Gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam ngày càng báo động

Nguyên Thảo| 11/12/2019 06:00

Mới đây, Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 11/2019. Trong đó, nổi bật là vấn đề gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam.

Gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam ngày càng báo động

Theo Tổ công tác của Thủ tướng, việc gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu… đã và đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Các nhóm hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ gồm máy vi tính; sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; sắt thép và các sản phẩm sắt thép; xe đạp, xe đạp điện và linh kiện của xe đạp; hàng dệt may, da giày, túi xách…

Nguyên nhân các tiêu cực giả mạo phát sinh ngày càng nhiều do hành lang pháp lý không theo kịp diễn biến thực tế; quy định về quy tắc xuất xứ với một số mặt hàng còn lỏng lẻo; quy định kiểm tra hồ sơ xin cấp C/O chưa chặt chẽ; quy định pháp luật về xuất xứ chưa cụ thể, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe; chưa có sự kết hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các lực lượng kiểm soát, quản lý sản xuất trong nước với cơ quan hải quan trong việc kiểm soát xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Còn một nguyên nhân không kém phần quan trọng là tình trạng lợi dụng việc một số nước nhập khẩu áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.

Một số giải pháp khắc phục đã được đề ra. Cụ thể, Tổ công tác kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương hoàn chỉnh, trình Chính phủ dự thảo nghị quyết về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về cách xác định hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam theo đúng quy trình, thủ tục.   

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần theo dõi chặt chẽ việc xuất nhập khẩu hàng hóa Việt để đề phòng hàng hóa các nước chuyển sang Việt Nam, sau đó lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường khác. Bộ Khoa học - Công nghệ cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc ghi nhãn hàng hóa lưu thông tại thị trường trong nước để kịp thời phát hiện các hành vi ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam ngày càng báo động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO