Trải qua hơn 10 năm học tập, sinh sống và làm việc tại Singapore, được tôi luyện qua nhiều môi trường năng động từ những công ty nhỏ, vừa lẫn môi trường chuyên nghiệp của tập đoàn lớn, Trần Đăng Khoa trở về Việt Nam để khởi nghiệp. Họ thành công khi phát triển TGM Corp từ 3 thành viên sáng lập ban đầu (Trần Đăng Khoa, Trần Đăng Triều và Uông Xuân Vy) thành một doanh nghiệp (DN) trên 200 thành viên như hiện nay.
Chính thức thành lập từ tháng 2/2009 với hai lĩnh vực hoạt động là đào tạo (TGM Next) và xuất bản (TGM Books), đến nay TGM Corp đã thu hút được hơn 125.000 học viên, xuất bản hơn 30 tựa sách và tiếp cận được hàng triệu độc giả.
Đang gặt hái nhiều thành công trong cả hai lĩnh vực đó, nhưng Trần Đăng Khoa nói riêng và đội ngũ sáng lập TGM Corp nói chung vẫn chưa hài lòng với hiện tại mà tiếp tục sáng lập ra mạng xã hội tri thức và xây dựng thương hiệu cá nhân UBrand.
Sản phẩm này là sự kết hợp giữa mạng xã hội và việc học tập trực tuyến, giúp người dùng có một môi trường tương tác tích cực, cơ hội xây dựng thương hiệu cá nhân và từ đó tạo ra thu nhập. Hiện tại, UBrand đã có hơn 60.000 người dùng và trung bình mỗi tháng có thêm khoảng 5.000 người.
Học hỏi - con đường không có điểm dừng
Ở giai đoạn đầu khởi nghiệp, Trần Đăng Khoa thừa nhận dù đã tự trang bị nhiều kiến thức nhưng vẫn phải học hỏi thêm nhiều trong quá trình thực hiện, đặc biệt là những kiến thức về môi trường khởi nghiệp. Chẳng hạn, giữa khởi nghiệp ở Việt Nam và Singapore cũng đã có sự khác biệt lớn về hệ thống pháp luật, quy định, chính sách…
“Người làm kinh doanh không thể ngừng học, nếu không, “một ngày đẹp trời” thức dậy sẽ thấy mình đã nằm ngoài thị trường. Thế giới ngày nay không thay đổi từ từ như chúng ta nghĩ, mà khi công nghệ chín muồi, người ta ứng dụng nó rất nhanh. Cách đây không lâu, chúng ta không biết smartphone là gì, nay thì gần như tất cả mọi người đều dùng smartphone. Nokia từng là “bá chủ thiên hạ” khi lập kỷ lục thế giới về số lượng điện thoại bán ra, nhưng mọi chuyện bây giờ đã khác, và khác rất nhanh, nhiều đối thủ mạnh hơn đã đánh bật Nokia ra khỏi “ngai vàng”.
Ngay cả một tập đoàn lớn như Nokia cũng không thể xoay chuyển được tình thế, đủ thấy sự thay đổi có thể vượt khỏi tầm kiểm soát của chúng ta như thế nào”, anh chia sẻ.
Không để phí hoài những kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp đã tích cóp được sau nhiều năm lăn lộn, đồng thời tạo bệ phóng cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, TGM Corp còn tổ chức thành công khóa học Con đường khởi nghiệp, thu hút sự tham gia của nhiều người chuẩn bị khởi nghiệp lẫn những nhà khởi nghiệp đã gặt hái được một số thành quả nhất định.
Trần Đăng Khoa nhận định, dù DN đã có mức doanh thu ổn định từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, nhưng không thể “giậm chân tại chỗ” mà cần phải tìm ra cách đột phá để đưa DN lên một bước phát triển mới. Vì vậy, chủ DN cần xác định bản chất đặc thù của công ty mình là gì, giới hạn nằm ở đâu và làm cách nào vượt qua giới hạn đó, nếu không sẽ bị đào thải. CEO TGM Corp cho rằng, thông thường sẽ có hai cách để DN vượt qua “mức trần” của mình: tự chuyển hóa DN thành một “phiên bản” mới hoặc mở một DN khác trong một lĩnh vực khác không bị giới hạn. Vì chặng đường mới đòi hỏi phải có những phương pháp mới, không thể dùng đi dùng lại những “vũ khí” cũ.
“Chúng tôi quyết định đầu tư vào UBrand vì nhận ra rằng TGM Corp đang “chạm trần” trong ngành đào tạo - một lĩnh vực phụ thuộc vào con người. Chúng tôi không đủ khả năng tiếp tục mở rộng hoạt động vì sẽ phải giảm chất lượng, dẫn đến mất khách hàng. Hiện tại, doanh thu, khách hàng vẫn đều đặn tăng nhưng tăng theo kiểu tịnh tiến với tốc độ chậm. Do đó, chúng tôi tìm kiếm sự đột phá bằng cách chuyển sang một lĩnh vực mới mẻ và không bị giới hạn”, anh chia sẻ.
Tuy nhiên Chủ tịch HĐQT TGM Corp vẫn nhấn mạnh rằng, sau khi “vượt trần” thành công, doanh nhân vẫn phải tiếp tục tự học và trau dồi thêm, vì có thể trong tương lai, họ sẽ tiếp tục chạm phải một “mức trần” mới.
Từ phát triển ổn định đến “liều ăn nhiều”
Theo doanh nhân Trần Đăng Khoa, có hai hướng khởi nghiệp: một là xây dựng DN nhỏ và vừa (SME), nhắm đến mục tiêu có doanh thu và lợi nhuận ngay từ đầu để cân bằng hoạt động; hai là theo hướng “startup”, nghĩa là sẵn sàng đổ vốn, chịu lỗ trong nhiều năm, mong muốn tìm nhà đầu tư có cùng suy nghĩ để đầu tư lâu dài, nhắm vào mục đích chiếm lĩnh thị trường.
Theo đó, anh khẳng định, nếu TGM là một dạng SME thì UBrand là một startup: “Chúng tôi chấp nhận đi đường dài với hy vọng đến một ngày có thể chiếm lĩnh được mảng thị trường khá mới mẻ này. Vả lại, giá trị của một mạng xã hội đến từ số lượng người dùng, nên cần phải có thời gian để thu hút mọi người tham gia. Tuy nhiên, UBrand không tập trung xây dựng lượng người dùng lớn, mà cố gắng giữ chân những người thực sự phù hợp với định hướng - những người thích tri thức, thích học hỏi và rèn luyện bản thân. Bởi vì mỗi mạng xã hội sẽ có một văn hóa riêng, và những người dùng đầu tiên, những người dùng tích cực nhất sẽ định hình nên văn hóa đó”.
Trên thực tế, Trần Đăng Khoa và các đồng sáng lập UBrand đã đầu tư khoảng 3 tỷ đồng vào dự án này trong hơn một năm qua nhưng vẫn chưa thu được lãi.
Hiện tại, TGM đã là một DN phát triển theo hướng ổn định, bền vững, còn UBrand sẽ tập trung theo hướng đi mà Trần Đăng Khoa gọi nôm na là “liều ăn nhiều”. Nếu thành công thì giá trị sẽ lớn hơn nhiều lần, mang lại thành công và sự giàu có cho những người cùng tham gia, nếu thất bại thì… “cũng không sao”.
Với cách suy nghĩ đó đó, những nhà sáng lập cùng thống nhất với nhau rằng, dù thắng hay thua, được hay mất thì cho đến cuối cùng cũng đều đóng góp cho xã hội. Nếu thất bại thì đóng góp ít, thành công thì đóng góp nhiều. Trần Đăng Khoa còn hy vọng, khi UBrand phát triển, nhiều người sẽ không còn cái nhìn tiêu cực về mạng xã hội như hiện nay nữa.
Một nguồn động lực nữa thôi thúc doanh nhân họ Trần bắt tay vào thực hiện UBrand là vì nhận thấy có một thực tế là nhiều người Việt đang bị mất niềm tin vào việc học hành.
Trần Đăng Khoa thẳng thắn nhìn nhận: “Người Việt mình được cho là hiếu học nhưng thực ra chúng ta “hiếu bằng” hơn. Chúng ta học vì muốn có được tấm bằng chứ không phải để phát triển bản thân, do đó, không có động lực học những kiến thức mà không đem lại bằng cấp”.
Anh kể, nhiều người dùng chia sẻ trên UBrand rằng họ không nhận được sự ủng hộ của gia đình và bạn bè khi tiếp cận tri thức bằng cách đọc sách, bị cho là đang “sống xa rời thực tế”, hoặc những nhân viên phấn đấu làm việc với năng suất cao sẽ bị đồng nghiệp… ghen ghét. Vì thế, họ dễ cảm thấy lạc lõng và cần một môi trường tương tác phù hợp, với những người cũng thích tri thức và thích rèn luyện bản thân như mình, từ đó động viên nhau để công việc phát triển hơn, tư duy phát triển hơn và giới thiệu nhau đến những môi trường làm việc tốt hơn.
Nâng cấp bản thân để… giữ chỗ
Với đặc thù công việc ở cả hai đứa con tinh thần là TGM và UBrand, Trần Đăng Khoa có cơ hội tiếp xúc với nhiều người trẻ. Theo anh, đang có một sự phân hóa mạnh mẽ trong giới trẻ Việt Nam.
Nhóm thứ nhất có thể gọi là “nhóm tinh hoa”, gồm những người có kiến thức, kỹ năng, tư duy tốt, khao khát thành công và có nỗ lực vươn lên. Nhóm thứ hai là nhóm có kiến thức, kỹ năng, tư duy trung bình. Nhóm thứ ba là nhóm đông nhất nhưng ít hạnh phúc nhất, gồm những người có kiến thức, kỹ năng và tư duy kém hoặc có kiến thức, kỹ năng nhưng tư duy sai lệch, nghĩ mình là “trung tâm của vũ trụ” và không chấp nhận được thực tế nên thường mất định hướng trong công việc lẫn cuộc sống.
“Tôi rút ra kết luận này dựa trên các nghiên cứu về xã hội học và về sự phát triển chung của xã hội Việt Nam hiện tại. Thông thường ở các nước khác, nhóm trung bình đông nhất, nhưng ở Việt Nam thì nhóm thứ ba lại đông nhất. Và dự đoán trong vòng 10 đến 20 năm nữa, hầu như nhóm trung bình sẽ tiếp tục thu nhỏ lại, vì một phần ít nhóm này sẽ gia nhập nhóm tinh hoa, một phần lớn sẽ gia nhập nhóm “không biết đi đâu về đâu”. Và với sự phát triển chóng mặt của công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng, những lao động chất lượng thấp sẽ dần bị thay thế, chỉ có những người thuộc nhóm tinh hoa - những lao động có tay nghề cao mới được “trọng dụng”, được hưởng mức lương cao và là động lực phát triển của xã hội”, doanh nhân - diễn giả Trần Đăng Khoa nhận xét.
Để chiến thắng được những “đối thủ” đáng gờm là công nghệ cao, theo anh, nhà khởi nghiệp nói riêng và doanh nhân trẻ nói chung cần phát triển chuyên môn theo chiều sâu và trau dồi những kỹ năng có liên quan đến yếu tố cảm xúc, tương tác với con người và những kỹ năng đòi hỏi sự tư duy, sáng tạo…
Trần Đăng Khoa nhấn mạnh, nếu không tự nâng cấp bản thân, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này, khi “cơn lũ công nghệ” được “xả van”, một buổi sáng thức dậy, chúng ta sẽ bị robot thay thế.