Việt Nam đã thu hút được lượng vốn lớn ngoài xã hội để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông. Đến nay, đã có 336 công trình được thực hiện theo hình thức PPP - Public Private Partnership (đối tác công tư), trong đó 140 công trình BOT (xây dựng, vận hành, chuyển giao) và 188 công trình BT (xây dựng, chuyển giao).
Mô hình PPP là Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp xây dựng hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng nhằm kết hợp được những điểm mạnh của cả hai khu vực này. Tuy nhiên, pháp lý hiện hành về PPP mới dừng lại ở mức nghị định, bao gồm Nghị định 15/2015/NĐ-CP và Nghị định 30/2015/NĐ-CP, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật, như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, dẫn đến việc triển khai các dự án PPP gặp nhiều xung đột về pháp lý, trong khi các dự án PPP thường có mức đầu tư rất lớn và dài hạn.
Vì thế mới xảy ra trường hợp Tập đoàn Bitexco nhận được khoản bồi hoàn từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong tháng 6/2019, sau khi đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức PPP phải dừng triển khai vào tháng 3/2018, thu hút sự quan tâm của dư luận.
Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, công trình thí điểm đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư 750 triệu USD, Nhà nước chịu khoảng 250 triệu USD từ phần vốn bảo lãnh của Ngân hàng Thế giới. Nhà đầu tư gồm Bitexco và nhà đầu tư thứ hai sẽ bỏ ra 500 triệu USD, trong đó riêng Bitexco phải bố trí 60% vốn, khoảng 350 triệu USD. Tuy nhiên, quá trình đàm phán thực hiện dự án này đã không thành công và việc thí điểm dự án theo cơ chế này cũng chấm dứt.
Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), mức đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam bình quân khoảng 5,7% GDP, chỉ đứng sau Trung Quốc (6,8%) trong khi các quốc gia như Indonesia, Philippines là dưới 3% GDP. Nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn nhưng ngân sách của Việt Nam không dồi dào trong bối cảnh vốn của các nhà tài trợ ngày càng thu hẹp. Đầu tư theo hình thức PPP là để huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước.
Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư tại kỳ họp thứ 8 và dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 9, tháng 5/2020. Dự luật về PPP đưa ra các cơ chế bảo lãnh như bảo lãnh việc chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh cơ chế chia sẻ rủi ro. Đây là cơ chế cần thiết để thu hút được các nhà đầu tư thực hiện các dự án PPP. Bản chất của dự án PPP là đầu tư công nhưng do chưa đủ nguồn lực nên kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân thực hiện và trong tất cả dự án, Chính phủ đều tham gia để đảm bảo hiệu quả.
Trong khi đó, áp lực đầu tư hạ tầng giai đoạn tới là vô cùng lớn. Theo ông Lê Công Nhường - Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư công chỉ có 2 triệu tỷ đồng, trong đó vay nước ngoài 360.000 tỷ đồng, vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính phủ 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong gói 2 triệu tỷ đồng này, vốn đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không bao nhiêu, do phải tách riêng 72.817 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho lĩnh vực giao thông cần tối thiểu 952.730 tỷ đồng, nhưng Nhà nước chỉ đáp ứng được khoảng 20%.
Theo ông Nhường, nếu không sớm thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ rất khó thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng. Ông dẫn chứng hai dự án trọng điểm quốc gia: sân bay Long Thành và đường cao tốc Bắc - Nam hướng Đông. Quốc hội khóa XIV đã thông qua chủ trương đầu tư hai dự án này. Với dự án sân bay Long Thành, Quốc hội đang xem xét việc để Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư hay kêu gọi vốn tư nhân. Với dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông có 11 dự án thành phần, trong đó chỉ có ba dự án đầu tư công, còn lại 8 dự án đã được xác định là đầu tư bằng phương thức PPP, nhưng số vốn rất lớn, dự kiến huy động tối thiểu là 63.716 tỷ đồng.
Nhà nước và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong quy trình, thủ tục và nội dung cần thiết để thực hiện quyết định đầu tư các dự án PPP. Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), luật về PPP cần đảm bảo không chịu ảnh hưởng và bị điều chỉnh bởi các luật khác, sẽ hạn chế rủi ro thay đổi chính sách - một trong những điều kiện quan trọng để thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào các dự án PPP tại Việt Nam. Luật về PPP phải có quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án nói riêng, đặc biệt đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước hoặc được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ từ phía Nhà nước, cũng như ban hành một số chế tài xử lý vi phạm để hạn chế các hành vi tư lợi.
Với những bất cập hiện nay, theo ông Tuấn, luật về PPP cần quy định cụ thể cách thức lập dự án, công cụ thẩm định dự án, giám sát, quản lý hợp đồng phù hợp để tạo điều kiện phát huy tính sáng tạo của nhà đầu tư và đảm bảo dự án đầu tư hiệu quả, tiết kiệm, tránh gây thất thoát, lãng phí nguồn lực quốc gia. Do tính chất đặc thù khi có sự tham gia đầu tư của cả Nhà nước và nhà đầu tư, luật về PPP cần quy định trình tự, thủ tục đầu tư phù hợp, đảm bảo hiệu quả đầu tư, đồng thời đơn giản, rút gọn để hài hòa giữa thực tiễn của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Luật về PPP cũng cần bổ sung quy định về công khai thông tin về dự án PPP, bao gồm cả thông tin về tiến độ thực hiện để tạo môi trường thông tin thông suốt cho các nhà đầu tư cũng như đảm bảo sự giám sát của cộng đồng.
Người đứng đầu Ban Pháp chế VCCI tin rằng, sớm có Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ giải quyết được những điểm nghẽn trong đầu tư theo hình thức PPP. Nhưng ông cũng khuyến cáo,doanh nghiệp nên cập nhật tiến trình xây dựng Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, bởi những vấn đề các nhà đầu tư nêu ra sẽ là căn cứ để nhóm soạn thảo phát hiện những bất cập để điều chỉnh.