Tạo nguồn lực từ sinh viên thực tập

TS. NGUYỄN TOÀN - Giám đốc Trung tâm Hợp tác và Việc làm sinh viên| 18/04/2017 05:01

Học kỳ doanh nghiệp là hình thức đào tạo hiệu quả, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp thông qua việc cho sinh viên tiếp cận thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Tạo nguồn lực từ sinh viên thực tập

Học kỳ doanh nghiệp là hình thức đào tạo hiệu quả, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp thông qua việc cho sinh viên tiếp cận thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Đọc E-paper

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa công bố: Trong quý II/2016, cả nước có 1,088 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, trong đó có 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên, 94.800 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp. Nguyên nhân do đâu?

Các cơ sở đào tạo (CSĐT) từ trung cấp đến đại học đều luôn khẳng định chất lượng đào tạo là mục tiêu hàng đầu. Nhưng chất lượng đào tạo là gì và làm sao để bảo đảm chất lượng đào tạo là câu hỏi không dễ trả lời.

Chất lượng đào tạo nói một cách đơn giản và dễ hiểu là học sinh - sinh viên tốt nghiệp từ các CSĐT được các cơ quan, tổ chức xã hội, doanh nghiệp tuyển dụng và họ hài lòng về kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc, tinh thần, thái độ cũng như các kỹ năng cần thiết khác trong quá trình lao động, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đơn vị và thăng tiến bản thân của các em.

Và nếu sinh viên tốt nghiệp không tham gia lao động tại các cơ quan, đơn vị hay doanh nghiệp thì cũng có khả năng tự tạo việc làm và phát triển công việc tốt trên cơ sở những gì các em được đào tạo.

Hầu hết các CSĐT đều thực hiện nghiêm túc chương trình đào tạo nhưng giữa CSĐT và nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động vẫn còn khoảng cách không dễ thu hẹp.

Năng lực của một người lao động là sự kết hợp giữa kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hiện một công việc và tinh thần, thái độ trong khi thực hiện công việc đó. Thiếu một trong ba thành tố này, người lao động không thể được gọi là có năng lực, nghĩa là lao động không có chất lượng.

Kiến thức và kỹ năng thiếu có thể bù rất nhanh, nhưng tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm trong công việc, quan hệ với đồng nghiệp, tinh thần hợp tác, chấp hành mệnh lệnh, thấu cảm văn hóa doanh nghiệp, học tập, thay đổi bản thân, khát vọng cống hiến và thăng tiến... đòi hỏi cả một quá trình, không thể "dạy" trên lớp.

Thái độ chính là kỹ năng giao tiếp trong phạm vi một hoạt động cụ thể và đó chính là kỹ năng mềm. Những thông tin liên quan đến lĩnh vực thái độ này có hàng trăm cuốn sách, hàng triệu trang web trình bày, vô cùng phong phú. Nhưng nếu đọc sách và truy cập web mà có được kỹ năng này thì số lượng thất nghiệp sẽ không còn con số hàng trăm ngàn mỗi năm.

>Quản trị viên tập sự: Ứng viên cấp cao tương lai

Bên cạnh những yêu cầu chung của hoạt động sản xuất, kinh doanh, mỗi doanh nghiệp đều có những chiến lược kinh doanh, bí quyết công nghệ và văn hóa riêng biệt.

Dù cho CSĐT có nỗ lực trang bị cơ sở vật chất, thiết bị chuyên ngành phong phú đến đâu cũng không thể thay thế được thực tiễn sinh động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Do vậy, cho người học tiếp cận thực tiễn sản xuất, kinh doanh là giải pháp tối ưu nhằm thực hiện mục tiêu rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người học trải nghiệm không chỉ hoạt động nghề nghiệp mà còn điều chỉnh bản thân, cảm nhận văn hóa doanh nghiệp, đối mặt với những thử thách khắc nghiệt trong nghề nghiệp và cả trong quan hệ, ứng xử, giải quyết vấn đề trong cuộc sống.

Nếu vì điều kiện và hoàn cảnh cá nhân, một sinh viên không thể vượt qua những thách thức nghề nghiệp thì vẫn còn có thời gian bổ sung khiếm khuyết, điều chỉnh ngành nghề hay thay đổi môi trường làm việc sao cho phù hợp với năng lực của bản thân.

Nhận thức khoảng cách này trong quá trình thực hiện sứ mạng của mình, lãnh đạo Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã phê duyệt kế hoạch và triển khai chương trình học kỳ doanh nghiệp. Nội dung cơ bản của học kỳ doanh nghiệp là phối hợp với doanh nghiệp đưa sinh viên tham gia chương trình học tập thông qua thực tiễn sản xuất, kinh doanh với tư cách một lao động thực sự.

Trong thời gian từ 2 tháng rưỡi đến 4 tháng (tùy tình hình của mỗi doanh nghiệp), các doanh nghiệp tiếp nhận, huấn luyện, phân công, theo dõi, giúp đỡ, kiểm tra, đánh giá sinh viên theo từng vị trí công việc.

Kết thúc học kỳ, lễ tổng kết được lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức gọn nhẹ, tình cảm nhưng nghiêm túc dưới sự chứng kiến của lãnh đạo nhà trường và khoa. Khi trao chứng chỉ tốt nghiệp học kỳ doanh nghiệp cho sinh viên cũng là lúc doanh nghiệp chính thức tuyên bố tuyển dụng ngay sinh viên vừa hoàn tất chương trình vì "sản phẩm" đó họ đã góp sức tạo ra.

Được biết, với những kết quả đạt được từ hoạt động hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, HUTECH đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn là trường đại học ngoài công lập đầu tiên tham gia dự án ERAMUS MUNDUS do châu Âu điều phối, trị giá 1,5 triệu euro, trong đó hoạt động hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo là một trong những nội dung cơ bản của dự án.

Học kỳ doanh nghiệp là hình thức đào tạo hiệu quả, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp thông qua việc cho sinh viên tiếp cận thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Cùng mục tiêu đưa kiến thức thực tiễn vào nhà trường, giải thưởng tài năng Lương Văn Can do báo Doanh nhân Sài Gòn tổ chức cũng tạo điều kiện để thí sinh dự thi được tham dự một "học kỳ doanh nghiệp" tại các doanh nghiệp.

>Châu Á: Nơi “tị nạn” thất nghiệp của người Âu, Mỹ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tạo nguồn lực từ sinh viên thực tập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO