Mở đầu cuốn sách, Dale Carnegie đưa ra lý giải sơ khởi về xung đột: Mọi xung đột mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống đều mang ý nghĩa tích cực và tiêu cực. Nó có thể là khởi nguồn của một cảm hứng mới, của sự giác ngộ, học hỏi, biến đổi và trưởng thành; hoặc là khởi đầu của một cơn thịnh nộ, nỗi sợ hãi, xấu hổ, trói buộc và phản kháng.
Sự thật là chúng ta đang sống trong một thế giới bất hòa. Mọi thứ thường không diễn ra theo cách mà chúng ta mong muốn. Điều này đặc biệt chính xác khi bàn về công việc và môi trường công sở. Trong công việc, xung đột dễ dàng nảy sinh giữa bản thân ta và đồng nghiệp, với cấp trên, khách hàng, đối tác và nhà cung cấp. Trong cuộc sống cá nhân, chúng ta lại gặp phải những tình huống mâu thuẫn với những thành viên trong gia đình, họ hàng, trong vòng tròn giao tiếp và cộng đồng. Ngay cả khi chúng ta không trực tiếp tham gia vào xung đột, chúng ta vẫn có thể bị liên đới.
Giải quyết xung đột trong cuộc sống xem xét các mâu thuẫn, xung đột dưới “lăng kính hiển vi” nhiều góc cạnh và cung cấp các hướng dẫn để đối phó với chúng.
• Xác định nguyên nhân gây ra xung đột để có thể ngăn chặn ngay từ đầu.
• Khám phá những xung đột tiềm ẩn quanh ta và giải quyết chúng thông qua trao đổi, trò chuyện cởi mở.
• Cách xử lý khi tình huống trở nên phức tạp hơn.
• Giải quyết xung đột mà không tồn đọng oán giận.
• Xác định “vẩy ngược” của đối phương và cách dàn xếp các bất đồng về quan điểm sống.
• Nhìn nhận quan điểm của người khác và trình bày ý kiến của bản thân để được chấp nhận.
• Cách giải quyết các mâu thuẫn trong các mối quan hệ cá nhân, tránh được sự oán giận lâu dài, dẫn đến đánh mất bạn bè hoặc bị tẩy chay.
• Làm thế nào để đạt được những thỏa hiệp thỏa đáng, bao gồm cả tầm quan trọng của việc đi đến giải pháp “đôi bên cùng có lợi”.
Quan điểm thú vị của Dale Carnegie cho rằng càng xem xung đột là chướng ngại vật bao nhiêu, chúng ta càng nhìn nó (và đối phương) ở góc độ tiêu cực bấy nhiêu. Khi xung đột xuất hiện, nhiều người trong số chúng ta thường có khuynh hướng “giả vờ” như không có chuyện gì xảy ra và mong rằng mọi việc rồi sẽ ổn thỏa. Dĩ nhiên là ai cũng cần thời gian để nguôi ngoai và tìm kiếm giải pháp, tuy nhiên điều cần thiết là chấp nhận xung đột và coi xung đột là một cơ hội để phát triển, thấu hiểu nhau hơn.
Nói cách khác, để giải quyết xung đột, chủ yếu cần sự khách quan nhìn nhận quan điểm đối phương, tôn trọng, lắng nghe, hướng đến giải quyết vấn đề thay vì chỉ trích, mang cảm xúc cá nhân vào tranh luận. Hãy tập trung vào cái có thể thay đổi và đặc biệt cần duy trì tốt mối quan hệ sau xung đột. Chúng ta cần xem lại cách suy nghĩ tiêu cực của mình và thay bằng tư duy tích cực.
Trong cuộc sống cũng như trong công việc, xung đột là điều không thể tránh khỏi. “Hoà bình không đồng nghĩa với việc không tồn tại mâu thuẫn, mà là sẵn sàng các giải pháp sáng tạo để đáp lại những mâu thuẫn ấy”. Cuốn sách này cung cấp những công cụ cần thiết để độc giả trang bị cho bản thân kỹ năng đàm phán hiệu quả và giải quyết xung đột.
Đừng coi xung đột là một rào cản mà nên coi đó là một cơ hội phát triển cá nhân, tổ chức và xã hội.
Cuốn sách "Giải quyết xung đột trong cuộc sống" của tác giả Dale Carnegie. Dịch giả Hoàng Huấn. Sách do NXB Thế Giới xuất bản. Đơn vị phát hành là Phương Nam Book. |
Mời quý bạn đọc tham gia Bình chọn "Top 10 quyển sách đáng đọc năm 2021" >>>Tại Đây