Giá bán căn hộ tại TP.HCM hiện cao gấp 7 lần thu nhập của tầng lớp lao động quản lý kinh tế khá giả, gấp 10 lần nhóm thu nhập trung lưu, gấp 17 lần thu nhập của lao động phổ thông. |
Số liệu đưa ra tại Hội thảo “Phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, phân khúc nào phù hợp?” vừa diễn ra tại TP.HCM cho thấy, trong khoảng 5 năm gần đây giá bất động sản đã tăng gấp đôi nhưng thu nhập của người dân tăng không theo kịp. Trong quý III/2020, giá nhà ở tại TP Hà Nội ngoài khu vực vành đai 3 đã tăng đến 60 triệu đồng/m2, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá bán căn hộ tại TP.HCM hiện cao gấp 7 lần thu nhập của tầng lớp lao động quản lý kinh tế khá giả, gấp 10 lần nhóm thu nhập trung lưu, gấp 17 lần thu nhập của lao động phổ thông và gấp 28 lần thu nhập của người trẻ mới đi làm.
Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế suy thoái do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, năm 2020 vẫn ghi nhận xu hướng giá bất động sản (BĐS) cuối năm nay tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2019, tăng khoảng 40% cùng kỳ 2018.
Nhiều dự án từ trước năm 2017 khi nghiên cứu đầu tư dự kiến giá chào bán ở ngưỡng 20 triệu đồng/m2. Nhưng hiện tại, những dự án như vậy đang chào bán với mức giá trên 35 triệu đồng/m2, tương đương phân khúc cao cấp.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong khoảng 3 năm trở lại đây, giá nhà ở tại TP.HCM có xu hướng tăng vọt, nhảy múa liên tục. “Chúng ta không còn tìm thấy căn hộ có mức giá dưới 30 triệu đồng/m2”, ông nói.
Ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam nói trong khoảng 3 năm trở lại đây, giá nhà ở tại TP.HCM có xu hướng tăng vọt, nhảy múa liên tục, rất khó tìm căn hộ có mức giá dưới 30 triệu đồng/m2. |
Lý giải về thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, tốc độ đô thị hóa nhanh, kéo theo gia tăng dân số cơ học nhưng việc phát triển nhà ở chưa được quan tâm tương xứng. Trong khi đó, hệ thống pháp luật liên quan đang gây khó khăn cho quá trình phát triển nhà ở, dẫn đến nguồn cung nhà ở luôn trong trạng thái khan hiếm, thậm chí tê liệt.
Đơn cử như trong năm 2020, thống kê của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HOREA) cho thấy tỉ lệ dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép đầu tư sụt giảm nghiêm trọng. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HOREA cho biết trong 10 tháng đầu năm 2020, Sở Xây dựng TP.HCM đã có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP cấp phép cho 45 dự án nhưng đến nay không có dự án nào được phê duyệt.
Giải quyết tình trạng này như thế nào? Theo TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, vấn đề đầu tiên là phải sửa luật. “Trước khi làm những giải pháp khác, phải điều chỉnh luật. Sau đó là vấn đề thuế để ngăn chặn tình trạng đầu cơ rồi mới tính đến các giải pháp tỉa tót phần ngọn như là thêm ngân sách, đẩy các gói hỗ trợ và tính toán tỉ lệ diện tích trong mỗi dự án cho nhà ở giá thấp”, ông Đặng Hùng Võ phân tích.