Thời sự

GDP cả năm 2024 ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mọi dự báo và mục tiêu Quốc hội đề ra

Danh Phú 01/10/2024 - 11:33

Tốc độ tăng GDP cả năm 2024 dự kiến thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới.

Ngày 30/9, tại TP.HCM, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.

Báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng và ước ước cả năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong 8 tháng năm 2024, dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều yếu tố rủi ro, khó lường, nhưng trên cơ sở kết quả của 8 tháng, dự kiến cả năm 2024 tình hình kinh tế - xã hội đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội.

Cụ thể, tốc độ tăng GDP cả năm 2024 ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra 6-6,5% và vượt dự báo của các tổ chức quốc tế, thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới.

thu-truong-bo-khdt.jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Quốc Phương

Nói thêm về tăng trưởng GDP, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, năm nay chắc chắn sẽ vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Nếu không có ảnh hưởng của bão số 3, mức tăng trưởng sẽ còn cao hơn.

Theo phân tích của lãnh đạo Bộ, tốc độ tăng GDP vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là nhờ nhiều lĩnh vực duy trì đà tăng khá như khu vực dịch vụ ước tăng 7%; CPI ước tăng dưới 4,5%; thu Ngân sách Nhà nước ước tăng 10,1% so với dự toán…

Đặc biệt điểm sáng nhất là thu hút FDI với số vốn đăng ký 8 tháng đạt gần 19,3 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện ước đạt 13,55 tỷ USD, tăng 3,4%, cao nhất từ năm 2021 đến nay.

Lĩnh vực hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, có bước đột phá rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực. Đến nay đã hoàn thành và đưa vào khai thác hơn 2.000 km đường bộ cao tốc; dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, với quy mô gần 1 tỷ USD được khánh thành sau hơn 6 tháng thi công thần tốc. Năm 2024, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng 15 bậc.

Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần cải cách, đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 14 Luật, 23 Nghị quyết và cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực sớm từ ngày 1/8/2024. Đồng thời đã ban hành và chỉ đạo ban hành 121 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành…

Về giải pháp thực hiện giải pháp từ nay đến cuối năm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, sẽ chú trọng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát phấn đấu tốc độ tăng GDP đạt khoảng 7%, hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu. Đồng thời tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; trình Quốc hội ban hành ngay trong Kỳ họp thứ 8 các dự án luật (sửa đổi) và các dự án một luật sửa nhiều luật về đầu tư, đầu tư công, tài chính, ngân sách nhà nước, tài sản công…

Năm 2025, đề xuất mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%

Đề cập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ đưa ra 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.

Trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn 7-7,5% để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.980 -5.000 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; CPI bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3-5,78%...

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đề ra 12 giải pháp chủ yếu như ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý hoàn thiện hệ thống pháp luật; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…

Theo đó, các giải pháp khác như tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược đồng bộ; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy phát triển liên kết vùng.

Lãnh đạo Bộ đánh giá, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm, là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc của Đảng và phải củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030. Vì vậy, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, lấy phát triển để ổn định, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
GDP cả năm 2024 ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mọi dự báo và mục tiêu Quốc hội đề ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO