Hai nhóm đối tượng được tăng lương hưu, thay đổi độ tuổi nghỉ hưu từ 1/7/2025
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định mới về thay đổi độ tuổi nghỉ hưu và 2 nhóm đối tượng được tăng lương hưu, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Thay đổi độ tuổi nghỉ hưu từ tháng 7/2025
Từ tháng 7/2025, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường sẽ được điều chỉnh theo lộ trình đến khi đạt 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035, theo quy định tại Điều 196 của Bộ luật Lao động 2019.
Cụ thể, theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, vào năm 2025, độ tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ là 56 tuổi 8 tháng, và đối với lao động nam là 62 tuổi 3 tháng. Thời điểm tính lương hưu sẽ được áp dụng từ tháng liền kề sau khi người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của Bảo hiểm xã hội.
2 nhóm đối tượng được tăng lương hưu năm 2025
Bên cạnh việc tăng độ tuổi nghỉ hưu, năm 2025 cũng sẽ điều chỉnh mức lương hưu. Lương hưu được điều chỉnh dựa trên mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, đồng thời phải phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội, theo quy định tại Điều 67 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Điều chỉnh này nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa các thời kỳ, đặc biệt là đối với những người có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995, nhằm mang lại sự công bằng và hợp lý hơn trong việc thụ hưởng lương hưu.
Trước đó, từ 1/7/2024, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đã được điều chỉnh tăng thêm 15% so với mức của tháng 6/2024 cho các đối tượng được quy định tại khoản 1 điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP. Trong đó, người nghỉ hưu trước và sau năm 1995 đều được điều chỉnh tăng 15% lương hưu.
Từ ngày 1/7/2025, hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí
Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng (trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ), hoặc người từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định, thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Đồng thời, Luật cũng quy định, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ. Định kỳ 3 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội.
Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp, quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Đáng chú ý, người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng cũng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế, theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Khi chết thì tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận hỗ trợ chi phí mai táng, theo quy định của pháp luật về người cao tuổi.
Như vậy, so với quy định hiện hành, độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí hạ từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và được đổi tên từ trợ cấp xã hội thành trợ cấp hưu trí khi Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực.