Dược phẩm nội: Triển vọng Đông dược

LỮ Ý NHI| 05/09/2015 06:24

Mảng Đông dược và thực phẩm chức năng được nhiều chuyên gia nhận định là lợi thế của các doanh nghiệp dược Việt Nam hiện nay

Dược phẩm nội: Triển vọng Đông dược

Theodự báo của Công ty Nghiên cứu thị trường BMI, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dược Việt Nam năm 2015-2018 sẽ tăng khoảng 16,2%/năm. Nắm bắt cơ hội này, các doanh nghiệp (DN) dược trong nước đang tập trung vào hướng đi chủ lực.

Đọc E-paper

Theo nhận xét của các chuyên gia trong ngành, nếu các nhà máy đầu tư nghiên cứu về hóa dược thì chi phí sẽ cao hơn so với việc nhập nguyên liệu và khó cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Vì vậy, mảng Đông dược và thực phẩm chức năng đang là lợi thế của các DN dược Việt Nam.

Nhiều công ty dược Việt Nam đã sản xuất được thuốc có chất lượng cạnh tranh với những mặt hàng thuốc generic của nhiều quốc gia, đạt tiêu chuẩn GMP, Gis, WHO... và có mặt hàng đã xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng giá thành còn cao và còn lãng phí trong quá trình sản xuất.

Thuế nhập khẩu dòng thực phẩm chức năng (TPCN) hiện đang khá cao (15%). Chuyên viên ngành cho biết TPCN của các DN dược trong nước chủ yếu có nguồn gốc đông dược và tập trung vào phân khúc thấp cấp, trong khi TPCN của các DN nước ngoài chủ yếu có nguồn gốc tây dược và tập trung vào phân khúc cao cấp.

>>Bùng nổ thực phẩm chức năng

Với đặc điểm tiêu dùng ưa thích hàng ngoại của người dân Việt Nam và thu nhập bình quân đầu người đang có xu hướng tăng, sẽ có một bộ phận tiêu dùng không nhỏ chuyển sang dùng TPCN ngoại và gián tiếp ảnh hưởng đến thị phần TPCN của các DN trong nước.

Mặc dù vậy, bài toán đối với các DN dược vẫn là đầu tư công nghệ sản xuất để đối phó sự cạnh tranh gay gắt đã diễn ra trong vài năm gần đây.

Xu hướng đầu tư nâng cấp chuẩn nhà máy có thể sẽ giúp DN tăng khả năng trúng thầu và khôi phục thị phần ở mảng ETC. Để có thể rút ngắn được thời gian cũng như tiết kiệm chi phí nâng cấp này, một số DN đã chọn hợp tác với đối tác nước ngoài.

Cụ thể như Công ty Traphaco, từ năm 2013 đã liên kết với một đối tác Nhật Bản mở rộng năng lực sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới.

Thế mạnh khác của Traphaco là có vùng nguyên liệu lớn, trung tâm nghiên cứu và nhà máy sản xuất riêng. Nhờ đó mà tạo được những sản phẩm chất lượng cao với giá thành hợp lý.

Dược Hậu Giang (DHG) cũng đã có nhà máy mới tại Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh (Cần Thơ) trên diện tích hơn 8ha với tổng vốn đầu tư 556 tỷ đồng để tập trung phát triển sản phẩm có nguồn gốc dược liệu thiên nhiên.

>>Tận thu rừng dược liệu

DHG đã sản xuất Spivital từ tảo Spirulina và Naturenz chiết xuất từ dược liệu thiên nhiên và cả hai sản phẩm này đều có tiềm năng tăng trưởng cao.

Năm 2015, mặc dù doanh thu của DHG có phần chậm lại so với giai đoạn trước, nhưng với kỳ vọng doanh thu tăng trưởng mạnh vào 2016, DHG vẫn tiếp tục đầu tư để gia tăng năng lực sản xuất lên gấp đôi và định hướng phát triển các sản phẩm có nguồn gốc dược liệu.

Tại Đại hội cổ đông năm 2015, đại diện HĐQT Công ty CP Dược phẩm Cần Giờ (CagiPharm) cho biết, thương hiệu dược phẩm US Pharma của Công ty đã có chỗ đứng trên thị trường. Do vậy, Công ty đang xây dựng phân xưởng TPCN.

Nếu hoàn thành trong năm 2015, US Pharma sẽ là một trong những nhà máy có tất cả dây chuyền trong 4 phân xưởng: thuốc viên Nonbeta, Cephalos, Đông dược và TPCN.

Hiện sản phẩm thuốc Công ty sản xuất chiếm 80%, thuốc gia công chiếm 20%. Đến năm 2017, phấn đấu tỷ lệ thuốc tự sản xuất đạt 90%.

Cũng trong năm nay, CagiPharm sẽ xây dựng chiến lược bán hàng cho nhóm hàng đông dược; mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc, Myanmar, Lào và Philipines.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Dược Danapha Ds. Nguyễn Quang Trị cũng cho biết: "Mảng Đông dược của các DN nội địa hiện chỉ chiếm 1,55% giá trị thị phần và chỉ có khoảng 5/80 DN đạt chuẩn GMP của WHO Đông dược".

>>Ấn Độ có thể là thị trường dược phẩm hàng đầu

Trong bối cảnh đó, bước đi của Danapha là tập trung vào thế mạnh đông dược bằng dược liệu tốt, công nghệ cao, đầu tư nghiên cứu sáng chế những dược phẩm mang hàm lượng chất xám cao để làm vũ khí cạnh tranh.

Hằng năm, Dannapha chi 2 tỷ đồng cho việc nghiên cứu phát triển sản phẩm.

Sau khi cổ phần hóa, Công ty đã đầu tư theo mô hình khép kín gồm vùng nguyên liệu, nhà máy và trung tâm nghiên cứu. Cụ thể, công ty đưa vào hoạt động nhà máy GMP - WHO Đông dược với công suất 235 triệu viên/năm và phát triển vùng nguyên liệu ở Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, Danapha cũng chuyển giao thành công sản phẩm công nghệ Phytosome từ Italia, nắm được chìa khoá công nghệ Nanosome và chuẩn bị cho ra đời hàng loạt các sản phẩm mang tính đột phá trong phòng chống và điều trị bệnh ung thư, điều trị bỏng và làm liền sẹo, điều trị chống thải ghép trong ghép nội tạng.

Cũng theo Ds. Quang Trị, các loại thuốc được sản xuất từ công nghệ sinh học bao gồm vaccine, thuốc kháng độc tố, protein, kháng thể đơn dòng sẽ rất đắt, người dân khó tiếp cận điều trị hơn.

Rõ ràng đây là điều mà các công ty dược đa quốc gia muốn, nhưng không được bác sĩ và đa số người dân ủng hộ vì gánh nặng ngân sách y tế ngày càng trở nên khó gánh vác.

Vậy nên, nếu các công ty dược Việt Nam chịu đầu tư vào mảng thuốc sinh học và công nghệ cao (thay vì đua nhau sản xuất thuốc generic) sẽ mở ra cánh cửa lớn để thuốc Việt Nam không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn được xuất khẩu phục vụ thị trường nước ngoài.

Đây chính là điều mà các DN dược phẩm nội địa cần cải tiến, chuẩn hóa tiêu chuẩn sản xuất và chất lượng các dòng sản phẩm cao cấp, tạo ra năng lực cạnh tranh để đáp ứng thị trường xuất khẩu.

>>Thuốc sinh học: Quy trình sản xuất quyết định tính hiệu quả

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dược phẩm nội: Triển vọng Đông dược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO