Hàng Trung Quốc thâm nhập sâu hơn vào Việt Nam
Sau khi mở cửa, bằng nhiều cách khác nhau như triển lãm, kết nối cung - cầu… hàng hóa Trung Quốc đang tìm cách thâm nhập sâu hơn vào Việt Nam - thị trường lớn thứ 6 của quốc gia này.
Ồ ạt tìm thị trường mới
Mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường và xây dựng hệ thống phân phối đang được các doanh nghiệp Trung Quốc ráo riết thực hiện tại Việt Nam. Đại diện của Shenzhen Global Electronic Technology Co. Ltd. - một doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất anten có nhà máy tại Bình Dương cho biết, công ty đang mở rộng sản xuất sang lĩnh vực xe đạp điện với thương hiệu Superfun. Chuẩn bị cho việc sản xuất xe trong 3 tháng tới, công ty tham gia Triển lãm Quà tặng và Đồ gia dụng IGHE tại TP.HCM để tìm kiếm các nhà phân phối cho mặt hàng này.
Cũng như Shenzhen, Công ty Dongguan Tai-Tech Electric Appliance Co. Ltd. đang tìm kiếm các nhà phân phối máy pha cà phê mini. Lâu nay, DN này chuyên sản xuất sản phẩm sang thị trường châu Âu và giờ thì tìm kiếm thêm các khách hàng tại Việt Nam. Với những chiếc máy pha cà phê nhỏ gọn, có thể bỏ túi du lịch, có giá bán từ 1,5-2 ,5 triệu đồng, DN này kỳ vọng sẽ tạo sự quan tâm với người tiêu dùng ở quốc gia cà phê như Việt Nam.
Ông Leo Mo - Phó tổng giám đốc Chaoyu Expo, đơn vị tổ chức chuỗi triển lãm (IEAE - Triển lãm Quốc tế Điện tử và Thiết bị thông minh Việt Nam, IBTE - Triển lãm Quốc tế Sản phẩm và Đồ chơi trẻ em, IGHE - Triển lãm Quà tặng và Đồ gia dụng đang diễn ra tại TP.HCM) cho biết, chuỗi triển lãm năm nay thu hút sự đông đảo của các DN. Số lượng gian hàng đã tăng từ 305 lên 520, tăng 41,3% so với năm ngoái. Điều này cho thấy Việt Nam là một thị trường mới nổi với nhiều tiềm năng và nhu cầu tiêu dùng của Việt Nam cũng rất lớn.
Riêng triển lãm IEAE đã thu hút sự tham gia của 192 nhà sản xuất đến từ Quảng Đông (tỉnh chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử tiêu dùng ở Trung Quốc) và Chiết Giang (tỉnh chuyên sản xuất các thiết bị điện gia dụng nhỏ gọn, thông minh). Rất nhiều dòng sản phẩm tiêu biểu “điểm mặt gọi tên” khi nhắc xuất xứ đến từ Chiết Giang và Quảng Đông như thiết bị điện tử thông minh và đồ gia dụng cao cấp, thiết bị gia dụng thông minh, thiết bị điện và điện tử, thiết bị âm thanh - linh kiện, công nghệ LED…
Còn với ngành điện, ông Dư Học Hào - Phó tổng thư ký Hội đồng Điện lực Trung Quốc cho biết, có hàng chục công ty điện lực Trung Quốc tham gia triển lãm quốc tế về công nghệ và thiết bị điện, trong số đó có nhiều công ty đầu ngành và các công ty thiết bị và công nghệ tiên tiến. Các doanh nghiệp đều rất trân trọng cơ hội này và mang đến những công nghệ, sản phẩm tốt nhất.
Ông Leo Mo cho rằng: “Các sản phẩm của Trung Quốc đến Việt Nam thông qua triển lãm một mặt làm phong phú thêm cơ cấu sản phẩm tiêu dùng tại Việt Nam, mặt khác sẽ thúc đẩy mạnh mẽ giao lưu kinh tế thương mại giữa hai bên và tăng cường hợp tác thương mại lâu dài”.
Tăng cường cơ hội giao thương
Dù chuỗi triển lãm trên mới diễn ra ngày đầu tiên, nhưng nhà tổ chức này đã lên kế hoạch cho việc hỗ trợ DN Trung Quốc quảng bá thương hiệu, tìm kiếm nhà phân phối mới tại Việt Nam trong năm tiếp theo.
Ông Leo Mo cho biết, công ty dự định sẽ mở rộng quy mô triển lãm vào năm tới. Cụ thể, Triển lãm IEAE sẽ được tổ chức vào tháng 5/2024, còn Triển lãm IBTE và IGHE tổ chức vào tháng 12/2024 với tổng diện tích mỗi kỳ triển lãm lên đến 1.000 gian hàng. Hai kỳ triển lãm sẽ có sự tham gia của trên 1.000 DN là các nhà máy sản xuất hàng đầu tại Trung Quốc.
“Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng 3 triển lãm này thành một sự kiện giao thương quốc tế đặc sắc tại Việt Nam, giúp các nhà triển lãm và người mua kết nối hiệu quả, và đạt được sự hợp tác đôi bên cùng có lợi”, ông Leo Mo cho biết.
Chia sẻ về cơ hội giao thương giữa DN hai nước, ông Tô Ngọc Sơn - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) cho biết, những năm qua, sự tăng trưởng liên tục của nền kinh tế Việt Nam đã kéo theo sự phát triển của xã hội, chất lượng cuộc sống cũng ngày càng cải thiện. Điều này đã thúc đẩy ngành sản xuất tiêu dùng tiếp tục mở rộng, nhu cầu hợp tác sản xuất, cải tiến sản phẩm, năng lực đổi mới và tính cập nhật sản phẩm ngày càng được đẩy nhanh.
Có nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi triển lãm lần này đến từ tỉnh Quảng Đông và tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, hai địa phương có vị trí, vai trò rất quan trọng trong tổng thể quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Điều này cho thấy, nhu cầu, tiềm năng rất lớn trong hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước Việt - Trung.
Và trên thực tế, Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 20 năm qua. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc năm 2022 và là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN với quy mô lên tới 176 tỷ USD (theo thống kê Việt Nam) và gần 235 tỷ USD (theo thống kê của Trung Quốc). Chính phủ, Bộ Công Thương Việt Nam từ trước tới nay luôn xem trọng phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp và đầu tư với Trung Quốc.
“Với việc quy tụ các doanh nghiệp sản xuất và thương mại uy tín, triển lãm không chỉ tạo ra cơ hội gặp gỡ, giao thương trực tiếp cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước và thế giới mà còn góp phần mang tới giải pháp, công nghệ mới, sản phẩm đa dạng, dịch vụ tiên tiến cho thị trường và nâng cao tiện nghi cuộc sống của người dân Việt Nam. Đây cũng là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, thiết thực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau đại dịch”, ông Tô Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Chuỗi triển lãm quốc tế với các chuyên ngành Triển lãm Quốc tế Điện tử và Thiết bị thông minh (IEAE), Triển lãm Quốc tế Quà tặng và Đồ gia dụng 2023 (IGHE), Triển lãm Quốc tế Sản phẩm và Đồ chơi trẻ em (IBTE) diễn ra tại SECC Q.7, TP.HCM từ ngày 19-21/7/2023.
Trong khuôn khổ triển lãm diễn ra nhiều hội thảo chuyên ngành như “Chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối hàng tiêu dùng tại Việt Nam”, “Nâng cao vai trò doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu” cùng chương trình “Cafe SACA: Hướng đến mục tiêu xanh - bền vững”…