Lắng nghe tâm sự của một phó tổng giám đốc khu du lịch 5 sao khi tuyển nhân sự, anh bảo hoảng hồn khi ứng viên nào cũng trình ra rất nhiều bằng cấp, giấy xác nhận cần thiết.
Đọc E-paper
"Học gì mà học lắm thế!", ông phó tổng lẩm bẩm than, bởi nhận ra trong quá trình phỏng vấn, các ứng viên trẻ măng chỉ hỏi về cơ hội thăng tiến, muốn biết làm việc bao lâu thì họ sẽ được cất nhắc lên làm lãnh đạo.
Thế nhưng điều kiện tối thiểu là phải có trình độ tiếng Anh chuẩn thì đến 90% ứng viên không đáp ứng được. Ông phó tổng lại viết: "Các bạn trẻ, học gì mà học lắm thế! Vị trí giám đốc chúng tôi đã tương đối đủ, giờ chỉ cần người làm việc ở các bộ phận, các bạn nghĩ thế nào?".
Sự "cay nghiệt" của ông phó tổng phụ trách nhân sự thật ra không quá đáng nếu một ngày bạn đối diện với núi bằng cấp người trẻ trình ra, và thấy trước mặt mình là những đứa trẻ lớn xác chỉ thích việc nhẹ lương cao trong một tập đoàn lớn. Và tiếng Anh lại là tiêu chuẩn mà hầu hết nhân sự trẻ không đáp ứng được.
Tiếng Anh chuẩn mực được xem như một yếu tố đại diện văn hóa bản địa đón tiếp khách nước ngoài. Cũng ông phó tổng dày dạn kinh nghiệm trong ngành du lịch kia nhận xét, ngành du lịch của chúng ta đón khách với thứ tiếng Anh "bồi" rất bình dân.
Nó cũng là một biểu hiện của chuỗi dịch vụ còn quá nhiều khiếm khuyết. Một người tuyển dụng nhân sự khác nói, chúng tôi cần người biết tiếng Anh giỏi đến mức có thể bỏ qua các vấn đề liên quan đến chuyên môn, cứ nhận đã, rồi đào tạo chuyên môn sau, bởi tiếng Anh vẫn là thứ quý hiếm ở thế kỷ XXI.
Đó là một hiện trạng rất đáng ngạc nhiên khi lâu nay chúng ta vẫn nói rằng đào tạo ngoại ngữ ở trình độ đại học là ngành học vô duyên nhất, bởi các bạn trẻ ra trường sẽ chẳng có nghề chuyên môn nào hết. Tuy nhiên, một số bạn trẻ nói và viết tiếng Anh chuẩn lại chia sẻ kinh nghiệm, tiếng Anh chính là chiếc chìa khóa mở ra cho họ các cơ hội hơn hẳn bạn bè.
Vấn đề là phải biết mình học tiếng Anh với mục đích gì. Nhớ lại một lần, đích thân Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng đã rao trong cuộc họp HĐND Thành phố (có truyền hình trực tiếp) rằng UBND Thành phố Đà Nẵng đang cần một kế toán giỏi tiếng Anh, trả lương rất cao, tìm đã lâu mà không tuyển được.
Trong ngành kế toán, sự cạnh tranh đã rất gay gắt, giờ chỉ cần giỏi tiếng Anh là tìm ngay được ghế tốt trong một dự án lớn, đúng là hoạn lộ một bước đạt được là vậy. Tại một tập đoàn xây dựng lớn, số người biết tiếng Anh cũng đếm trên đầu ngón tay.
Đến khi tập đoàn có nhu cầu mở rộng thị trường, cần các đối tác nước ngoài mới thấy các phòng ban bỗng nhiên vắng tanh, đối tác nước ngoài đến làm việc là nhân viên trốn sạch. Lúc ấy mới thấy một chuyên viên trẻ, lâu nay vì hiền lành nên thường bị đồng nghiệp chèn ép, có cơ hội trổ tài ngoại ngữ phụ giúp sếp đắc lực trong giao dịch.
Tôi muốn kể lại một câu chuyện về người bạn thân. Thập niên 80 thế kỷ XX, khi "chủ nghĩa lý lịch" còn nặng nề, người bạn học giỏi nhất lớp tôi phải đứng bên ngoài giảng đường đại học. Thỉnh thoảng gặp bạn mặc bộ đồ xanh công nhân đạp xe trên phố.
Hai mươi năm sau, trong cuộc họp lớp, bạn ấy kể tiếp câu chuyện cuộc đời thế này: Trong những giờ rảnh rỗi ở một phân xưởng sửa xe, bạn ấy học tiếng Anh từ Đài BBC, thứ tiếng Anh duy nhất bạn ấy có thể tiếp cận nhờ một chiếc radio nhỏ.
Rồi không bằng cấp, bạn đến dạy ở trung tâm Anh ngữ. Đến khi kinh tế mở cửa, bạn xin việc ở công ty nước ngoài và trở thành CEO tập đoàn nước ngoài nhờ nỗ lực học tập không ngừng, chiếc chìa khóa vẫn là những giờ tập nghe và viết lại các bài tiếng Anh từ BBC.
Với thực trạng tại Việt Nam, cần xác định rõ các ngành cần người giỏi tiếng Anh chẳng khác một ngành nghề chuyên môn khác. Vấn đề chúng ta đang đối mặt chính là cách dạy và học tiếng Anh, sau 7 - 10 năm học ngoại ngữ ở cấp phổ thông và đại học, tiếng Anh của người Việt vẫn chẳng đâu vào đâu, để đến mức ngoại ngữ trở thành một... chuyên môn chính!