Doanh nhân là người thực hiện mọi giao dịch trong mua bán. Không có họ, mọi nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) đều không được bất cứ ai biết đến giá trị của nó. Như vậy, không có doanh nhân, mọi nguồn lực trong xã hội đều nằm yên, nó không có giá trị và trở nên vô nghĩa. Vai trò doanh nhân càng được phát huy, năng lực cạnh tranh doanh nhân càng được nâng cao, giá trị của nguồn lực càng tiến đến tiệm cận của giá trị thực tế.
Khi nói về yêu cầu nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong tình hình hiện nay là nói đến nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường - định hướng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, chúng ta cần phải hiểu rõ phạm vi và mức độ của cơ chế quản lý nhà nước đối với khái niệm định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường thông qua những chính sách kinh tế vĩ mô lẫn vi mô nào? So sánh giữa chính sách kinh tế thị trường và kinh tế thị trường - định hướng xã hội chủ nghĩa, sự giống nhau và khác nhau giữa chúng? Làm rõ điều này, sẽ nhận ra đâu là nhược điểm cần khắc phục của hệ thống cạnh tranh của Việt Nam (vì sự cạnh tranh hiện nay là cạnh tranh bằng sự đồng bộ của cả hệ thống: doanh nhân, doanh nghiệp, cơ chế chính sách, pháp luật…). Nên mở ra một chuyên đề khác để làm sâu sắc hơn vấn đề này.
Để có thể thấy rõ những yếu tố tác động đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, tôi xin nêu ra 6 yếu tố có tác động mạnh mẽ, mang tính quyết định đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong thời đại ngày nay theo phân tích PESTLE.
Chính trị (Political)
- Việt Nam có vị trí địa chính trị rất quan trọng đối với thế giới. Tình hình an ninh trên Biển Đông đang diễn biến khá phức tạp. Người dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình, Việt Nam có đường lối đối ngoại độc lập, đa phương và song phương. Việt Nam đang từng bước hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường - định hướng xã hội chủ nghĩa. Cả hệ thống chính trị Việt Nam vào cuộc chống tham nhũng.
Kinh tế (Economy)
GDP của Việt Nam không ngừng được cải thiện, tăng trưởng dương kể cả trong thời kỳ đại dịch Covid-19 vào năm 2020. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tăng, nhưng vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao thành phố Thủ Đức tăng. Việt Nam đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước hàng đầu trong khu vực. Cơ sở hạ tầng đang được đầu tư mạnh mẽ với nhiều dự án nghìn tỷ (tuyến Metro số 1, cầu Thủ Thiêm 2,3,4…).
Xã hội (Society)
Kỷ nguyên vàng của dân số Việt Nam vẫn còn trong 15 năm tới. Người Việt Nam có chỉ số thông minh cao, chiếm tỷ trọng lớn, là nguồn lực quý cho các nghiên cứu thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật. Việt Nam cấp thiết cần có một cơ sở hạ tầng thích hợp cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật nhằm khai thác nguồn tài nguyên chất xám và thúc đẩy sự phát triển kinh tế tri thức.
Công nghệ (Technology)
Các ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn (công nghệ cơ sở hoặc công nghệ lõi) chưa đủ mạnh để thúc đẩy các ngành khác. Tỷ lệ vốn đầu tư cho R&D còn rất thấp so với khu vực. Nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ngày càng cao, vì vậy R&D và ứng dụng công nghệ cao là khâu đột phá quan trọng nhất hiện nay. Tình trạng vi phạm bản quyền vẫn diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam. Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ. (Biểu đồ mô hình chuỗi sản xuất và giá trị gia tăng dưới đây, chỉ ra giá trị gia tăng của từng lĩnh vực. Khu vực sản xuất có giá trị gia tăng là thấp nhất).
Pháp luật (Legal)
Hệ thống pháp luật từng bước được sửa đổi phù hợp với các quy định quốc tế khi Việt Nam gia nhập ngày càng sâu vào WTO, AEC, PP TPP... Rủi ro trong nền kinh tế Việt Nam: tham nhũng, nợ nần chồng chất, nguồn cung bất động sản dư thừa, an ninh phức tạp trên Biển Đông... Thuế suất ở Việt Nam khá thấp (168/189 quốc gia) có nhiều thuận lợi để phát triển khoa học và công nghệ.
Môi trường (Environment)
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, thực phẩm... đang ở mức cao và rất nguy hiểm. Các sản phẩm thân thiện với môi trường gặp nhiều thách thức do giá thành cao. Nhiều cơ sở và tổ chức cam kết rằng hoạt động của họ sẽ tuân thủ các tiêu chí bảo vệ môi trường. Nhu cầu cải thiện môi trường là cơ hội để phát triển các ứng dụng khoa học công nghệ mới.
Như phân tích PESTLE bên trên, tôi muốn hướng đến khái niệm doanh nhân thời đại và phân khúc thị trường có giá trị gia tăng cao nhất mà doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam cần nhắm đến. Chúng ta đã nói nhiều đến thế giới phẳng, cũng là nói đến thị trường toàn cầu và hiển nhiên nội hàm của nó là sự cạnh tranh đa dạng, mang đầy đủ sắc thái của nền kinh tế thị trường. Khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập vào kinh tế thế giới, nó mang thêm sắc thái mới đó là định hướng xã hội chủ nghĩa. Khái niệm về “định hướng xã hội chủ nghĩa” giống như “bánh lái tàu” để lèo lái con thuyền, điều này là rất mới và chưa biết nó đang làm cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam mạnh lên hay yếu đi trong môi trường cạnh tranh toàn cầu? Xét về lý, thuyền đi chệch hướng là do lỗi ở người cầm lái, chứ không phải do lỗi của chiếc bánh lái.
Chúng ta nói các nước tư bản là kinh tế thị trường (đầy đủ), tự do mậu dịch… nhưng hàng hóa Việt Nam nhập vào những quốc gia này hay khối thị trường của họ có dễ dàng không? Họ không nói định hướng gì cả, nhưng rõ ràng họ có cả một hệ thống rất đồ sộ nào là hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật - công nghệ, hàng rào về an toàn thực phẩm, hàng rào về tiêu chuẩn chất lượng… rất nhiều và rất nhiều thứ, tuy họ không tuyên bố định hướng nào cả, nhưng đó lại là định hướng có lợi cho đất nước của họ. Do vậy, chúng ta cần phải nghiên cứu, thảo luận về những tác động của cơ chế quản lý nhà nước cho mục tiêu định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, nó tác động ảnh hưởng tốt/xấu ra sao đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Chúng ta cần thảo luận sâu sắc hơn để xây dựng doanh nhân theo chuẩn mực quốc tế, doanh nhân thời đại hay doanh nhân toàn cầu. Chúng ta sẽ phải cạnh tranh với thế giới bằng sức mạnh tổng hợp bởi nhiều yếu tố hợp thành, từ công nghệ, chất lượng, giá cả, thời gian, văn hóa, pháp luật… Việc quan tâm nâng cao năng lực cạnh tranh hay các kỹ năng lãnh đạo, quản lý và quản trị cho đội ngũ doanh nhân không thôi cũng chưa đủ, mà còn phải nâng cao năng lực cạnh tranh bằng sự đồng bộ của cả hệ thống, bao gồm tất cả chức năng trong hệ thống chính trị của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ có tác động cơ chế chính sách liên quan. Đối với doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam hiện nay, họ rất cần một cơ chế chính sách minh bạch thông qua hệ thống pháp luật rõ ràng có sự giám sát, thực thi pháp luật đủ mạnh và nghiêm minh.
Đất nước ta đã qua gần 50 năm giải phóng, nhưng đó chỉ mới giải phóng khỏi ách nô lệ thống trị của thực dân đế quốc, còn nguồn lực quốc gia (nhân lực, vật lực, tài lực) chưa thật sự được giải phóng hay phóng thích. Giải pháp nào để xác lập trạng thái tối ưu để giải phóng hay phóng thích năng lực của doanh nghiệp, doanh nhân?
Ví dụ minh họa sau đây sẽ giúp lý giải phần nào: nếu chúng ta dùng các biện pháp khoa học để đo đạc từng hạt lúa, rồi tính toán, tìm cách xếp chúng theo chiều nào đó sao cho mỗi bao chứa được nhiều lúa nhất thì không biết phải mất bao nhiêu thời gian mới xếp xong một bao (mà chưa chắc đã xác lập được trạng thái tối ưu). Trong khi đó, người nông dân họ chỉ cần lấy thúng xúc lúa đổ vào bao, nắm hai bên miệng bao xốc mạnh vài cái xuống đất, lúa trong bao tự động xác lập trạng thái tối ưu một cách tự nhiên. Vậy ta thấy cách nào đơn giản, hiệu quả và khoa học?
Tóm lại, vai trò doanh nhân trong mọi thời đại đã rõ và không thể phủ nhận. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nhân phụ thuộc vào hai yếu tố chính: khách quan và chủ quan. Về khách quan, năng lực cạnh tranh của doanh nhân sẽ được xác lập một cách tự nhiên bởi quy luật cung - cầu và quy luật đào thải của kinh tế thị trường. Về chủ quan, nó phụ thuộc vào cơ chế quản lý nhà nước.
Giải pháp được đưa ra là Nhà nước cần có cơ chế chính sách toàn diện, đồng bộ để mọi doanh nhân đều có thể được tiếp cận và khai thác hiệu quả nguồn lực cả trong và ngoài nước một cách bình đẳng. Đó chính là cách để giải phóng hay phóng thích nguồn lực quốc gia một cách triệt để nhất.