Giới đầu tư quốc tế ngày một e ngại thị trường Trung Quốc

Lê Phan| 10/08/2022 01:37

Những vụ lừa đảo tại các ngân hàng nông thôn đã khiến niềm tin của người gửi tiền vào các ngân hàng nội địa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến nhà đầu tư quốc tế ngày càng e ngại vào thị trường tài chính Trung Quốc.

Giới đầu tư quốc tế ngày một e ngại thị trường Trung Quốc

Trung Quốc không còn đặt nặng mục tiêu tăng trưởng

Dòng vốn vào suy giảm

Theo số liệu cập nhật của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), các thị trường mới nổi đã ghi nhận dòng vốn rút ròng 10,5 tỷ USD trong tháng 7 vừa qua, đánh dấu tháng thứ 5 rút ròng liên tiếp với tổng giá trị hơn 38 tỷ USD. Đây cũng là chuỗi tháng bán tháo dài nhất kể từ năm 2005, do nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát và đồng USD mạnh đã rút bớt dòng tiền mặt ra khỏi thị trường.

Trong khi đó, dòng vốn vào thị trường Trung Quốc không những không có sự bứt phá mà còn yếu đi trong tháng 7, khi chỉ còn vào ròng 4,2 tỷ USD, giảm 39% so với tháng trước. Sự bùng phát của Omicron và việc tiếp tục một loạt biện pháp giãn cách là yếu tố gây trở ngại đến dòng vốn và kỳ vọng sẽ không có thay đổi lớn nào liên quan đến chính sách Zero Covid cho đến sau Đại hội Đảng vào mùa Thu năm nay.

Chỉ số chứng khoán CSI 300 của Trung Quốc cũng đã giảm 7% trong tháng 7/2022, khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại Trung Quốc, khủng hoảng thị trường bất động sản và rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu đè nặng lên thị trường. Dữ liệu cũng cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong quý II/2022, không đạt như kỳ vọng của thị trường với mức tăng chỉ 0,4% so với một năm trước đó.

IIF cho biết, trong những tháng tới, một số yếu tố sẽ ảnh hưởng đến động lực của dòng tiền, trong đó thời điểm lạm phát đạt đỉnh và triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc sẽ được chú trọng hơn cả. Số liệu cũng cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã giảm dần lượng trái phiếu Trung Quốc mà họ nắm giữ kể từ tháng 2 năm nay, do các chính sách tiền tệ khác nhau khiến lợi suất của trái phiếu Trung Quốc thấp hơn so với trái phiếu chính phủ Mỹ, trong khi rủi ro của kinh tế Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức, chính phủ Trung Quốc gần đây đã phát đi tín hiệu sẽ tập trung vào việc duy trì sự ổn định của nền kinh tế thay vì cố gắng theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 5,5% đã đề ra trước đó. Với việc bỏ qua mục tiêu tăng trưởng, trong nửa cuối năm 2022, chính phủ Trung Quốc được dự báo sẽ tập trung chủ yếu vào việc ổn định nền kinh tế, từ tỷ lệ việc làm, giá cả cho tới thị trường bất động sản.

Đối với lĩnh vực bất động sản, Bộ Chính trị Trung Quốc đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải ổn định thị trường bất động sản, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thế chấp vẫn chưa được giải quyết. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) được cho là đang lên kế hoạch huy động nguồn tín dụng trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ (148 tỷ USD) để hỗ trợ các dự án bán nhà đang bị đình trệ.

-8515-1660099648.jpg

Rủi ro của hệ thống tài chính

Dường như đây là giải pháp mà giới hoạch định chính sách buộc phải thực thi, khi các báo cáo gần đây cho thấy những bất ổn kinh tế - xã hội tại Trung Quốc đang tăng lên. Mới đây, người mua nhà đồng loạt từ chối thanh toán khoản vay thế chấp vì các dự án nhà ở bị bàn giao chậm. Theo ước tính của S&P Global Ratings, trong trường hợp tồi tệ nhất, khoảng 2,4 nghìn tỷ nhân dân tệ ( 356 tỷ USD) - tương đương 6,4% các khoản vay thế chấp - có nguy cơ bị mất. Còn Deutsche Bank cảnh báo ít nhất 7% khoản vay mua nhà đang trong tình trạng nguy cấp.

Đến nay, các ngân hàng niêm yết tại Trung Quốc chỉ báo cáo khoảng 2,1 tỷ nhân dân tệ các khoản vay thế chấp quá hạn đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các cuộc tẩy chay của người mua nhà. Trong khi đó, các khoản nợ xấu tại ngân hàng Trung Quốc - vốn đã lên tới 2,9 nghìn tỷ nhân dân tệ vào thời điểm cuối tháng 3 - có thể đạt kỷ lục mới và gây căng thẳng hơn nữa cho một nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.

Ngoài ra, tổng nợ trên GDP của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng lên mức kỷ lục mới trong năm nay, khiến người tiêu dùng cũng hạn chế tiêu dùng bằng thẻ tín dụng hơn. S&P Global cũng dự báo doanh số bán nhà có thể giảm tới 33% trong năm nay, khi cuộc khủng hoảng nợ vay thế chấp tiếp tục, qua đó siết chặt thanh khoản của các chủ đầu tư đang gặp khó khăn và dẫn đến nhiều vụ vỡ nợ hơn. Khoảng 28 trong số 100 nhà phát triển bất động sản hàng đầu đã không trả được nợ trái phiếu hoặc thương lượng gia hạn nợ với các chủ nợ trong năm qua, theo Teneo.

Nhưng đó không phải vấn đề duy nhất đối với hệ thống ngân hàng trị giá 56 nghìn tỷ USD của đất nước 1,4 tỷ dân. Những vụ lừa đảo tại các ngân hàng nông thôn đã khiến niềm tin của người gửi tiền vào các ngân hàng nội địa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến các nhà đầu tư quốc tế cũng ngày càng e ngại vào thị trường tài chính Trung Quốc. Lợi nhuận của ngành ngân hàng nước này cũng có nguy cơ suy giảm, sau khi ghi nhận mức tăng tưởng lợi nhuận nhanh nhất trong gần một thập kỷ vào năm ngoái. 

Trước đó, vào tháng 5, một vụ lừa đảo ngân hàng trị giá hàng tỷ USD đã kích hoạt làn sóng biểu tình của hàng trăm người gửi tiền. Bê bối phơi bày những lỗ hổng trong hệ thống ngân hàng nông thôn của Trung Quốc. Các cơ quan điều tra kết luận Henan Xincaifu Group Investment Holding Co. - cổ đông chính của 5 ngân hàng nông thôn của Trung Quốc - đã thông đồng với các nhân viên để lấy khoảng 40 tỷ nhân dân tệ (tương đương 5,9 tỷ USD) tiền gửi và đầu tư của khách hàng.

Các nhà chức trách cho biết, nhóm đối tượng đã sử dụng những nền tảng trực tuyến nhằm thu hút tiền gửi, sau đó ngụy tạo các khoản vay để chuyển tiền. Vụ việc đã khiến niềm tin vào các ngân hàng địa phương của Trung Quốc suy yếu nghiêm trọng. 3.800 nhà băng này đóng vai trò quan trọng trong việc cấp vốn cho nền kinh tế nông thôn đang phát triển nhanh của đất nước. Mới đây, PBoC liệt gần 300 ngân hàng địa phương vào nhóm rủi ro cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giới đầu tư quốc tế ngày một e ngại thị trường Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO