sườn để hít thở qua miệng, cách này chỉ đưa được một lượng nhỏ oxy vào phần trên của phổi, dần dần làm cho cơ thể thiếu sức sống và sức đề kháng thấp.
- Hãy hít vào, thở ra bằng mũi và đặt một tay lên bụng, một tay lên ngực để quan sát điểm phồng khi hít thở. Khi hít vào bụng phình lên, ngực phình lên. Khi thở ra bụng xẹp xuống, ngực xẹp xuống. Lặp lại 10-20 lần hít và thở.
Đếm hơi thở
- Bắt đầu từ hít vào trong 3 nhịp đếm 1,2,3 và thở ra trong 6 nhịp từ 6,5,4,3,2,1.
- Tăng dần lên hít đếm đến 4 và thở đếm từ 8 về 1, chúng ta cũng có thể nín hơi giữa hít và thở trong phạm vi thoải mái.
Mường tượng khi hít thở
- Cảm nhận bạn nhận vào sự tích cực và năng lượng qua từng hơi hít vào và thở ra, buông bỏ mọi sự căng thẳng và mệt mỏi ra bên ngoài. Sau từng hơi thở bạn sẽ nhận được sự tích cực và năng lượng tràn đầy.
- Khi hít thở sâu đều đặn, hệ thần kinh phó giao cảm được kích hoạt, tăng tiết hóc môn tạo cảm giác dễ chịu. Với một tâm trạng tốt, cuộc sống của bạn sẽ trở nên hạnh phúc hơn.
Hít thở một cách có ý thức
- Hãy tạo cho mình thói quen dành 5-10 phút sau khi thức giấc buổi sáng và trước khi đi ngủ buổi tối để hít thở. Bạn cũng có thể áp dụng hít thở sâu vào những lúc mệt mỏi, khó chịu hay căng thẳng để xoa dịu tinh thần.