Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - Châu Á 2016: Tơ lụa khoe mình

BÍCH HỒNG| 29/03/2016 05:45

Lần đầu tiên, một festival văn hóa dành riêng khai thác những giá trị văn hóa truyền thống của lụa Việt hòa quyện với sự phát triển của lụa tơ tằm châu Á.

Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - Châu Á 2016: Tơ lụa khoe mình

Trong hai ngày 28 và 29/3, Làng lụa Hội An đã tổ chức Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - châu Á với sự tham gia của đại diện 9 quốc gia trên thế giới. Lần đầu tiên, một festival văn hóa dành riêng khai thác những giá trị văn hóa truyền thống của lụa Việt hòa quyện với sự phát triển của lụa tơ tằm châu Á.

Đọc E-paper


Khai thác lịch sử cho một sản phẩm

Những người khách đến từ các tập đoàn tơ lụa của Thái Lan đã rất ngạc nhiên khi nghe giới thiệu chương trình phục dựng "Con đường tơ lụa trên biển", khởi thủy từ một bà phi của chúa Nguyễn có công phát triển nghề nuôi dâu tằm, dệt lụa tại Quảng Nam, từ đó cung cấp tơ lụa xuất khẩu đi các nước Bắc Á và châu Âu cách đây 300 năm. Từ cột mốc này, lễ hội đã tái hiện không gian văn hóa những làng tơ lụa Việt Nam, thu hút sự chú ý của du khách quốc tế. Từ những chương trình hát múa dân gian hấp dẫn tái hiện dòng chảy lịch sử người Việt đem nghề dệt vào miền Trung, cùng người Chăm tạo ra một nền sản xuất dựa trên nghề nông và nuôi dâu tằm, phát triển thịnh vượng vùng đất xứ Đàng Trong.

Trong không gian làng thuần Việt với vẻ đẹp kiến trúc cổ truyền xứ Quảng đã diễn ra lễ dâng hương Bà Chúa Tằm Tang, trình diễn kỹ thuật dệt truyền thống của những làng lụa Việt Nam nổi tiếng như Tân Châu (An Giang), đũi ở Thái Bình, Cơ-tu (Quảng Nam), Đặc Chăm (Ninh Thuận). Đặc biệt nhất là sự phô diễn niềm tự hào của các nghệ nhân khi dày công gìn giữ những hoa văn cổ đã lưu truyền từ bao đời như những dòng chảy của đời sống văn hóa. Những kỹ thuật dệt hoa văn cổ đám cưới của người Chăm, dệt thổ cẩm dân tộc Cơ-tu, lụa tơ tằm thiên nhiên làng nghề miền Bắc tại tỉnh Bắc Giang. Tất cả các cuộc trình diễn đều có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nghệ nhân các làng nghề với sản phẩm thật.

Một cuộc ra quân hùng hậu về văn hóa sản xuất tơ lụa đã được khai thác để khoác lên sản phẩm hiện đại chiều sâu truyền thống. Và lụa bỗng nổi bật như một đại diện văn hóa, chứ không đơn thuần là một mặt hàng tiêu dùng nhờ sự tiếp nối thú vị giữa quá khứ và hiện đại, giữa trình diễn và sản xuất ngay tại không gian Làng lụa Hội An. Những giá trị mang tính dân gian đã làm say lòng khách và thuyết phục được các khách mời quốc tế quan trọng. Ông Li Jilin, Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa Thế giới, đã đánh giá Festival Văn hóa Tơ Lụa Việt Nam - Châu Á là một sáng kiến thú vị làm nổi bật văn hóa tơ lụa, làm cho những người sản xuất cảm thấy hứng khởi và tự hào.

Lụa Việt như cô Tấm

Để tạo ra sân chơi giao hòa giữa các khu vực tiêu dùng Đông và Tây, Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - Châu Á có một sàn biểu diễn thời trang cho các nhà thiết kế trong và ngoài nước. Những nhà thiết kế trẻ như Đinh Bách Đạt, Eric Nguyễn đã được tạo cơ hội đến sàn thời trang mang tính quốc tế nhờ nhiều năm gắn bó, sáng tạo nên những bộ sưu tập thời trang trên nền lụa tơ tằm.

Ngược lại, hai nhà thiết kế thời trang nước ngoài đến từ Pháp và Tây Ban Nha lại gắn bó với lụa tơ tằm Việt, nền văn hóa Việt để tạo ra dòng sản phẩm lụa pha trộn giữa thị hiếu của người châu Âu và người tiêu dùng Việt Nam.

Nhà thiết kế Tây Ban Nha, ông chủ nhãn hiệu thời trang Chula, làm người xem bất ngờ khi trình diễn sự sáng tạo của ông pha trộn giữa lụa xuyên thấu và hoa văn thổ cẩm của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Sự pha trộn đó tạo hiệu ứng nên thơ và sâu sắc khi đưa được văn hóa Việt Nam vào sản phẩm hiện đại như vậy. Nhiều người đã nói lụa Việt như cô Tấm, qua nhiều truân chuyên nhưng vẫn tỏa sáng với tâm huyết của những nhà sản xuất và đặc biệt thiết kế tạo ứng dụng cao trong đời sống. 

Lần đầu tiên người dân Hội An có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của lụa Việt Nam bên cạnh lụa tơ tằm của hàng loạt quốc gia có nền sản xuất tơ lụa hàng nghìn năm như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar. Đó không chỉ là sự so sánh về chất lượng, mà còn là sự cạnh tranh về văn hóa. Chính chiều sâu văn hóa được khai thác tại lễ hội đã làm cho lụa các làng nghề phía Bắc, lụa Lâm Đồng tỏa sáng và thu hút người xem.

Chính nhờ khả năng khai thác chiều sâu, liên kết lịch sử văn hóa giao thương với các nước trong khu vực từ hàng trăm năm trước mà doanh nghiệp tổ chức lễ hội có thể mời được đại diện các tổ chức quốc tế rất quan trọng như Hiệp hội Tơ lụa Thế giới, Hiệp hội Tơ lụa Châu Á, Trung tâm Nghiên cứu Tơ lụa Hoàng gia Thái Lan và nhiều nước khác đến dự lễ hội. Chắc chắn điều này sẽ khích lệ tinh thần và khởi đầu sáng tạo mới cho những người làm lụa Việt.

>Phát triển ngành tơ lụa: Cần thay đổi thói quen sản xuất

>Lụa tơ tằm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - Châu Á 2016: Tơ lụa khoe mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO