![]() |
Năm 2010 khép lại với mức lạm phát trên hai con số. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có phiên điều trần và cho rằng việc điều hành tiền tệ trong năm qua không trực tiếp gây ra lạm phát, nếu xét về các chỉ số về cung ứng tín dụng, phương tiện thanh toán.
![]() |
Ảnh: Quý Hòa |
Tuy nhiên, phân tích số liệu trong giai đoạn 2008 - 2009 và kết quả từ năm 2010, cho thấy chính sách tài khóa và tiền tệ đã không được sử dụng phù hợp, kết quả là đẩy mức thâm hụt cán cân thanh toán và lạm phát tăng cao.
Trong ngắn hạn, NHNN luôn cố gắng duy trì tỷ giá cố định bằng cách bán ra hoặc mua vào ngoại tệ từ quỹ dự trữ ngoại hối. Phân tích cái nhìn trong ngắn hạn để rút ra được bài học chính sách tài khóa nên sử dụng như thế nào, bởi vì tác động của chính sách tài khóa nhanh hơn nhiều so với chinh sách tiền tệ.
Trong năm 2008, mức lạm phát và thâm hụt cán cân thanh toán cao với lãi suất trong nước lớn hơn lãi suất thế giới, mức chi tiêu công cao. Như vậy, để giảm dần lạm phát và cải thiện cán cân thanh toán thì chính sách thích hợp là giảm dần chi tiêu công.
Sau khi giảm chi tiêu công, lãi suất trong nước vẫn cao hơn lãi suất thế giới nên dòng vốn vẫn chảy vào, góp phần cải thiện cán cân thanh toán.
Trong thực tế, chính sách điều hành tài khóa lúc này lại là vẫn tiếp tục tăng chi tiêu công. Điều này càng tăng mức thâm hụt cán cân thanh toán và lạm phát.
Trong giai đoạn 2009, khi lạm phát tạm lắng xuống, cán cân thanh toán thâm hụt cao thì giải pháp là phải tăng dần đầu tư công và lãi suất lên. Tuy nhiên, với liều lượng tăng chi tiêu công quá mức có thể dẫn đến lạm phát và thâm hụt cán cân thanh toán tăng mạnh và nền kinh tế sẽ xuất hiện những bất ổn. Chính sách tiền tệ trong trường hợp này nên đóng vai trò ổn định vĩ mô thay vì tăng trưởng dẫn đến lạm phát tăng cao.
Trong thực tế, Chính phủ đưa ra chính sách kích cầu nhưng lại là hỗ trợ lãi suất, về cơ bản đó là mở rộng tiền tệ. Như vậy, Chính phủ chưa đánh giá đúng mức tác động của chi tiêu công tới nền kinh tế dẫn đến không thể định lượng đúng chi tiêu công, hiệu quả đầu tư vào các dự án lại quá thấp. Cả hai chính sách trái ngược trên dẫn đến mức thâm hụt cán cân thanh toán và lạm phát cao hơn.
Trường hợp tỷ giá linh hoạt có kiểm soát
Tỷ giá linh hoạt có kiểm soát là chính sách tỷ giá Ngân hàng Trung ương hiện tại đang áp dụng. Có thể thấy rằng, với áp lực mất giá của tiền đồng, Ngân hàng Trung ương trong những năm qua đã liên tiếp phải điều chỉnh tỷ giá tăng. Nguồn lực hỗ trợ cho chính sách tỷ giá là quỹ dự trữ ngoại hối.
Phân tích trong cơ chế tỷ giá hối đoái tự do cho thấy, nền kinh tế có lãi suất trong nước lớn hơn lãi suất thế giới, sản lượng cao hơn nhiều so với sản lượng toàn dụng hay phản ánh mức lạm phát cao.
Chính sách tài khóa lại không ngừng mở rộng, còn chính sách tiền tệ tuy thắt chặt nhưng vẫn cung cấp thanh khoản cho thị trường mở, NHNN còn có động thái ép các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động. Hai chính sách mở rộng sẽ tạo lạm phát cao; thâm hụt cán cân thanh toán nhiều hơn.
Nhìn chung trong hai trường hợp phân tích trên, cả hai chính sách tài khóa và tiền tệ đều không được sử dụng thích hợp. Hậu quả là thâm hụt cán cân thanh toán và lạm phát cao.
Trường hợp cơ chế tỷ giá linh hoạt có kiểm soát
Sau năm 2009, dự trữ ngoại hối Việt Nam tính đến hết quý III năm 2010 chỉ còn khoản 1,8 tháng nhập khẩu (theo số liệu của IMF). Với mức dự trữ thấp như thế, cộng thêm áp lực tăng tỷ giá là rất lớn vì đồng nội tệ hiện tại được định giá quá cao, thì nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng tỷ giá vào đầu năm sau.
Tác động của việc tăng tỷ giá là mức lạm phát vẫn còn cao, cải thiện cán cân thanh toán (nhưng tại Việt Nam là không nhiều vì tác động của phá giá tới xuất nhập khẩu là khá ít), và lãi suất trong nước cao hơn so với lãi suất thế giới (nhưng Việt Nam kiểm soát dòng vốn vẫn còn chặt chẽ cho nên dòng vốn vào ít).
Diễn biến kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo phụ thuộc vào các giải pháp giải quyết cho lạm phát và cán cân thanh toán.
Dựa vào đặc điểm trên của nền kinh tế Việt Nam và vào mô hình, có thể có những giải pháp sau:
- Tiếp tục phá giá nội tệ giúp cải thiện cán cân thanh toán. Đồng thời, thắt chặt tài khóa và tiền tệ để đưa nền kinh tế về điểm cân bằng hơn.
Ưu điểm: tháo gỡ dần nút thắt đồng nội tệ định giá quá cao, đưa nền kinh tế về đúng mức cung cầu của thị trường. Nhược điểm: trong ngắn hạn, lạm phát tăng mạnh và sản lượng giảm, rủi ro nợ công tăng cao.
- Kiểm soát tỷ giá tăng chậm hoặc cố định, kiên quyết thắt chặt tài khóa và tiền tệ với liều lượng vừa đủ và thích hợp. Ưu điểm: lạm phát giảm mạnh, cán cân thanh toán được cải thiện.
Nhược điểm: sản lượng giảm mạnh, tăng trưởng kinh tế yếu. Nguồn lực hỗ trợ kiểm soát tỷ giá không có. Chính sách tài khóa và tiền tệ phải hỗ trợ cho nhau chính xác về mặt định lượng và đúng thời điểm. Việc định giá nội tệ quá cao còn tiềm ẩn những rủi ro trong tương lai.
- Các giải pháp về hành chính: thu hút lượng vốn vào nhiều (nhưng phải hiệu quả), giảm kiểm soát vốn (kiểm soát ít giúp cải thiện cán cân thanh toán nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro tài chính mang tính quốc gia), tăng cường các hoạt động hỗ trợ cho xuất khẩu, giảm nhập khẩu,...
- Các giải pháp về dài hạn bao gồm tái cấu trúc kinh tế để đẩy mạnh giá trị xuất khẩu, và giảm dần kỳ vọng lạm phát, lấy lại niềm tin vào nhà điều hành chính sách.
Nhìn chung, các giải pháp triệt để giúp giải quyết bài toán cán cân thanh toán và lạm phát chỉ có thể hoàn thành trong dài hạn do phải tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết bài toán hai tỷ giá và giảm dần kỳ vọng lạm phát của người dân.
Do đó, công cụ Chính phủ phải đặc biệt quan tâm trong ngắn hạn đó là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Giữa hai chính sách này phải có sự phân công và hỗ trợ cho nhau trong mọi hoàn cảnh kinh tế.