Trong thư kiến nghị, FFA bày tỏ những khó khăn đối với công nhân trong giai đoạn vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, vừa đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho TP. Qua đó, FFA mong muốn TP sẽ ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân để đảm bảo an toàn cho nhóm có nguy cơ cao khi phải tiếp xúc thường xuyên với nhiều người.
Nội dung thư kiến nghị của FFA như sau:
"Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong ngành lương thực thực phẩm (LTTP), các Hiệp hội chúng tôi xin bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc và đánh giá cao các chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Lãnh đạo Chính Phủ, UBND TP.HCM khi thời gian qua đã kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, hỗ trợ DN, người dân yên tâm, ổn định sản xuất kinh doanh.
Nhưng với sự xuất hiện của biến chủng mới Delta đã đẩy tốc độ lây lan dịch Covid 19 trong cộng đồng nhanh và diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian gần đây, nhất là tại TP.HCM, đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, đặc biệt ở hoạt động sản xuất, bán hàng, vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu có nguy cơ tiếp xúc diện rộng và nhiễm bệnh rất cao.
Hiện tại các Hiệp hội và các thành viên của chúng tôi cũng đang hết sức mình chung tay đóng góp để đảm bảo cung cấp đủ số lượng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác tới các điểm bán hàng để người dân không bị thiếu bất cứ sản phẩm thiết yếu nào trong giai đoạn thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 toàn thành phố.
Tuy nhiên, thực tế nhiều hệ thống siêu thị và một số cửa hàng tiện lợi đã được ưu tiên tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, nhưng hiện nay còn một số lớn các đối tượng là công nhân sản xuất trực tiếp tại các nhà máy và những người bán hàng, vận chuyển của các DN hàng thực phẩm thiết yếu lại chưa được tiêm ngừa vaccine khi nằm ở thứ tự ưu tiên gần sau cùng trong bảng thứ tự đối tượng tiêm (13/16) theo Quyết định 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021 - 2022. Điều này đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác sản xuất, vận chuyển và giao dịch với các kênh phân phối hiện đại, điểm bán hàng làm giảm tốc độ vận chuyển cung ứng hàng hóa cũng như tạo ra một chi phí rất lớn cho các DN chúng tôi, khi các các đơn vị yêu cầu lực lượng nhân sự trong công tác này của DN phải có giấy xác nhận đã được tiêm ngừa vaccine 19; đặc biệt, với việc vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh ra vào TP.HCM yêu cầu tài xế, phụ xế phải có kết quả xét nghiệm âm tính, trong khi giấy xét nghiệm này chỉ có giá trị trong vòng 72 giờ.
Với Quyết định 3355 của BYT ban hành ngày 08/7/2021 về mở rộng đối tượng tiêm chủng tới một số nhóm đối tượng cũng như kết luận của tại buổi làm việc của Lãnh đạo thành phố ngày 11/7/2021 về việc “Ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho lái xe và lực lượng tham gia cung ứng dịch vụ và công nhân sản xuất trong ngành LTTP thiết yếu”. Chúng tôi cho rằng đây là quyết định hết sức đúng đắn để đảm bảo tính liên tục cho chuỗi cung ứng và sản xuất hàng thiết yếu của thành phố, đảm bảo an toàn cho nhóm có nguy cơ cao khi thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người.
Chúng tôi hiểu là tình trạng phân phối vaccine hiện nay chưa đủ so với nhu cầu thực tế, nhưng để đảm bảo các DN ngành LTTP luôn giữ vững trạng thái sản xuất kinh doanh ổn định và chủ động duy trì được nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân, bình ổn thị trường trong mọi tình huống, tạo niềm tin và sự an tâm, ổn định trong cộng đồng xã hội, DN, góp phần cùng thành phố chống dịch hiệu quả. Chúng tôi trân trọng đề nghị UBND TP cho phép duyệt ưu tiên và triển khai tiêm ngừa khẩn cấp và sớm nhất cho nhóm đối tượng là các DN sản xuất, bán hàng và vận chuyển ngành hàng thực phẩm và sản phẩm thiết yếu trong đợt 5 - đợt tiêm chủng sắp tới của thành phố".
Tính đến 18h ngày 13/7, Bộ Y tế đã công bố thêm 1.432 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy, chỉ tính từ 18 giờ ngày 12/7 đến 18 giờ ngày 13/7, TP đã ghi nhận 1.797 trường hợp nhiễm mới, trong đó có một số ca đến từ các DN trong TP khiến cho DN phải đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.