Golden Gate và cuộc "hôn nhân" với Standard Charter

ĐỨC SƠN - Giám đốc Chiến lược thương hiệu Richard Moore Associates| 14/10/2014 03:28

M&A (mua bán và sáp nhập) là một trong những con đường nhanh nhất đối với các thương hiệu nước ngoài khi muốn xâm nhập một thị trường địa phương.

Golden Gate và cuộc

M&A (mua bán và sáp nhập) là một trong những con đường nhanh nhất đối với các thương hiệu nước ngoài khi muốn xâm nhập một thị trường địa phương.

Đọc E-paper

Việc Standard Charter bỏ ra khoản tiền 35 triệu USD đầu tư vào thương hiệu chuỗi nhà hàng của Golden Gate không nằm ngoài xu thế này. Trước đó đã có nhiều thương vụ khá đình đám như Tập đoàn SCG (Thái Lan) mua Prime, Unicharm (Nhật Bản) mua Diana, Jollibee (Philippines) mua Highlands hay Masan mua Vinacafé.

Câu hỏi đặt ra cho bất cứ thương vụ M&A nào là người mua có lợi gì, người bị thôn tính (đúng hơn là được) nhận được gì và khách hàng được hưởng thêm lợi ích gì. SCG cũng là đại gia trong ngành vật liệu xây dựng tại Thái Lan.

Việc họ thôn tính gạch Prime sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thương hiệu này về kinh nghiệm quản lý, quy trình xây dựng thương hiệu có tính hệ thống và nhất là uy tín của thương hiệu mẹ SCG mang lại cho Prime là khá lớn. Uy tín thương hiệu lớn quốc tế là vô giá, giúp nâng tầm thương hiệu địa phương.

Điều tương tự đã xảy ra với các thương vụ M&A kể trên. Hình ảnh thương hiệu của Vinacafé khác hẳn sau khi thuộc về Masan. Sản phẩm vẫn vậy nhưng Vinacafé gần đây đã mang một diện mạo mới trên thị trường: chuyên nghiệp hơn và giàu cảm xúc hơn. Đó là nhờ cách thức xây dựng thương hiệu bài bản của đội ngũ quản lý mới mang lại.

Câu chuyện Standard Charter đầu tư lớn vào Golden Gate hơi khác một chút. Cái lợi rõ nhất của Golden Gate là có thêm nguồn lực tài chính vững mạnh để củng cố, phát triển hệ thống các thương hiệu nhà hàng vốn đã gây ấn tượng khá tốt: Kichi Kichi, Ashima, Sumo Barbecue hay Vuvuzela.

Nhưng ảnh hưởng về giá trị hình ảnh thương hiệu của Standard Charter đối với các thương hiệu con của Golden Gate có thể sẽ không mạnh bằng các trường hợp kể trên. Có thể vì các lý do sau:

- Lĩnh vực ngành nghề của Standard Charter không liên quan đến kinh doanh nhà hàng. Golden Gate không thừa hưởng được gì nhiều về kinh nghiệm quản lý và uy tín thương hiệu từ ngân hàng khá lớn này của Anh.

Câu chuyện có thể khác nếu Golden Gate hoạt động trong lĩnh vực... bóng đá (vì Standard Charter là nhà tài trợ lâu năm của đội bóng Liverpool vốn khá quen thuộc tại Việt Nam).

- Bản thân nội tại cách thức quản lý các thương hiệu nhà hàng hiện nay của Golden Gate cũng theo mô hình "free standing" (thương hiệu con chiến đấu độc lập với thương hiệu mẹ).

Những Vuvuzela, Kichi Kichi hay Sumo Barbecue chẳng hấp dẫn hơn là bao đối với khách hàng khi khoác thêm cái logo của Standard Charter. Bởi theo mô hình quản trị thương hiệu như hiện tại, can thiệp và ảnh hưởng của thương hiệu mẹ đối với các thương hiệu con là không nhiều.

Dù sao cũng là điều đáng mừng cho Golden Gate khi có sự tham gia mang màu sắc quốc tế từ một thương hiệu quốc tế. Họ đã làm tốt vấn đề thương hiệu. Khi "kết hôn" với một thương hiệu lớn, sẽ có nhiều cách để tối ưu hóa giá trị vô hình của thương hiệu này. Vấn đề là làm thế nào để chọn cách phù hợp nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Golden Gate và cuộc "hôn nhân" với Standard Charter
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO