Chuẩn bị cuộc sống khi về hưu

HOÀNG MY| 12/10/2018 00:28

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia có số người vẫn phải làm việc trong độ tuổi nghỉ hưu khá cao.

Chuẩn bị cuộc sống khi về hưu

Thiết bị hỗ trợ chăm sóc cho người già tại một triển lãm y tế ở TP.HCM - Ảnh: Tuyết Ân

Việt Nam vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với hơn 10 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Với tốc độ già hóa dân số cao hàng đầu thế giới, dự báo đến năm 2030, số người cao tuổi sẽ chiếm 17% dân số, là thách thức cho việc ổn định an sinh xã hội và quản lý cuộc sống của từng cá nhân.

Báo cáo toàn cầu về tương lai hưu trí của HSBC vừa công bố tuần rồi cho thấy chỉ có 26% số người trong độ tuổi lao động thường xuyên tiết kiệm cho tuổi hưu; 43% chỉ trang trải đủ chi tiêu hằng ngày; 58% cho biết sẽ tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu. Đặc biệt, 51% phụ nữ trong độ tuổi lao động lo lắng sẽ không đủ khả năng chi trả các chi phí cơ bản trong cuộc sống khi đã nghỉ hưu.

Ông Sabbir Ahmed - Giám đốc Khối Quản lý tài sản HSBC Việt Nam nhận định: "Rất khó khăn để mỗi người dân vừa đáp ứng nhu cầu hiện tại, vừa phải đảm bảo cho tương lai. Tuy nhiên, để yên tâm về cuộc sống khi đã về hưu, họ phải dự tính được những chi phí cho tuổi già và xây dựng kế hoạch cho thời gian đó”.

Link bài viết

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia có số người vẫn phải làm việc trong độ tuổi nghỉ hưu khá cao. Có đến 40% số người trong độ tuổi 70 - 74 vẫn đang làm việc dưới hình thức nào đó. Khoảng 70% số người cao niên đang làm việc tại các đô thị ở những ngành không chính thống như bán hàng ngoài chợ, tài xế taxi, thu nhặt rác hay bán hàng rong... Đây là những công việc nặng nhọc nhưng thu nhập rất thấp, khiến họ ít có cơ hội tiết kiệm tiền cho tuổi già.

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam là quốc gia già hóa nhanh nhất trên thế giới khi năm 2000 mới có khoảng 1,7 triệu người lần đầu tham gia đội ngũ lao động và 500.000 người bắt đầu nghỉ hưu. Tuy nhiên, năm 2017, con số tương ứng là 1,3 triệu lao động mới và có đến 1 triệu người nghỉ hưu. Dự kiến đến năm 2035, con số tương ứng sẽ là 1,5 triệu lao động và 1,3 triệu người về hưu.

"Đây là thách thức lớn trong việc xây dựng chính sách an sinh toàn xã hội, kế hoạch nhân lực trong từng tổ chức, doanh nghiệp và kế hoạch tài chính của từng cá nhân là điều rất quan trọng", WB khuyến cáo. Dưới áp lực của dân số già hóa nhanh và giảm quỹ phúc lợi xã hội, Việt Nam đang có kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 để giảm thiểu tác động kinh tế. Điều này sẽ giúp người cao tuổi có nhiều tiền hơn cho giai đoạn hưu trí, tuy nhiên có thể dẫn đến việc những người trẻ tuổi có trình độ cao không thể tìm được việc làm.

Theo Sabbir Ahmed, có đến 46% phụ nữ trong độ tuổi lao động vẫn chưa biết nên dành bao nhiêu tiền cho giai đoạn nghỉ hưu, cũng như không biết nên bắt đầu tiết kiệm như thế nào. Trong khi tỷ lệ này ở nam giới chỉ 37%. 43% người trong độ tuổi lao động đang sống với khả năng tài chính "ngày qua ngày", trong khi 42% chỉ tiết kiệm cho các mục tiêu ngắn hạn.

Khi được hỏi đến số tiền cần thiết cho giai đoạn nghỉ hưu thì chỉ 50% số người đang trong độ tuổi lao động biết được một số loại chi phí điển hình trong gia đình. Ít người biết sẽ phải trả bao nhiêu cho các loại chi phí khác như chăm sóc xã hội tại nhà (42%), hoặc các chi phí ăn ở được hỗ trợ (39%).

51% phụ nữ trong độ tuổi lao động trên toàn thế giới lo sợ có thể không đủ khả năng trang trải những chi phí cơ bản như thực phẩm và nhiên liệu sưởi ấm trong giai đoạn nghỉ hưu. 60% lo lắng không thể chi trả chi phí chăm sóc y tế khi nghỉ hưu so với 55% nam giới trong độ tuổi tương tự. Khảo sát cho thấy có đến 51% nam giới kiểm soát tiền tiết kiệm trong gia đình, trong khi ở phụ nữ chỉ 42%.

"Điều này làm giảm sự tự tin của phụ nữ về kiến thức tài chính của bản thân. Chỉ 42% trong số họ được trang bị đầy đủ về các vấn đề tài chính so với 54% nam giới, và chỉ 27% cho rằng họ có kiến thức tài chính cao hơn bạn đời, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 49%", khảo sát cho biết.

Các chuyên gia đưa ra một số "mẹo" cần thiết để người lao động chuẩn bị cho cuộc sống sau khi về hưu như:
Xem xét lại việc bạn nghĩ về giai đoạn nghỉ hưu. Bản thân sẽ rất dễ trì hoãn việc lên kế hoạch khi nghỉ hưu, do đó xem lại cách nhìn nhận về nghỉ hưu như thế nào là rất quan trọng. Hãy nghĩ về giai đoạn đó như một cơ hội để theo đuổi niềm đam mê và chắc chắn tận dụng tối đa thời kỳ đó với kế hoạch được cẩn thận lập ra từ sớm.

Hình dung về giai đoạn nghỉ hưu. Hãy suy nghĩ mình muốn hình thức hưu trí nào: muốn đi du lịch, chuyển nhà hoặc thậm chí bắt đầu lập nghiệp? Hãy vẽ ra cho bản thân một bức tranh về tuổi hưu để có kế hoạch hiệu quả hơn.
Hỏi ý kiến chuyên gia. Không ai có thể là chuyên gia về tiết kiệm và đầu tư nên có thể sử dụng những dịch vụ tư vấn trực tuyến miễn phí, hoặc tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia tài chính để hoạch định chi phí khi nghỉ hưu, điều này giúp tìm ra phương pháp phù hợp.

Quản lý tài chính của bản thân vẫn chưa đủ, mà phải lập kế hoạch về nguồn tiết kiệm và thiết lập ngân sách để giúp xác định những thay đổi có thể thực hiện cắt giảm chi phí phù hợp và trực tiếp tiết kiệm cho tương lai cá nhân. Thậm chí nếu dự định nhận trợ giúp từ gia đình hoặc con cái trong thời gian nghỉ hưu, cũng phải trò chuyện sớm về các hình thức hỗ trợ và thời điểm sẽ giúp kiểm soát kỳ vọng và đảm bảo quá trình nghỉ hưu suôn sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuẩn bị cuộc sống khi về hưu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO