Hai Trung Quốc: Một hùng cường - một khó khăn

LAM HỒNG| 02/09/2015 06:51

Trung Quốc (TQ) đang "chia hai" trong mỗi quyết sách: một tương lai hùng cường và một thực tại khó khăn, bấp bênh; một trỗi dậy hòa bình và một đe dọa sự ổn định của láng giềng.

Hai Trung Quốc: Một hùng cường - một khó khăn

Trung Quốc (TQ) đang "chia hai" trong mỗi quyết sách: một tương lai hùng cường và một thực tại khó khăn, bấp bênh; một trỗi dậy hòa bình và một đe dọa sự ổn định của láng giềng.

Đọc E-paper

Thuật ngữ "Hai Trung Quốc" được nhắc đến vào năm 1949, khi Trung Hoa Dân Quốc và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cạnh tranh cho sự công nhận ngoại giao của thế giới. Còn bây giờ cũng có "Hai Trung Quốc": một TQ là quốc gia hùng mạnh, với một tương lai đầy hứa hẹn bất chấp những khó khăn ngắn hạn, và một TQ đang đối mặt với vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế và triển vọng dài hạn không chắc chắn. TQ nào sẽ thắng thế?

Kinh tế của TQ đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm đáng kinh ngạc trên 10% trong hơn ba thập kỷ qua. TQ đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hàng trăm triệu người dân bước vào tầng lớp trung lưu. Mô hình tư bản nhà nước của TQ hấp dẫn đối với nhiều nước đang phát triển khác, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, bắt đầu tại Hoa Kỳ và do đó dường như làm mất uy tín của Mỹ kiểu tư bản tự do.

Nhưng câu hỏi về tương lai của TQ là không thể tránh khỏi. Tăng trưởng kinh tế đã chậm lại, thậm chí chuyên gia phương Tây tin rằng con số thực tế là tăng trưởng dưới 5%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế TQ nửa đầu năm nay là thấp nhất trong 25 năm trở lại đây và xu thế này được cho là sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian sắp tới.

Trong tháng 6, thị trường cổ phiếu của nước này cũng chứng kiến mức sụt giảm kỷ lục, tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Trong tháng 8, giới lãnh đạo nước này quyết định phá giá đồng nhân dân tệ kỷ lục trong hơn 20 năm qua, động thái được cho là thể hiện sự lo ngại sâu sắc của Bắc Kinh trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế. "Vấn đề mà giới lãnh đạo TQ phải đối diện là các sự lựa chọn chính sách của họ ít hơn xưa", chuyên gia kinh tế Rodney Jones nhận định.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình quyết tâm điều chỉnh kết cấu kinh tế, nhưng nếu tăng trưởng tiếp tục chững lại, sẽ tác động tiêu cực đến uy tín của nhà lãnh đạo này. Mặt khác, chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" cũng khiến ông phải đối phó với nhiều đối thủ chính trị hơn, bởi một số chính khách quyền thế một thời bị điều tra và hơn 100.000 quan chức cấp thấp mất quyền.

"Giới tinh hoa phải đối phó với hai xu hướng đáng ngại, vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của họ”, bình luận viên Michael Forsythe của The New York Times nhận định. Một là tình hình phát triển kinh tế chững lại tồi tệ hơn dự kiến của giới quan chức; hai là thời gian và đối tượng của chiến dịch chống tham nhũng cũng đã vượt xa dự kiến.

Các nhà lãnh đạo TQ muốn có tăng trưởng kinh tế theo mô hình tư bản nhà nước, nhưng không muốn có sự suy thoái đi kèm. Kể từ khi trở thành lãnh đạo cao nhất của TQ, ông Tập mạnh tay với chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi", nhằm làm trong sạch đội ngũ quan chức và chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tham vọng này cũng ẩn chứa những nguy cơ chính trị đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Trong khi kinh tế biến động thì chiến dịch chống tham nhũng ngày càng giống một chiến lược củng cố quyền lực, hơn là một nỗ lực để cải cách vì lợi ích của nền kinh tế và xã hội.

Một số nhà quan sát sợ một TQ trỗi dậy chắc sẽ thở phào nhẹ nhõm trước những khó khăn hiện tại của nước này. Nhưng sự thật là tăng trưởng chậm lại của TQ sẽ làm suy yếu sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Gần 18 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính khu vực khiến hàng loạt chính phủ lung lay và các công ty phá sản, đồng tiền các nước trong khu vực một lần nữa lại chịu sức ép giảm giá từ biến động tiền tệ của TQ. Nguy hiểm nhất là khi một TQ gặp khó khăn có thể quay về với chủ nghĩa dân tộc để xoa dịu công chúng đang thất vọng vì đời sống khó khăn và thiếu tự do chính trị.

Các hành động thô bạo của TQ tại Biển Đông gây bất an cho nhiều nước láng giềng là chỉ dấu cho sự nguy hiểm này. "Mỹ và những quốc gia khác sẽ cần phải đẩy mạnh hoạt động trở lại để đảm bảo rằng TQ không hành động tiêu cực như vậy. Nhưng các quốc gia này sẽ được bình đẳng khôn ngoan để báo hiệu cho TQ rằng nó được chào đón để có vị trí trong số các nước hàng đầu thế giới nếu nó hoạt động có trách nhiệm và theo các quy tắc đặt cho tất cả”, Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại thời Tổng thống George W. Bush, nhận định.

>Phương châm trị quốc của ông Tập Cận Bình

>Tập Cận Bình quyết thực hiện 'Giấc mơ Trung Quốc'

>Trung Quốc và con đường trở thành 'số 2' thế giới

>Khi người Trung Quốc áp đặt "luật chơi"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hai Trung Quốc: Một hùng cường - một khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO