Hai giải pháp giúp doanh nghiệp nội tăng xuất khẩu hàng hóa
Tính đến hết tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM đạt khoảng 26,07 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, không thể không nhìn nhận, không chỉ riêng TP.HCM mà tình hình xuất khẩu của cả nước vẫn phụ thuộc trên 70% vào khối doanh nghiệp ngoại (FDI). Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro…
* Thưa ông, thời gian qua, doanh nghiệp nội đã nỗ lực xuất khẩu hàng hoá, nhưng xem ra sự phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI vẫn còn lớn…
- Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có TP.HCM vẫn phụ thuộc khá lớn vào sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, bởi các mặt hàng này mới tạo ra giá trị lớn. Chính vì lẽ đó mà doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế xuất khẩu, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là nền kinh tế rất dễ bị “tổn thương” trước những biến động địa - chính trị, địa - kinh tế trên thế giới.
Không thể phủ nhận thời gian qua, doanh nghiệp TP.HCM đã nỗ lực trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hoá, nhiều doanh nghiệp mới tham gia vào lĩnh vực công nghệ cao, thay vì chỉ những mặt hàng truyền thống. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, những tín hiệu tích cực ấy chưa nhiều, chưa bền vững, trong khi hàng loạt mặt hàng nông sản mà doanh nghiệp trong nước xuất khẩu như cà phê, hồ tiêu, gạo, rau củ quả có giá tăng khá cao cả số lượng, cả giá cả.
* Theo ông, doanh nghiệp Việt cần phải làm gì để chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu hàng hoá?
- Theo tôi, nên ưu tiên thực hiện hai giải pháp lớn.
Trước hết là liên kết. Liên kết đầu tiên là giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Tôi chắc rằng, trong năm ba năm nữa, doanh nghiệp Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng vẫn chưa thể “tách mình” khỏi khối doanh nghiệp FDI. Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, vẫn được ưu tiên thu hút đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài. Dòng vốn FDI được nhìn nhận như là một trong những trụ cột tăng trưởng kinh tế của đất nước và mỗi địa phương. Doanh nghiệp nội địa cần chủ động học hỏi và nắm bắt công nghệ, kỹ thuật tiên tiến từ đối tác FDI để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Việc tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, thậm chí trở thành một “chân rết” của họ, không chỉ giúp doanh nghiệp trong nước phát triển mà còn từng bước thâm nhập vào thị trường quốc tế, dần khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Để làm được điều này, bản thân doanh nghiệp phải chủ động. Chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác thông qua xúc tiến thương mại, kết nối giao thương.
Thứ hai, muốn cạnh tranh xuất khẩu với doanh nghiệp nước ngoài đã có thị trường, có mạng lưới, có nguồn lực mạnh đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải lớn mạnh. Muốn lớn mạnh thì doanh nghiệp, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp TP.HCM phải liên kết với nhau, nhất là doanh nghiệp trong cùng cụm ngành, cùng lĩnh vực để tăng tính cạnh tranh đối với thương hiệu thuần Việt, tức không chỉ “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” mà phải là rất nhiều cây.
Tôi muốn nói thêm, doanh nghiệp lớn có thể đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển thông qua việc chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm quản lý, mở rộng thị trường. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp nội địa nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn tăng cường khả năng đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường xuất khẩu quốc tế. Chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cũng cần được chú trọng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của các thị trường khắt khe nhưng nhiều tiềm năng.
Để thực hiện được điều này, việc kết nối thông qua hiệp hội ngành nghề, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng, đặc biệt là những hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu. Các hiệp hội này phải cải tiến mô hình tổ chức, cách hoạt động để đem đến nhiều giá trị hơn cho doanh nghiệp hội viên, có thể tổ chức hội thảo, sự kiện kết nối, giúp doanh nghiệp chia sẻ thông tin, mở rộng quan hệ đối tác, và cùng nhau giải quyết những khó khăn chung.
* Ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, theo ông, còn cần những chính sách hỗ trợ nào từ Nhà nước?
- Vai trò của Nhà nước trong việc thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là trong các cụm ngành, là vô cùng quan trọng. Nhà nước không chỉ định hướng chính sách mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp trong nước. Trước hết, Nhà nước cần xây dựng chính sách phát triển cụm liên kết công nghiệp, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi với hạ tầng cơ sở hiện đại và kết nối hiệu quả. Cùng với đó, cần chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và vốn vay cho doanh nghiệp tham gia chuỗi xuất khẩu cũng là yếu tố cần thiết để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển bền vững.
Theo tôi, TP.HCM cần đầu tư vào chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D), tạo điều kiện cho doanh nghiệp hợp tác đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Bởi như đã đề cập, sản phẩm công nghệ cao sẽ tạo ra đột phá trong giá trị xuất khẩu. Đẩy mạnh xây dựng trung tâm nghiên cứu chung, cung cấp quỹ hỗ trợ R&D và tổ chức đào tạo nhân lực tham gia xuất khẩu cũng quan trọng không kém. Cuối cùng, vai trò của Nhà nước trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin cũng là yếu tố quyết định, giúp doanh nghiệp dễ dàng kết nối, chia sẻ thông tin với những thị trường có tiềm năng trên thế giới.
* Cảm ơn ông!