![]() |
Các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro (eurozone) ngày 13/12 đã đồng ý giải ngân một phần gói viện trợ trị giá gần 50 tỉ euro (tương đương 64 tỉ đô la Mỹ) bị trì hoãn từ lâu cho Hy Lạp.
Thỏa thuận này quyết định sự sống còn của Hy Lạp trong eurozone sau nhiều tháng bất ổn chính trị và đầy rẫy những hoài nghi. Hy Lạp đã nhiều lần bỏ lỡ các mục tiêu tài chính thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) do cải cách cơ cấu kinh tế đình trệ.
Các bộ trưởng eurozone đã đồng ý giải ngân tổng cộng 49,1 tỉ euro trong đó 34,3 tỉ euro sẽ giải ngân vào tài khoản của Hy Lạp vào đầu tuần tới và phần còn lại sẽ được giải ngân vào cuối tháng 3-2013 khi Hy Lạp đáp ứng được loạt tiêu chuẩn cải cách.
Theo đó, khoản cứu trợ ngay lập tức 34,3 tỉ euro sẽ dành 16 tỉ euro để tái cấp vốn và giải cứu các ngân hàng đang khó khăn, 11,3 tỉ euro để tài trợ cho việc mua lại nợ và 7 tỉ euro dành cho ngân sách tài chính của Hy Lạp. “Chúng tôi tin tưởng chương trình giải cứu đã trở lại đúng tiến độ” - ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch bộ trưởng tài chính eurozone, phát biểu trong cuộc họp báo.
Trước đó, nhiều nhà kinh tế và chuyên gia dự báo Hy Lạp buộc phải rời khỏi eurozone trong năm 2012. Thủ tướng Hy Lạp, ông Antonis Samaras, cho biết quyết định của EU cho thấy châu Âu đã làm việc đoàn kết và Hy Lạp sẽ vẫn ở lại eurozone.
Ông Juncker cho biết eurozone đã sẵn sàng thực hiện các bước đi mới nếu cần thiết để đưa tỷ lệ nợ của Hy Lạp xuống 124% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020.
Để có được khoản vay cứu trợ trên, trước đó, chính phủ Hy Lạp đã công bố giảm đáng kể chi tiêu công và mua lại số lượng lớn trái phiếu trong tay nhà đầu tư tư nhân với giá thấp hơn giá thị trường để giảm nợ.