7 vấn đề cần xem xét khi cơ hội mới gõ cửa

LÂM NGHI| 24/12/2014 06:23

Các dự án và kế hoạch kinh doanh thường xuyên mở ra những cơ hội bất ngờ. Làm sao có thể quyết định nên nắm lấy hay để cơ hội đó trôi đi. Hãy bắt đầu bằng việc hỏi bản thân những câu hỏi sau đây.

7 vấn đề cần xem xét khi cơ hội mới gõ cửa

Các dự án và kế hoạch kinh doanh thường xuyên mở ra những cơ hội bất ngờ. Làm sao doanh nhân có thể biết nên nắm lấy hay để cơ hội đó trôi đi?

Theo Minda Zetlin, cộng tác viên thường xuyên của tạp chí INC, các doanh nhân có thể dùng các câu hỏi sau để phân tích cơ hội kinh doanh mới:

1/ Cơ hội này mang đến lợi nhuận thế nào?

Điều đầu tiên doanh nhân cần quan tâm vẫn là lợi nhuận. Để xác định điều này, doanh nhân cần trả lời các câu hỏi: Ngoài những lợi ích cơ bản, cơ hội này còn mang đến điều gì tốt hơn nữa? Cơ hội này có diễn ra vào thời điểm bạn đang ổn định trong kinh doanh không? Liệu cơ hội này có đưa bạn đến thị trường mới hay một đối tác lớn không?

Nếu bạn trả lời "có" cho tất cả những câu này thì đây có thể là một cơ hội tốt.

2. Kết quả tốt nhất mà cơ hội này có thể mang đến là gì?

Minda Zetlin là phóng viên, diễn giả chuyên mảng kinh doanh công nghệ.

Bà là đồng tác giả quyển The Geek Gap và chủ tịch sáng lập Hiệp hội Nhà báo và Nhà văn Mỹ.

Thời điểm cơ hội xuất hiện, mọi thứ do đối phương trình bày đều mang nhiều hứa hẹn. Song bạn đừng vội ra quyết định ngay, mà cần tỉnh táo suy xét để có thể xác định bao nhiêu phần trăm những mong đợi đó sẽ trở thành hiện thực.

Bạn cần cân nhắc cơ hội này đặt trong bối cảnh có những yếu tố khách quan tác động. Nếu kết quả không hẳn là điều bạn muốn thì bạn không nhất thiết phải đánh đổi tất cả để giành lấy cơ hội này.

3. Mặt trái của cơ hội này là gì?

Mọi cơ hội đến đều đi kèm những nguy cơ tiềm ẩn, vậy thì nguy cơ trong cơ hội lần này là gì? Liệu nó có đặt bạn dưới áp lực thời gian không? Bạn có phải điều chỉnh gì trong sản phẩm dịch vụ đang cung cấp không? Liệu bạn có phải làm việc với những cá nhân có tính cách khó chịu hay những khách hàng mà chính bản thân họ cũng không rõ mình muốn gì không?

Chỉ cần hai trong số những câu hỏi trên xuất hiện câu trả lời "có" thì bạn hãy suy nghĩ lại.

4. Điều tệ nhất cơ hội này gây ra là gì?

Mọi rủi ro đều đi kèm với cơ hội, nhưng có những cơ hội mang đến rủi ro cao hơn những cái khác.

Cơ hội này có đòi hỏi bạn phải ứng trước lượng tiền mặt lớn, hoặc đề nghị đầu tư tài chính dài hạn, hoặc mở rộng phạm vi quy mô doanh nghiệp theo hướng bạn không cần thiết không?

Nếu câu trả lời là "có" thì bạn nên cân nhắc những thứ sẽ bị mất trong trường hợp kế hoạch không đi đúng như dự tính.

5. Nguồn lực hiện tại có bị phân chia nhiều không?

Nếu đón nhận cơ hội này đồng nghĩa với việc phân tán nguồn lực và bạn sẽ không đủ khả năng để phục vụ nhóm khách hàng hiện tại thì bạn nên xem xét bỏ qua. Rủi ro sẽ càng lớn hơn nếu cơ hội này buộc bạn phải ngưng phục vụ nhóm khách hàng hiện tại. Vì điều này liên quan đến cam kết chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp bạn.

Thị trường chung đủ nhỏ để những lời than phiền của khách hàng cũ có thể đến tai khách hàng mới và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của doanh nghiệp.

6. Chi phí cơ hội có tương xứng không?

Vấn đề tiếp theo cần cân nhắc chính là chi phí cơ hội. Bạn cũng cần cân nhắc cả thời gian dành cho gia đình, khai thác thị trường mới hoặc thực hiện các chiến lược kinh doanh khác nếu bạn tiếp nhận cơ hội mới và thực hiện nó song song.

7. Cơ hội này gắn thế nào với mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp?

Đây là câu hỏi quan trọng hơn tất cả. Bạn có một sứ mệnh, một tầm nhìn và vài mục tiêu để theo đuổi trong nhiều năm sau nữa.

Vậy thì cơ hội mới bất ngờ xuất hiện này sẽ bổ trợ thế nào để bạn đạt được mục tiêu đó? Liệu nó giúp ích cho một hay nhiều mục tiêu? Nếu câu trả lời là không tạo ra tác động hỗ trợ gì thì bạn nên bỏ qua nó.

Nếu bạn không có một mục tiêu và chiến lược cụ thể thì hãy ngừng suy nghĩ mà quay trở lại để xác lập điều đó trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
7 vấn đề cần xem xét khi cơ hội mới gõ cửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO