Tuyên bố của người đứng đầu Chính phủ Đức được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị họp thượng đỉnh tại Brussels vào ngày 17-18/7 tới để thông qua ngân sách EU giai đoạn 2021-2027, trong đó có quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ EUR (tương đương 846 tỷ USD).
Phát biểu trước cuộc tiếp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh hỗ trợ không liên kết với cải cách và định hướng tương lai sẽ là "vô tác dụng". Các nước chỉ có thể đạt thịnh vượng với một nền kinh tế bền vững, hướng tới tương lai và có tính cạnh tranh.
Trong khi đó, Thủ tướng Rutte đánh giá đại dịch Covid-19 đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng và điều quan trọng lúc này là châu Âu cần phải cùng nhau giải quyết những hậu quả. Ông khẳng định Đức và Hà Lan chỉ có thể tiến lên phía trước nếu cả EU vận hành tốt.
Liên quan quỹ phục hồi của châu Âu, Thủ tướng Rutte ghi nhận tầm quan trọng của việc lập một quỹ như vậy, song cho rằng hành động cần phải đi kèm những cải cách để tất cả các quốc gia thành viên EU cùng mạnh về kinh tế để có thể tự chống chọi với những khủng hoảng tương tự trong tương lai. Ông cũng nêu rõ, châu Âu cần tiết kiệm về trung hạn, không nên tăng mức đóng góp ròng do vấn đề Brexit hay Covid-19.
Theo kế hoạch, tại Hội nghị thượng đỉnh EU tới đây, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về ngân sách của khối, trong đó có quỹ phục hồi gây tranh cãi trị giá 750 tỷ EUR, gồm 500 tỷ EUR (564 tỷ USD) dưới dạng viện trợ và 250 tỷ EUR (282 tỷ USD) là cho vay giúp các nước thành viên phục hồi kinh tế.
Hiện 4 nước châu Âu gồm Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và Áo hoài nghi về cơ chế của quỹ này, bày tỏ mong muốn lập quỹ dưới dạng các khoản cho vay thay vì tài trợ và gắn với những điều kiện cải cách.
Trước đó, ngày 8/7 tại Nghị viện châu Âu (EP), Thủ tướng Merkel cũng đã kêu gọi các nước châu Âu cải cách và thỏa hiệp nhằm sớm đạt được gói phục hồi kinh tế để hỗ trợ các nước thành viên vượt qua đại dịch.
(Theo TTXVN)