Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý thí điểm GrabCar tại 5 tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa.
Đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” - GrabCar do Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam đề xuất, được Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng xem xét.
Theo mô hình thí điểm GrabCar, đối tác của GrabTaxi sẽ chỉ là những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải như các hãng taxi, hãng xe khách...
Danh sách các đơn vị vận tải sẽ được GrabTaxi cập nhật báo cáo thường xuyên với cơ quan quản lý Nhà nước. Việc chia sẻ thông tin minh bạch với các cơ quan Chính phủ cộng với quá trình thanh toán hoàn toàn diễn ra trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam giữa hành khách và đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải sẽ đảm bảo các đơn vị liên quan (cả GrabTaxi và đơn vị vận tải đối tác) thực thi đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Thông tin về trách nhiệm của đơn vị vận tải, trách nhiệm của GrabTaxi, và các điều kiện của hợp đồng vận tải đều được thể hiện đầy đủ trên ứng dụng và gửi đến thư điện tử của khách hàng.
Với Đề án thí điểm này, GrabTaxi đặt mục tiêu phát triển kết nối cho xe ô tô vận tải hành khách theo hợp đồng dưới 9 chỗ, nhằm đạt được thành công tương tự như với dòng dịch vụ kết nối cho xe taxi.
Việc thực hiện đề án thí điểm GrabCar sẽ giúp tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với ngành vận tải hành khách dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Đồng thời, đề án này tạo tiền đề cho việc triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cho ngành vận tải trong tương lai.
>Uber và hiện tượng "kinh tế chia sẻ"