Quá nhiều “nút thắt”
Chia sẻ tại tọa đàm “Gỡ nút thắt nhà ở xã hội cho công nhân” do Bộ Xây dựng phối hợp với Đài truyền hình kỹ thuật số VTC tổ chức ngày 19/4, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, đến nay cả nước đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội với quy mô 147.000 căn hộ (khoảng 7,35 triệu m2 sàn). Việc phát triển nhà ở xã hội đã giúp hàng trăm ngàn gia đình có điều kiện an cư nhưng thực tế vẫn chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân là do DN thiếu quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, thiếu nguồn vốn ưu đãi và cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa đủ mạnh...
Theo các hiệp hội và DN, về nguồn vốn, gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại từ 2013-2016 đã hoàn thành việc giải ngân gần 100%. Vì thế, sang giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn này không còn. Trong khi đó ngân hàng chính sách xã hội chỉ được phân bổ 27% ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội, còn các ngân hàng thương mại lại không được phân bổ gói vốn này, dẫn đến việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân gặp trở ngại thiếu vốn.
Điều đáng nói là trong khi DN chưa làm xong các dự án nhà ở xã hội thì gói vay đã hết thời hạn, người dân không còn được vay nên DN làm xong nhà ở xã hội bán không ai mua. Khó khăn hơn là khi phát triển nhà ở xã hội, DN không chủ động được dòng tiền và đối tượng mua nhà ở xã hội, còn giá bán lại do nhà nước quyết định.
Về quỹ đất, ông Luyện Văn Phương - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Hà Nội nhận xét, dù đã có quy định là 20% quỹ đất thuộc các dự án nhà ở thương mại phải để dành phát triển nhà ở xã hội (riêng tại Hà Nội, tỷ lệ này là 25%), song hầu như trên thực tế đều không đạt.
Không chỉ vậy, các thủ tục xây dựng cũng khiến DN gặp không ít khó khăn. Ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành phàn nàn rằng công ty ông mất đến 5 năm mới có thể hoàn thành thủ tục cho dự án nhà ở xã hội chỉ vì công ty phát triển trên quỹ đất của mình và nguồn tiền tự xoay xở. Trong khi đó, lợi nhuận của nhà ở xã hội tối đa theo quy định là 10%, thấp hơn rất nhiều so với lợi nhuận của các dự án nhà ở thương mại. Nếu chia ra mỗi năm lợi nhuận chỉ 2%, thấp hơn cả lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Đây chính là lý do khiến nhiều DN “ngại” phát triển nhà ở xã hội.
Cũng theo ông Lê Hữu Nghĩa, hiện nay thủ tục xây dựng dự án nhà ở xã hội còn vướng bởi các luật còn "vênh nhau". Ví dụ, về thuế, Luật Nhà ở, Nghị định 100 và Nghị định 49 quy định, DN làm nhà ở xã hội được giảm 70% thuế giá trị gia tăng nhưng trong Luật Thuế chưa có quy định!
Trong tháng 4/2022, có hơn 1.300 căn hộ nhà ở xã hội sẽ được khởi công |
Cần “cú hích” từ chính sách và nguồn lực
Ông Hà Quang Hưng - Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) nêu ý kiến: Để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Nhà nước cần sửa đổi và đồng bộ hệ thống pháp luật, từ luật nhà ở, luật thuế, luật kinh doanh. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần đẩy mạnh quy trình làm việc với chính quyền địa phương, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện hai gói hỗ trợ (theo Nghị quyết 11/NQ-CP), kiểm tra chặt chẽ việc dành ra 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, đồng thời, tiến hành rà soát lại các dự án nhà ở thương mại hiện tại để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lại cho rằng, để thu hút DN tham gia phát triển loại hình này, cần giải quyết các vấn đề về thời gian, thủ tục, nguồn vốn cũng như hoạt động phân phối. Các thủ tục, quy trình cần được xử lý nhanh gọn hơn giúp DN tiếp cận nguồn đất một cách dễ dàng. Ngoài ra, các vấn đề về thuế cần thuận lợi hơn để các DN tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân sớm hoàn thành dự án và thu hồi vốn nhanh hơn.
Với TP.HCM, ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng và các bộ, ngành cần tạo điều kiện để TP.HCM và DN TP tiếp cận nguồn vốn phát triển nhà từ Nghị quyết 11, trong đó có việc rút ngắn các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, DN TP.HCM cần được hỗ trợ vốn vay kích cầu với thời hạn trên 10 năm, đồng thời được bố trí nguồn vốn để xây dựng hạ tầng tại các khu nhà đã xây dựng xong…
Để tháo gỡ khó khăn cho DN, có rất nhiều việc TP.HCM phải làm. Cụ thể, trong thời gian tới, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ tiếp tục rà soát quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý ở các khu công nghiệp để sắp xếp, điều chỉnh lại quy hoạch. Bởi, trước đây, đất nằm trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao không quy hoạch chức năng ở, dẫn đến không thể xây dựng nhà ở.
Sở Xây dựng TPH.CM đề xuất TP nên tập trung rà soát các dự án thương mại để yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện dành 20% quỹ đất cho việc xây dựng nhà ở xã hội. Hiện, trên địa bàn TP.HCM đang có 34 dự án, nếu dành 20% quỹ đất từ các dự án này thì ước tính sẽ có trên 70.000 căn nhà ở xã hội…
Trong giai đoạn 2021-2025, cả nước cần hơn 290.000 căn nhà ở xã hội với tổng vốn đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng. Tại TP.HCM, theo Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 được chính quyền phê duyệt tại Quyết định 4151/QĐ-UBND ngày 9/12/2021, dự kiến phát triển 483.947 căn, tương ứng với 50,6 triệu m² sàn, trong đó chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội là 2,5 triệu m2 sàn, tương ứng 35.714 căn, trong đó diện tích sàn nhà ở xã hội cho thuê phấn đấu đạt tối thiểu 500.000 m2 sàn. Theo ông Trần Hoàng Quân, cuối tháng 4/2022 sẽ khởi công xây dựng 1.300 căn. Trong đó, dự án nhà lưu trú công nhân Khu chế xuất Linh Trung 2 (TP.Thủ Đức) có 360 căn hộ, dự án chung cư nhà ở xã hội tại phường Long Trường (TP.Thủ Đức) có 726 căn và dự án nhà ở xã hội thuộc khu nhà Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh) có 242 căn. |