Gian nan bảo vệ tài sản trí tuệ

TUYẾT ÂN| 25/10/2018 03:36

Việc bảo vệ tài sản trí tuệ còn rất khó khăn do thiếu nhân lực có chuyên môn về sở hữu trí tuệ.

Gian nan bảo vệ tài sản trí tuệ

Hàng giả, hàng nhái luôn là nỗi lo của doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc. Ảnh: Q.Hòa

Việc xử phạt vi phạm sở hữu trí tuệ chủ yếu dựa vào các biện pháp hành chính đã không đủ răn đe, chế tài, nên cuối cùng doanh nghiệp và người tiêu dùng chịu thiệt, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng.

Tại Hội thảo Chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ do Trung tâm Ứng dụng công nghệ khai thác quyền sở hữu trí tuệ (IPTA) phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức vừa qua, đại diện Công ty CP Khóa Việt Tiệp chia sẻ, để chống hàng giả, Việt Tiệp phải tiến hành cùng lúc nhiều giải pháp, từ đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại với kinh phí hằng năm 35 - 40 tỷ đồng, cải thiện các khâu chủ chốt liên quan đến chất lượng để sản phẩm khó bị ăn cắp bản quyền, nhái nhãn hiệu.

Việc đầu tư này giúp Việt Tiệp nâng cao năng suất 2 lần, sản phẩm tốt hơn, giá thành hạ trung bình 10% nên hàng giả sẽ khó có thể thu lợi nhuận. Việt Tiệp còn phải nâng cấp bao bì thật hấp dẫn và nổi bật với tem chống giả công nghệ xác thực truy xuất nguồn gốc để người dùng dễ dàng phân biệt song song với việc quảng bá sản phẩm, tuyên truyền việc chống hàng giả đến khách hàng.

"Với hệ thống 2.000 cửa hàng bán lẻ thì bên cạnh việc tăng cường giám sát phải đảm bảo các nhà bán lẻ được hưởng các chính sách ưu đãi để họ thấy quyền lợi khi đưa sản phẩm chính hãng tới tay người tiêu dùng", đại diện Công ty cho biết.

Công ty CP Khóa Việt Tiệp là một trong số ít doanh nghiệp đạt được hiệu quả trong việc bảo vệ thương hiệu trước nạn hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ đang ngày một gia tăng.

Link bài viết

Trong năm 2017 và 9 tháng đầu năm nay, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện gần 35.000 vụ với trị giá hàng vi phạm lên đến 907 tỷ đồng. Cụ thể, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ 1.064 vụ, vi phạm về nhãn hàng hóa 26.367 vụ, hàng giả các loại như giả chất lượng, công dụng, bao bì, chỉ dẫn địa lý hơn 8.000 vụ...

Theo ông Nguyễn Hữu Linh - Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp và xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi, chuyên nghiệp và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn. "Thậm chí dược phẩm mà vẫn có thể làm giả, có thể nói là một tội ác", ông Linh nói.  

Không chỉ ở chợ hay đường phố mà tại các trung tâm thương mại, siêu thị cũng không ít hàng giả, hàng nhái. Chưa kể, rất nhiều đối tượng đã lợi dụng phương thức kinh doanh thương mại điện tử để rao bán, quảng cáo, khuyến mại hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng bán tràn lan trên các website thương mại điện tử và mạng xã hội nhưng các cơ quan chức năng rất khó phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho trữ hàng để xử lý.

Ông Nguyễn Phương Minh - Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) đưa ra số liệu trong Báo cáo 301 của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) năm 2018 cho thấy, năm 2017, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi về tình hình xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nạn vi phạm bản quyền và bán hàng giả mạo trực tuyến vẫn phổ biến.

Hàng giả, bao gồm hàng giả chất lượng cao vẫn phổ biến trên thị trường và việc sản xuất hàng giả đang là mối quan ngại lớn. Theo báo cáo này: "Các hạn chế về năng lực thực thi vẫn tiếp diễn do Việt Nam thiếu nhân lực và yếu chuyên môn về sở hữu trí tuệ nên chủ yếu dựa vào việc thực thi hành chính, vì thế đã thất bại trong việc ngăn chặn hàng giả và vi phạm bản quyền".

Theo ông Minh, nhiều hàng hóa sử dụng công nghệ cao, khó sản xuất đã được gia công ở nước ngoài và chuyển về Việt Nam tiêu thụ, hàng hóa không đòi hỏi kỹ thuật cao thì sản xuất ngay tại các khu công nghiệp, làng nghề trong nước đưa về vùng sâu vùng xa bán cho dân nghèo. Chẳng hạn nạn làm giả phân bón tràn lan khiến nông dân lãnh đủ. Doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc lại khó phát triển dễ dẫn đến tình trạng "cá bé diệt cá lớn và thất thu ngân sách".

"Các vụ vi phạm ngày càng tinh vi và phức tạp nhưng phần lớn chỉ xử lý hành chính, việc xử lý hình sự rất hạn chế nên chưa đủ sức răn đe và chế tài những đối tượng vi phạm", ông Minh nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Bách - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM, việc vi phạm sở hữu trí tuệ, bán buôn hàng giả không những gây thiệt hại lớn mà còn dẫn đến sự phá sản của doanh nghiệp, khiến người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm của họ. Tình trạng này cũng làm cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước e ngại, có thể hạn chế đầu tư vào Việt Nam hoặc đã đầu tư nhưng không dám mở rộng sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay.

Mối nguy hại của hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư và kinh doanh, trong khi Việt Nam đang là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và các cam kết thực thi khi tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Ông Trần Hữu Linh thừa nhận việc xử lý, chế tài hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn còn yếu. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ là yêu cầu cấp bách hiện nay, không chỉ đòi hỏi vai trò của doanh nghiệp, ý thức cộng đồng mà cần giải pháp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gian nan bảo vệ tài sản trí tuệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO