Về đình Phú Tự nghe chuyện Mai Khê Thần Mộc

Dương Thủy| 23/05/2020 02:00

Ghé Phú Hào (Phú Hưng, TP. Bến Tre) sau những ngày vừa trải qua lệnh giãn cách xã hội bởi đại dịch Covid-19 hoành hành, đoàn chúng tôi đến thăm ngôi đình Phú Tự với mong muốn được ngắm cây bạch mai hơn 300 năm tuổi và cũng để tìm hiểu vì sao lại gọi cây hoa này là cây mai thần...

caymai-1-7235-1590207428.jpg

Cây bạch mai nằm ngay trước sân đình Phú Tự có tán rộng hàng chục mét vuông

Từ một hành trình không định trước…

Cùng vài người bạn có máu khoái lang thang, chúng tôi trải dài tầm mắt nghiêng ngó trời mây, mặc cho xe bon bon trên con đường nhỏ vắng vẻ, sau mươi phút thả mình lạc lối trong khuôn viên thành phố, chợt tấm bảng chỉ đường ghi tên Cây di sản hiện ra. Vậy là cả đám hứng chí quẹo xe chạy vô thăm ngôi đình Phú Tự có tuổi đời ước chừng 150 năm, mang kỳ vọng tìm xem cây bạch mai được ngoa truyền đã hơn 300 tuổi.

Ghé Phú Hào sau những ngày nhân gian vừa trải qua lệnh giãn cách xã hội bởi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp 5 châu 3 bể. Có đi mới thấy, xem ra cơn dịch cúm Vũ Hán từng gây bao lo âu cho cư dân Việt vẫn còn vương vất đâu đây. Bởi cảnh vật nơi chúng tôi ghé thăm xác xơ và vắng hoe, ngay cả chú cẩu cũng nằm ườn bên hiên nhà dòm khách chứ không buồn sủa. 

Thoáng bâng khuâng bên đình Phú Tự…

caymai-2-8141-1590207428.jpg

Đình Phú Tự tọa lạc tại Phú Hưng, thành phố Bến Tre

Bước vào khoảng sân đầy bóng cây, đập vào mắt tôi là một cội mai khá to, sum suê xanh mướt. Đi một vòng quanh cây, màu xanh um của cây nhẹ hương thoảng bay, đã gây ấn tượng mạnh với du khách ngay khi chạm mắt.

Chú Hoàng - một cư dân Phú Hào đang dọn lá gần đó, xởi lởi mời chúng tôi thắp hương cúng Thần và chia sẻ về ngôi đình Phú Tự với niềm tự hào hiện rõ trong âm giọng: “Tui nói thiệt cho mấy cô chú nghe nha, ngôi đình này được các vị tiền nhân ngắm thế đất kỹ lưỡng lắm vì nó xây dựng trên một gò đất cao nhất vùng, ngày xưa cư dân quen gọi là Gò Xài (xoài). Cái tên này được gọi chắc bởi xa xưa nơi đây có rất nhiều cây xoài thiên nhiên do chim chóc ăn trái thả hạt nên chúng biến thành rừng luôn đó!

Với niềm tin “đất có thổ công, sông có hà bá” nên từ ngày khẩn hoang, những cư dân đầu tiên đã chọn khu Gò Xài cao ráo để xây dựng ngôi đình thờ cúng các vị thần với niềm tin nhận được ơn lành của thần tiên giáng phước. Theo sử sách ghi chép thì vùng đất Phú Hào đón những bước chân người đến định cư khai hoang lập ấp cũng chỉ chừng 170 năm đổ lại (giữa thế kỷ XVIII) . 

Đặc biệt, khi ngắm nghía địa điểm, các cụ đã tìm ra cây bạch mai kỳ lạ này bởi nó đã được trồng từ trước hơn 100 năm mà chẳng biết ai là chủ nhân đích thực. Tuy nhiên ngày xưa cây này nằm sau lưng đình. 

Thuở ban đầu, đình chỉ là ngôi nhà bằng tre lá đơn sơ. Sau đó, một cư dân giàu có của làng Phú Hưng là ông Trần Văn Cương đã hiến đất tặng và cho người  xây dựng ngôi đình to lớn hơn. Vào năm 1904, đình được trùng tu xây dựng với chất liệu gạch vôi vữa, đồng thời ban tư tế quyết định đổi hướng mặt đình về dòng sông Bến Tre. Vậy là cây Mai Khê này đã an vị đứng giữa sân đình , giống như một vị thần trấn thủ làm ngôi đình tăng thêm vẻ cổ kính.

Đến câu chuyện Mai Khê Thần Mộc

caymai-5-5620-1590207428.jpg

Cây bạch mai đình Phú Tự là chứng nhân cho sự hình thành của vùng đất Nam bộ

Cây mai di sản  mà chúng tôi đang ngắm thường được cư dân quen gọi là bạch mai nhưng tên đúng của cây là Mai Khê. Nếu theo phong cách văn chương thì các văn sĩ gọi cây là Nhất bạch chi mai. Lý do gọi như vậy vì loài cây này chỉ ra hoa một lần vào đầu xuân, nhưng phải đúng vào rằm tháng Giêng thì hoa mới nở rộ. 

Ngắm kỹ mai khê, tôi nhận ra Nhất bạch chi mai có thân khá to và sần sùi, cành lá thì chi chít ken đặc. Nhờ chú Hoàng chỉ, cả nhóm mới nhìn kỹ và phát hiện ra những nụ hoa xinh xinh màu trắng, nhìn thoáng khá giống hoa mù u đang e ấp nở.

Nhìn hoa tôi đoán, do hình dáng và màu sắc nên người dân gọi đó là bạch mai. Còn theo chú Hoàng thì cái tên này đã được ông bà cụ giữ đình xưa truyền lại rằng, Mai Khê có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng chúng đến nơi này nhờ công của ông Mạc Cửu (người khai phá đất Hà Tiên). Thuở ấy, khi đưa gia tộc lưu lạc đến miền Tây Nam bộ xa xôi của quê Việt nhằm lẩn tránh sự truy sát của nhà Thanh, ông đã mang cây từ quê hương của mình ở tận miền Nam Trung Quốc sang  trồng ở Hà Tiên một cây, sau đó thì tiến cống cho quan trấn thành Gia Định một cây. Riêng cây Mai Khê ở Bến Tre thì có tuổi dài hơn cây mai Mạc Cửu từng trồng. Hiện nay cây mai ở Hà Tiên đã chết, cây ở Gia Định thì nghe nói đưa vào  chùa Giác Viên - thuộc quận 11, TP.HCM nhưng chưa rõ chúng tọa lạc ở đâu. Cho tới giờ, dấu tích của Mai Khê chỉ còn ở Bến Tre là rõ rệt.

Chú Hoàng kể thêm, Mai Khê là loại cây khó tính. Thứ nhất, cây chỉ sống ở những vùng đất cao ráo, điều kiện phải thích hợp thì mới phát triển. Đã vậy cây rất khó gây giống nếu không nói là không thể ghép thân hoặc gầy giống như bao cây cảnh khác. Điều đặc biệt thứ hai là loài cây chỉ sống tại những nơi tâm linh thanh vắng như đình, chùa chứ nhà dân thì không thể trồng được.

Vào dịp Tết Nguyên Tiêu, từ thân cây sẽ nhú ra những nụ hoa chi chít, sau ít ngày hoa nở rộ, tán cây toàn một màu trắng tinh khôi. Mai khê là loài cây có hoa nở về đêm, khi hoa nở hương thơm sẽ lan tỏa cả một không gian xanh trong, thoáng đãng.

Hoa mai khê được cư dân nơi đây rất quý, sau khi hoa rụng thì cư dân đem phơi khô và pha nước sôi uống như trà. Nghe nói, trà bạch mai có vị thơm dìu dịu, uống vào thấy nhẹ tâm. Do vậy, vào mùa hoa nở thì ban hương chức luôn cho lót vải bố dưới sân hứng hoa rơi để dành ủ trà đãi khách.

Lặng im nghe chú kể tò mò tôi hỏi vì sao gọi cây hoa này là mai thần?

Chú Hoàng trầm ngâm nói: Không hiểu vì sao, mỗi khi cây mai này gãy một nhánh thì trong ban hương chức của đình sẽ có một người theo ông bà giã từ nhân thế. Do vậy, đây chỉ là điều mà hội đồng hương chức tự trắc nghiệm nên cũng hổng dám chia sẻ vì e sẽ mang tiếng mê tín dị đoan thì rộn chuyện.

Phú Tự Đình - điểm hẹn mới của các tour du lịch văn hóa tâm linh

caymai-3-8443-1590207428.jpg

Đình Phú Tự thờ Thành hoàng bổn cảnh, được vua Khải Định phong sắc vào năm 1918

Vào năm 2008, sau nhiều lần thẩm định nếp văn hóa tín ngưỡng dân gian địa phương, đình Phú Tự và cây bạch mai đã chính thức trở thành Di tích văn hóa cấp tỉnh. Không dừng ở đó, các chuyên gia cũng đề nghị bảo tồn cây mai khê này trở thành cây di sản cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Tận dụng lợi thế của đình cùng truyền thuyết Bạch mai thần Mộc, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Bến Tre đã đề ra thêm nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra tại đình Phú Tự như Ngày thơ Việt Nam luôn được tổ chức hàng năm tại đây.

Ngoài ra, dưới bóng Mai Khê Thần Mộc cũng là điểm hẹn của nhóm Thi nhân Bạch Mai, hoạt động này thường được diễn ra ngày 16 âm lịch hàng tháng. Như vậy, ngoài các lễ cúng Kỳ yên, Thượng điền, Hạ điền, Chạp miếu và hội hoa đăng cúng Tiết Nguyên Tiêu, đình Phú Tự còn là điểm cúng giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày tri ân thương binh liệt sĩ. Trong tương lai gần, các chuyên gia du lịch dự kiến sẽ tái diễn các ngày hát sắc bùa, hát bộ và vịnh thơ Nguyễn Đình Chiểu, kèm theo đó là tái hiện các trò chơi dân gian cùng các món ngon mang phong cách đặc trưng xứ dừa để du khách thưởng lãm.

Lòng vòng quanh sân ngắm hoa cùng cảnh vật của đình, tranh thủ thắp nén nhang kính các bậc tiền nhân của đình Phú Tự, tạm biệt người thủ từ chơn chất của xứ dừa, cả nhóm lại tiếp tục cuộc hành trình viếng thăm các địa danh khác. 

caymai-4-8817-1590207429.jpg

Hoa bạch mai rất thơm, nấu nước pha như nước trà uống có tác dụng giải độc rất tốt

Trong cơn nắng vàng rực, ngắm bầu trời xanh trong, cùng ngửa cổ đón làn gió miền quê mơn man trên mắt, mặt, môi, chợt một người bạn của tôi buông câu nói vu vơ: Có đi du lịch, chúng ta mới biết thêm quê hương vẫn còn nhiều điển tích hay và lạ. Nhưng có lẽ vì mãi ngụp lặn trong vòng xoáy gấp gáp của cuộc sống mà chúng ta quên đi rất nhiều điển tích hay của quê Việt.

Vâng! Có lẽ nhờ hưởng được chữ “duyên” nên tôi đã tìm về đây, ngắm cây Mai Khê Thần Mộc này để soi lại lòng mình, học cách sống an lành bình thản như cây giữa dòng đời vạn biến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Về đình Phú Tự nghe chuyện Mai Khê Thần Mộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO