GS Võ Tòng Xuân - người có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nông nghiệp và thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản |
Quyết định này được đưa ra trong "Thông báo về việc Trao tặng Huân Chương cho Người nước ngoài đợt Mùa Xuân năm Reiwa Thứ Ba (2021)", theo Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM.
Đồng thời, Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Nhật Bản - Motegi Toshimitsu - cũng đã có thư Chúc mừng gửi đến Giáo sư Võ Tòng Xuân, nhấn mạnh vai trò của ông trong việc thúc đẩy sự giao lưu về học thuật và hiểu biết giữa Nhật Bản và Việt Nam. Lễ Trao tặng Huân chương hiện đang được thu xếp và sẽ được thông báo sau, do diễn biến của Covid-19.
Giáo sư Võ Tòng Xuân (sinh năm 1940, tại thành phố Long Xuyên), trở thành du học sinh Nhật Bản vào năm 1974 khi làm đề tài nghiên cứu liên quan đến kỹ thuật trồng lúa tại vùng nhiệt đới và đã hoàn thành chương trình Tiến sĩ Nông học tại Trường Đại học Kyushu hơn một năm sau đó. Trở về nước, ông công tác tại Trường Đại học Cần Thơ và đã cùng với các nhà nghiên cứu Nhật Bản tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu liên quan đến kỹ thuật trồng lúa và công bố nhiều bài báo khoa học phổ biến kỹ thuật và chính sách nông nghiệp trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Sau đó, với tư cách là Người tiên phong trong việc giao lưu học thuật giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực Nông học, ông là người xây dựng nền móng đầu tiên cho các mối quan hệ hợp tác giữa hai nước và đã phát huy hết sức trong vai trò này. Năm 1997, với tư cách là nghiên cứu viên và giảng viên thỉnh giảng của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á trường Đại học Kyoto, ông đã đến Nhật một năm và đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến mô hình Hợp tác xã Nông nghiệp của Nhật, cũng như làm đầu mối thu xếp cho các chương trình tham quan học tập tại Nhật Bản dành cho đối tượng là nông dân và các nhà xây dựng chính sách của Việt Nam.
Trong suốt quãng thời gian công tác chuyên môn, dựa trên những thành quả nghiên cứu tại Trường Đại học Kyoto, ông đã có nhiều bài giới thiệu về chính sách nông nghiệp, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản, kỹ thuật nông nghiệp của Nhật Bản tại các hội thảo ở Việt Nam.
Huân chương Mặt trời mọc Tia sáng vàng và Ruy băng cổ của Chính phủ Nhật Bản |
Thêm vào đó, với tư cách là trí thức về nông học, ông còn có nhiều cống hiến cho việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Nông nghiệp giữa Nhật Bản và Việt Nam thông qua các chương trình Hợp tác ODA của Nhật. Điển hình là chương trình Hợp tác đầu tiên của Nhật về Đào tạo kỹ thuật nông nghiệp thông qua Dự án Hợp tác với Khoa Nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ (giai đoạn 1970-1975), đã có sự tham gia của GS Võ Tòng Xuân.
Ngoài ra, khuôn khổ hợp tác ba bên lần đầu tiên của Nhật Bản tại Châu Phi trong chương trình Liên minh Phát triển Lúa gạo Châu Phi được JICA khởi xướng, GS Võ Tòng Xuân với vai trò là chuyên gia về lúa của Việt Nam đã cố vấn và có nhiều cống hiến trong Dự án Cải thiện kỹ thuật nâng cao năng suất lúa tại khu vực Nante, tỉnh Zambezia, Mozambique (giai đoạn 2011-2015).
Vào năm 2019, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã trao Bằng khen của Bộ Ngoại giao Nhật Bản đến GS Võ Tòng Xuân vì "những nỗ lực trong việc thúc đẩy sự hiểu biết giữa Nhật Bản và Việt Nam" và "những thành tích nổi bật góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa Nhật Bản và các nước khác".
Huân chương Mặt trời mọc là huân chương Quốc gia đầu tiên được Thiên hoàng Minh Trị thành lập và được Chính phủ Nhật trao cho người nước ngoài kể từ năm 1875 với thiết kế hình tia nắng tượng trưng cho năng lượng mạnh mẽ như ánh sáng mặt trời, đồng thời cũng biểu trưng cho danh xưng "Vùng đất Mặt trời mọc" của Nhật Bản. Huân chương Mặt trời mọc thường được trao những người có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực sau đây: Quan hệ quốc tế, Phát triển văn hoá Nhật Bản, Những tiến bộ trong lĩnh vực của người được trao tặng, Phát triển phúc lợi xã hội hoặc Giữ gìn môi trường. Bên cạnh Huân chương Mặt trời mọc, Nhật Bản còn có Huân chương Hoa cúc (Order of the Chrysanthemum), trao tặng Nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu hoàng gia, trong khi huân chương cao quý thứ hai, Huân chương Đồng hoa, chủ yếu là dành tặng giới chính trị gia. |