Nghề lãnh đạo

NGUYỄN HỮU LONG| 30/06/2017 06:42

Nhiều người thường nhầm lẫn giữa quản lý và lãnh đạo.

Nghề lãnh đạo

Các nhà lãnh đạo xuất chúng không nhất thiết phải là những nhà quản lý xuất chúng. Thậm chí có khi họ không biết gì về quản lý, hoặc không đủ sức khỏe để quản lý.

Đọc E-paper

Có nhà lãnh đạo tàn tật, khiếm khuyết về thể chất, hay bị bệnh liệt giường nhưng vẫn lãnh đạo được cả một đất nước hay một tổ chức lớn. Trên thế giới từng có những nhà lãnh đạo như thế. Họ không phải là tướng giỏi ngoài mặt trận, chỉ huy ngàn quân đánh đông dẹp bắc. Họ cũng không là tráng sĩ tinh thông võ nghệ, cung kiếm song toàn. Tuy nhiên, họ lại thu hút và điều khiển được người tài, lãnh đạo được tướng giỏi, vạch đường chỉ lối cho binh hùng, tướng mạnh đi theo.

Biết quản lý là một lợi thế, nhưng quan trọng hơn đối với nhà lãnh đạo là nhân cách, tầm nhìn, cái tâm, uy tín và sức ảnh hưởng đối với người khác. Các nhà lãnh đạo như vậy sẽ không tìm kiếm những người có tài mà kém nhân cách để kế thừa sự nghiệp lãnh đạo của mình.

Họ tìm kiếm những người có tâm, có nhân cách để định hướng, bồi dưỡng, đào tạo, ươm vào đó các tố chất lãnh đạo khác. Và những người kế thừa nhà lãnh đạo cũng thường không nổi bật vì họ hoạt động thầm lặng, không phô diễn. Chỉ khi nào đến thời điểm thích hợp và tố chất chín muồi họ sẽ xuất hiện để thay thế người lãnh đạo tiền nhiệm.

>>4 bước xây dựng đội ngũ kế thừa

Nhiều người thường nhầm lẫn giữa quản lý và lãnh đạo. Nhà quản lý tài ba có thể không cần phải có mặt mà hệ thống vẫn chạy tốt (nếu họ biết cách xây dựng hệ thống). Nhà quản lý chuyên nghiệp có thể an tâm đi đánh golf hay nghỉ dưỡng cả tháng mà bộ phận do họ phụ trách vẫn không có vấn đề gì. Đó là vì họ biết cách ủy quyền, phân quyền, thiết lập cơ chế, quy trình, hệ thống quản lý...

Nhưng một nhà lãnh đạo có tâm sẽ luôn vất vả và cô đơn. Vất vả là vì họ không ngớt suy nghĩ về vận mệnh của tổ chức cũng như lo lắng tìm kiếm, bồi dưỡng những nhà lãnh đạo kế thừa (việc này không dễ, vì người tài thì nhiều nhưng người có tâm lại quá hiếm). Cô đơn là vì không mấy ai hiểu được họ đang nghĩ gì, lo lắng gì...

Tôi cũng từng trách móc những ông chủ lớn vì sao không nghỉ ngơi cho khỏe mà cứ lo lắng, bận rộn hoài. Câu hỏi thậm chí trở thành nỗi bức xúc cho đến khi tôi tìm ra câu trả lời: ông chủ vẫn phải bận rộn và lo lắng vì đang trong quá trình tìm kiếm và bồi dưỡng những người kế thừa có tâm. Giao doanh nghiệp mà mình dày công vun đắp cho người không có tâm thì khác nào giết chết nó?

>>Đội ngũ kế thừa: Chọn trí tuệ hay kinh nghiệm?

Nhiều CEO làm thuê bức xúc chuyện không được trao trọn quyền hành. Các giám đốc chức năng thuê ngoài cũng thường có chung tâm trạng. Nhưng người chủ xem doanh nghiệp như con đẻ của mình, họ nuôi nấng, bảo bọc đứa con từ bé cho đến ngày khôn lớn, họ không thể giao nó cho người khác khi chưa có đủ sự tin tưởng.

Các CEO vẫn đến rồi đi. Vui thì họ ở lại làm, chỉ một chút "tâm tư” là họ có thể bỏ việc, đi tìm vùng đất mới. Tôi cũng từng là CEO làm thuê và cũng từng có tâm trạng như vậy. Vì nhiều lý do khác nhau, giữa CEO và chủ doanh nghiệp không có cùng quan điểm hay tiếng nói chung, thế là CEO tự ái cho rằng mình không được tôn trọng. Chỉ sau một cuộc họp hay một cuộc trao đổi ngắn gọn, nhiều CEO dễ dàng dứt áo ra đi. Chỉ người chủ doanh nghiệp kiểu gì cũng phải ở lại. Đơn giản, đối với họ, doanh nghiệp là máu thịt, không dễ dàng dứt bỏ.

Vậy nên, ai chưa từng làm chủ doanh nghiệp thì khó có thể hiểu được điều này. Đôi khi chính các CEO cũng nhầm lẫn giữa vai trò lãnh đạo và quản lý. Một nhà lãnh đạo chân chính thường rất vất vả và cô đơn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghề lãnh đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO